Người nuôi cá Koi ở Củ Chi - Kỳ 2: Khai phá “đất thép”

18/11/2009 09:55 GMT+7

(TNTT>) Một sáng tháng 3. 2007 trong vắt. Cả cánh rừng hoang hóa, đất phèn thuộc xã Trung An, Củ Chi bỗng bị đánh thức bởi tiếng động cơ ầm ầm ì ì. Chưa bao giờ, người dân ở đây thấy cảnh tượng lạ lùng như vậy: Một đoàn xe hơi, xe tải nối đuôi lầm lũi vượt qua cánh rừng để đến mảnh đất ven sông.

Tướng tài đổ quân

Đi đầu là một chiếc xe hơi 7 chỗ, đi kế là chiếc xe 25 chỗ, đi cuối cùng là chiếc xe tải 2,5 tấn, chở trên đó là hơn 30 con người và đầy đủ đồ đạc khẩn hoang đất phèn. Hôm nay, ông Dũng đổ quân xuống khai phá “đất thép”. Một sự kiện đặc biệt không chỉ với người dân mà cả với chính quyền xã Trung An, Củ Chi. Bởi “đất thép” giờ đây không chỉ là rừng hoang hóa, đất phèn mà dưới đó còn rất nhiều bom đạn chiến tranh để lại. Vì những lý do này, nhiều người dù có đất nhưng cũng chưa dám đầu tư, phát triển.  

Trại cá sẽ hình thành của ông Dũng nằm nơi không điện, không nước, không đường sá, không có bóng dáng của con người khẩn hoang, tận dụng đất nông nghiệp như những chính sách vẫn được khuyến khích. Đã vô đây rồi, nếu không tìm theo dấu bánh xe thì chẳng còn cách gì mà ra. Ông Dũng “thả” lính giữa rừng buổi sáng, đến buổi chiều đã phát quang, chặt xong cây làm trại dã chiến, vừa là chỗ ăn nghỉ và nơi điều hành công việc.

Xung quanh, khi đó nói như ông Dũng thì “dưới nước là đỉa, trên mặt đất là vắt, lưng lửng là kiến vàng, trên cùng là ong; rắn rít thì khỏi nói, nhiều vô kể...”. Riêng để phát hoang, diệt cỏ, ông Dũng đã phải chuyển hàng chục tấn vôi vô đây rồi cho lính mang rải trắng rừng. Lính ông kể cũng tài: Gần ba mươi người, trước là nhân viên, cán bộ công viên nước, quen làm việc nhẹ nhàng ở chốn thị thành; thế mà vô đây ai cũng đồng cam chịu khổ chẳng hề hé răng. Ngày đi cuốc đất, chặt cây, chịu đựng “các loại con” cắn chi chít trên người. Đêm về thì muỗi mòng, vắt bu lại, sáng ra, anh nào anh nấy như nằm trên vũng máu bởi xác vắt đã bu vô cắn no, người thì mệt quá, ngủ say, đè lên vắt lúc nào không biết.

Nhưng khó khăn, nguy hiểm chưa hết: Đất này xưa chịu nhiều bom đạn lắm, đang còn nằm dưới đất, nhiều đơn vị tháo gỡ bom mìn đến đây khảo sát, lắc đầu. Có một nơi chịu làm, nhưng họ đòi giá... 7 tỉ. Ông Dũng choáng, không thể đào đâu ra số tiền quá lớn đó. Lại hì hục mua sách vở về nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của anh em, rồi tự mua đồ về làm, tự tin với khả năng và những phẩm chất hồi còn lính, sẽ vượt qua. Hỏi ông có quá liều mạng, có sợ sệt gì hay không. Ông Dũng bảo “không”: “Kiên quyết và khéo léo, làm việc có khoa học sẽ được!”. Nghe mà rợn người. Nhiều lúc, anh em phát hoang gặp những quả đạn M79, cối 80 ly “vỏ còn sáng trắng ra”. Thế mà rồi mọi chuyện cũng ổn. Không một tiếng nổ. Không một vết thương. Trại cá ông Dũng từng ngày từng ngày hiện hình hài trên mảnh đất đầy rẫy hiểm nguy, bom đạn đó.

