Người Philippines ở TP.HCM - (Kỳ 2): “Hát rong” xa xứ

06/10/2011 01:29 GMT+7

Người Philippines “đổ bộ” vào TP.HCM không chỉ để giúp việc nhà; một bộ phận rất lớn đến đây để làm ca sĩ. Và đây chính là đặc điểm nổi trội của cộng đồng Philippines ở Sài Gòn.

>> Kỳ 1: Osin cao cấp

Chàng luật sư điệu nghệ

Trong không gian quán cà phê sân vườn mát rượi, Phillip ôm đàn guitar ngồi trên sân khấu là cái chòi lợp cỏ tranh. Anh đang miên man trong giai điệu bài hát Careless whisper. Đây là yêu cầu của chàng trai dành tặng cô gái đang ngồi đối diện ngay sân khấu. Phillip sở hữu giọng hát ngọt ngào, ấm áp và tiếng đàn guitar mượt mà. Kết thúc bài hát, tiếng vỗ tay triền miên, cho tới khi anh phải nói lời xin phép để tiếp tục yêu cầu khác. Một cô gái tiến về sân khấu, nói nhỏ vào tai Phillip. Phillip nở một nụ cười tươi rói: “Please forgive me của Bryan Adams”. Nói rồi, anh chạm vào sợi dây đàn, lập tức những giai điệu da diết rung lên khiến người nghe không thể phân biệt được đâu là Bryan Adams, đâu là Phillip đang hát. Và cứ thế, chỉ với một cây guitar, Phillip hát hết bài này sang bài khác, càng hát càng say mê, càng ru lòng người.

Sau một tiếng rưỡi phục vụ, Phillip giải lao. Thấy chúng tôi tiến lại, anh đứng dậy kéo ghế bên cạnh ra mời ngồi rồi bảo: “Cám ơn vì đã đến nghe tôi hát”. Chúng tôi hỏi: “Phillip này, chắc hẳn ở Philippines, anh là ca sĩ rất được yêu thích?” Anh cười  xua tay: “Ồ không, tôi là luật sư đấy, ở quê nhà, chưa bao giờ tôi hát trước đám đông”. “Ôi trời, vậy sao qua Việt Nam, anh liều thế?”. “Không liều lĩnh đâu, hồi sinh viên, tôi đi học thêm thanh nhạc, còn guitar á, tôi biết đàn từ bé xíu”. Phillip chia sẻ rằng nhà anh có 3 anh em trai, người nào ba mẹ cũng bắt học một môn thể thao, sử dụng được một loại nhạc cụ và thành thạo một ngoại ngữ. Anh đã chọn bóng rổ, guitar và tiếng Pháp. “Mà sao anh không theo nghề luật sư như đã học?”, chúng tôi hỏi. Phillip cười bảo: “Ra trường 4 năm, tôi chẳng xin được vào đâu làm mà độc lập hành nghề thì khó lắm”. Chính vì lý do đó mà Phillip quyết định đến TP.HCM du lịch. Và chính nơi đây đã tạo một bước ngoặt mới trong cuộc đời anh. Chúng tôi hỏi, sao Phillip chỉ hát một mình? Anh bảo rằng cũng có người mời vào ban nhạc nhưng anh thích hát sô-lô hơn. Vì hát chung sẽ mất thời gian tập vũ đạo, chọn bài hát biểu diễn, trang phục... Còn hát riêng thì chủ động mọi thứ. Anh bảo là âm nhạc đã ngấm vào anh từ bé nên giờ cứ thế tuôn ra, anh không phải mất thời gian tập nhiều. Vậy tiền cát-sê thế nào? Đến yêu cầu này thì Phillip xin được giữ bí mật. Anh chỉ có thể nói rằng "nếu không khấm khá thì anh đã bỏ hát lâu rồi", vì thu nhập chủ yếu bằng đi hát, phần còn lại là làm gia sư. Phillip hớp một ngụm nước rồi nói: “Sau gần 2 năm ở TP.HCM, anh đã để dành được khoản tiền kha khá. Noel này anh sẽ mời ba mẹ sang Việt Nam du lịch khắp cả nước rồi về TP.HCM nghe anh hát. Ông bà chắc sẽ ngạc nhiên lắm".

Ngoài Phillip ra, chúng tôi còn gặp những ca sĩ đang hát sô-lô khác như Ray, Gaile, Joan, Red... Họ là những cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, hằng đêm biểu diễn tại các quán cà phê yên tĩnh.


