Người phụ nữ cuối cùng 30 năm tay không bắt trùn đất

Thanh Dũng
Thanh Dũng
03/12/2018 10:06 GMT+7

Hốt nắm trùn trên tay, bà Nguyễn Thị Sang (51 tuổi) nói vui, bà là người cuối cùng của chợ trùn ở vùng Thất Sơn, An Giang. Những năm gần đây, trùn ít thành ra giá trùn từ 30.000 đồng nay lên 50.000 đồng/kg.

Chợ trùn 35 năm tuổi

Trùn hổ con to bằng đầu đũa có nơi gọi là địa long, thổ long…nhưng dù mang cái tên nào đi nữa thì đối với nhiều phụ nữ nó vẫn là con vật nhơn nhớt khó thân thiện dù vô hại. Bà Sang đùa, các cô gái thành thị mà bị ai nghịch ném vài con trùn này vào người là la ré lên liền.

Thiên nhiên khéo sắp đặt, khi mùa nước nổi tràn đồng cũng là lúc trùn hổ sinh sôi trên vùng núi đồi Thất Sơn. Muốn bắt trùn hổ phải về miệt núi này đào bới bắt, còn các vùng đất cát khác ở miền Tây rất ít. Do "độc quyền" nguồn trùn nên Tịnh Biên nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với chợ trùn có một không hai.
Bà Bảy đang chờ cân trùn THANH DŨNG

Gọi là chợ không ngoa, bởi rạng sáng cho đến trưa, ghe xuồng ngư dân trong và ngoài tỉnh cứ dập dìu cập bến ấp Hòa Hưng, thị trấn Nhà Bàng tranh nhau cân mua trùn hổ.

Vì sao phải lặn lội đến vùng núi mua trùn? Câu trả lời là các loài cá từ cá sát, cá hú, cá ba sa, cá tra, cá lăn, cá chốt, cá leo…thích ăn mồi trùn hổ. Ngư dân muốn bắt lươn thì dùng trùn bỏ vào keo ủ cho trùn bốc mùi rồi bỏ trùn ủ vào các ống trúm dụ lươn đồng.

Một phụ nữ mua trùn về bỏ mối lại cho ngư dân THANH DŨNG

Chợ trùn có tuổi đời trên 35 năm, thời gian trôi nhanh, những người bán trùn lần hồi bỏ nghề nhưng cái tiếng chợ trùn vẫn còn dù chợ mỗi bà Sang bán.

Mấy năm trước lũ nhỏ nên chợ trùn ế ẩm, năm nay lũ lớn cá tôm nhiều nên trùn có bao nhiêu cũng không đủ bán.

Những năm trước, trùn hổ 1 kg giá chỉ 30.000 đồng nhưng chủ yếu bán cho dân nuôi gà độ, nuôi chim kiểng là nhiều vì chim, gà ăn trùn lông mượt, hót hay, đá sung hơn. Năm nay, giá trùn 1 kg là 50.000 đồng nhưng người mua vẫn tranh nhau, ai tới trước cân trước, ai đến sau ngồi đợi có khi về tay không.

Như bà Nguyễn Thị Bảy (51 tuổi, ngụ H.An Phú, An Giang) phải chạy xe hơn 30km từ An Phú đến chợ trùn cân 10 kg ngồi cằn nhằn cùng bà Sang sao đợi mấy tiếng mà chưa có trùn. Bà Sang cười méo xẹo, trùn đang hiếm, chị Bảy ơi ráng đợi. Ngồi đợi chốc chốc bà Bảy lại móc điện thoại phân bua cùng các ngư dân An Phú đang hỏi rất trưa rồi sao chưa giao trùn đặng họ tới lấy để họ móc mồi cắm câu.

Người cuối ở chợ trùn

Trong lúc chờ người săn trùn đem trùn đến, bà Sang nói năm nay trùn ít vì người làm được thì giờ bỏ đi Bình Dương nên thiếu người đào trùn.

Hỏi vì sao phải gắn bó với cái nghề mua bán trùn mà nhiều cô gái, phụ nữ nhìn đã ngán ngại này bà Sang tròn mắt nói: “Nhìn mặt mà đoán hình dong dễ lầm lắm, trùn hổ nhìn dơ nhưng nó ăn ở sạch lắm, muốn bắt trùn phải lên gò cao đất sạch đào mới có chúng. Chỗ nào có trùn chỗ đó đất tơi xốp lắm, nói nó là con vật dơ, bò loằn ngoằn nhìn thấy gớm cũng đúng nhưng nhờ nó mà nhiều người sống được đó”.

Bà Sang nói, trùn hổ lạ lắm, khi nước nổi rút đi thì đào bới trên các gò cũng không được con nào, y như rằng chúng tan biến theo con nước. Rồi bà chặc lưỡi than, nghề trùn bây giờ phập phều theo con nước, năm nào cá nhiều, ngư dân hối cân trùn tới tấp. Năm nào cá tôm ít, trùn bán ế phải trữ lại lâu, phải tìm đất sạch bỏ vào liên tục cho trùn ăn nếu không chúng bò đi hoặc đói chết.

Thanh niên sống bằng nghề đào trùn riết cũng chán đi xa làm công nhân nên giờ tìm người đào bắt trùn không dễ nữa. Bà than, trên 30 năm bà đã sống với cái nghề này nhưng cứ theo đà này không khéo bà cũng bỏ nghề, khi ấy chợ trùn Tịnh Biên chỉ còn là chợ trong dĩ vãng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.