Nước về trại cá

Nói về “công nghệ đào ao” của ông Dũng, nhiều đoàn khách đến đây tham quan, học hỏi cũng phải lè lưỡi nể phục: Do đặc thù của rừng hoang hóa, chịu nhiều bom đạn, không chỉ có đất sình, cây dại mà còn ẩn chứa nhiều cái “ao” nhỏ, dưới đó thì vô vàn những thứ “rác” : từ rễ cây, gốc cây già cũ, bị ngâm nước lâu ngày cho đến… vỏ đạn, pháo cối. Để đào và xúc nó lên, phải dùng máy Kobe.

Người lái máy thì vừa phải am hiểu kỹ năng lái - xúc, vừa phải am tường… đường đi, vòng xoáy của những viên đạn. Ông Dũng tính: “Đạn đã găm dưới đất, chưa nổ chẳng qua nó chưa xoay hết vòng quay của nó. Phải biết cách xúc, lựa chiều xúc sao cho lỡ chạm vô thì khả năng nó nổ trở lại, gây sát thương ít cho người”. Bởi vậy, việc đào ao cho trại chiếm nhiều thời gian, công sức và làm cho ông Dũng cùng dàn lính đau tim nhất. Máy Kobe cứ đào, cứ xúc. Hằng tuần, hằng tháng, mỗi ao, xúc lên được vài ba đầu đạn sáng trắng là chuyện thường. Ao nào cũng có. Rồi thì, đào bằng máy, nhưng đắp bờ thì lại phải dùng tay, bởi đất đây vừa nhão, vừa lầy, chẳng máy móc nào làm nổi…

Ròng rã sáu tháng trời, việc phát hoang, đào ao, khai phá mặt bằng mới xong. Gian truân, nguy hiểm luôn phải đối mặt nên quên hết, chẳng có thời gian để nhớ, để nghĩ về khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành. Nhiều lúc, ông Dũng chỉ lén nhìn anh em mà lau nước mắt.

 
Phụ giúp anh em đánh cá ngoài ao

Anh em thương mình, nên cắn răng chịu khổ, trước đến như thế nào thì làm xong đếm đủ, chẳng thiếu một ai. Trong khi từng tốp, từng tốp người lao động bên ngoài được thuê vô làm phụ, lương cao, đối xử tốt, vậy mà làm được vài ngày bỏ đi hết. Họ nói, họ không chịu được cảnh khổ ở rừng. Trong khi ở đây là Củ Chi, đất thành phố.

Một lần, ông Dũng cầm dao đi phát hoang, mải mê làm quá, tách xa anh em lúc nào không biết. Đất ở đây có nhiều chỗ sình, bên trên chuối rừng mọc lên um tùm, dày đặc... Ông Dũng không biết, dẫm phải một bụi chuối, thụt ngay bãi sình lớn, càng cố gắng trườn lên thì càng bị lún sâu. Lúc sình ngập đến ngực thì anh em mới chạy lại, ném cho ông cái cây để ông nắm lấy, họ đứng từ xa kéo ông lên. Ông Dũng được cứu, đồ đạc cá nhân, điện thoại di động lấm lem, miệng vẫn lớn tiếng, đem mình ra để mọi người rút kinh nghiệm. Thế mà sau đó cũng vẫn có người bị như ông. Mới thấy, rừng thiêng nước độc đôi khi còn khó lường hơn cả bom đạn “thập diện mai phục” dưới lòng đất.

Ngày “tân gia” trại cá, nước sông Sài Gòn đã ngoan ngoãn theo các con mương dẫn chảy vô trại như cách tính “thông minh và khoa học nhất” của ông Dũng. Nước vô, qua xử lý, ngăn rác, cá tạp đã xanh ngắt một màu trên những ao đào. Con đường vô trại, dù vẫn còn hoang sơ lắm nhưng đã trở nên dễ đi, bằng phẳng hơn nhờ chính đoàn xe ông Dũng, ngày ngày  cần mẫn ra vô mang theo biết bao đồ khẩn hoang, nhu yếu phẩm cho trại. Đường rừng đã trở thành đường mòn. Nước sông vô. Nhiều người khóc vì mừng... (còn 1 kỳ)

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.