Các nghệ sĩ Philippines đang đắm chìm trong một màn biểu diễn - Ảnh: B.T

Những nhóm nhạc đa năng

Khác hẳn với không gian yên tĩnh tại các quán cà phê với một ca sĩ, một cây đàn, tại các quán bar, những nhóm nhạc đến từ Philippines biểu diễn rất máu lửa. Họ không phải là ngôi sao, cũng chẳng có chút tên tuổi gì trong làng âm nhạc nhưng chỉ cần xem họ biểu diễn một lần, những khán giả khó tính nhất cũng sẽ bị thuyết phục. Họ có chất giọng ngọt ngào và mạnh mẽ, phong cách biểu diễn hồn nhiên, nhộn nhịp, gần gũi và rất ấn tượng, kết hợp với sự điêu luyện trong việc sử dụng các nhạc cụ hiện đại.

Tại một quán bar trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, ban nhạc đồng quê gồm 3 cô gái và 3 chàng trai với trang phục quần lửng, áo thun, giày thể thao trông rất mạnh mẽ, cá tính biểu diễn hằng đêm. Hình như họ biểu diễn không bao giờ biết mệt. Khi người này hát thì người kia xuống chơi nhạc cụ. Cứ thế, luân phiên 6 người, ai cũng hát, ai cũng phải chơi đàn, chơi trống phục vụ khán giả từ tối đến khuya. Còn nhóm nhạc phục vụ tại một bar khác nằm trên đường Lý Tự Trọng, Q.1 (Carmen Bar) thì luôn khiến khán giả chìm đắm trong những giai điệu bi tráng và đầy chất tự sự về tình yêu, cuộc đời của dòng nhạc flamenco. Bằng chất giọng rất riêng và những nhạc cụ độc đáo, ban nhạc ở đây đêm nào cũng đưa khán đến với hình ảnh nàng Carmen với chiếc váy xòe và những bước nhảy điệu nghệ. Những nhạc cụ này do ban nhạc tự chế. Tới khoảng từ 21 - 22 giờ, khán giả và ca sĩ như hòa làm một, cùng hát, cùng nhảy flamenco. Còn 5 thành viên trong nhóm nhạc Saphiare đang chơi tại quán Saigon Sagon Bar (nằm trong khách sạn Caravelle) rất đa năng. Họ có thể hát nhiều loại nhạc khác nhau trong một đêm như pop, rock, jazz, disco, hip-hop... Bar trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 (khách sạn Legend) lại khá cuốn hút với nhóm nhạc gồm 4 thành viên sẽ đến từng bàn phục vụ và hát theo yêu cầu của khán giả. Nhóm này tự nhận mình là những kẻ “du ca”, hát không phải để kiếm tiền mà hát để được hát.

Các nhóm nhạc Philippines không chỉ hoạt động tại khu vực trung tâm. Tại một quán bar (E7) trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, hằng đêm vẫn rất sôi động với 2 ban nhạc của Philippines, chuyên hát nhạc La-tinh.  Tại quán bar trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3 (Cheer Lounge Bar) ban nhạc còn có phần giao lưu với khán giả. Ở đây khán giả sẽ được thử sức với các loại nhạc cụ độc đáo của Philippines và hát bằng tiếng Philippines.

Trên khắp TP.HCM còn rất nhiều tụ điểm ca nhạc, quán bar đang có những nhóm nhạc đến từ Philippines biểu diễn. Khi hỏi những ông chủ về việc tại sao lại có “hiện tượng Philippines” trong thời gian gần đây thì hầu hết họ đều công nhận, các nghệ sĩ đến từ Philippines rất đa tài. Họ vừa là ca sĩ, cũng là một nhạc công tài ba, chơi thành thạo được nhiều loại nhạc cụ. Cho nên, một ban nhạc Philippines chỉ cần sử dụng 3 - 4 người là đủ. Và hơn thế nữa, họ rất khiêm tốn, chỉ nghĩ mình là những người làm công ăn lương nên làm việc nghiêm túc, chăm chỉ và chi phí trả cho họ cũng không cao. Nếu thuê một ban nhạc Việt Nam thì phải cần tới 7-8 người. Vì ca sĩ Việt thường chỉ biết hát, còn nhạc công chỉ có thể đánh đàn, không ai thay thế ai được. Và tiền thù lao cho nhóm nhạc trong nước thường rất cao mà ông chủ bar lại phải quỵ lụy “sao” nếu không sẽ bị xù buổi diễn. Dễ hiểu vì sao những ca sĩ, ban nhạc đến từ Philippines đang là lựa chọn số 1 của các ông chủ bar, nhà hàng và cả khán giả tại TP.HCM.

Biên Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.