Người Sài Gòn ám ảnh phút gặp cướp: Chuyện 20 năm trước và cú ra tay tích tắc

28/11/2018 12:14 GMT+7

Chứng kiến kẻ cướp giật ngang tàn nhưng không làm gì được, bản thân mất điện thoại chỉ sau vài giây… là những câu chuyện đã từng xảy ra với một số người Sài Gòn. Bài học rút ra là phải hết sức cẩn thận khi ra đường.

Ấm ức câu chuyện 20 năm trước!
Trước năm 1975, tôi từng học tại Sài gòn, nên đường xá tôi biết rất nhiều nhưng khổ nổi là không nhớ tên đường. Lúc chở con gái tôi lần đầu tiên vào TP.HCM năm 1998 nhập học khóa trung cấp, tôi cũng rất vất vả khi tìm trường.
Xe tôi dừng đèn đỏ cùng lúc với cô bé chừng 25 tuổi, vai mang cặp sách choàng qua mình. Khi đèn xanh bậc lên, xe tôi và xe cô bé chạy song song.
Tôi bỗng chợt nghe tiếng gầm rú từ phía sau băng thẳng vào tôi và cô bé, phản ứng tự nhiên tôi nới rộng khoảng cách để tránh va chạm nhưng tôi không ngờ 2 người thanh niên chạy xe Honda áp sát là kẻ cướp, người ngồi sau với tay giật mạnh chiếc cặp sách nhưng không được vì dây choàng qua người.
Cú giật làm xe cô bé chao đảo, chúi về hướng 2 tên cướp, tên cướp phía sau tiếp tục giật hai, ba cái nhưng không thành.
Nhiều người Sài Gòn hạn chế ra đường vào đêm tối để tránh bị cướp giật Ảnh minh họa: Đ.N.T
Cô bé ngã té xuống, ngực đập vào thành xe rất nặng nhưng chiếc cặp sách vẫn không bị lấy nhờ có quai đeo. Lúc đó tôi tính đạp xe của bọn chúng nhưng con tôi cản ngăn vì sợ còn đồng bọn. Vả lại tôi phải chở con tôi cho kịp thời gian nhập học.
Xe tôi chạy từ từ qua ngã tư, con tôi kéo tay tôi nói: “Ba nhìn về phía bên phải, 2 thằng cướp giật vừa rồi cùng đồng bọn đang nhìn xe qua lại. Ba thấy chưa, nếu ba can thiệp sẽ không tránh khỏi đồng bọn của chúng”. Tôi đành gật đầu mà ấm ức trong lòng trước một cô bé bị nạn.
Theo tôi, các bạn nữ nên trang bị cho mình một chiếc còi để đeo trước ngực, phòng khi bị tấn công mà không phản vệ được là thổi to và la lớn để mọi người nghe và hỗ trợ bắt cướp. Tiếng còi và tiếng la lớn sẽ làm kẻ cướp giật mình và sẽ bỏ chạy.
Chỉ 3 giây là mất điện thoại
Tôi sống ở Sài gòn từ nhỏ đến lớn, chứng kiến một vài vụ cướp giật và bị cướp giật 1 lần.
Tôi chứng kiến một vụ giật dây chuyền lúc chiều tối xảy ra trên đường Nguyễn Văn Đậu. Đường hẹp, ít ánh sáng. Chuyện xảy ra trong tích tắc, từ hành động giật dây chuyền đến phản ứng của người dân xung quanh. Một chiếc ghế liệng ra từ nhà dân bên đường, thanh niên té văng xuống. Đám đông tụ lại, với những tiếng huyên náo, đánh túi bụi một thanh niên ngồi xổm, 2 tay bất lực chống đỡ che đầu! May cho thanh niên này là một người lạ xuất hiện. Được biết đoạn đường này thường xảy ra cướp giật nên cảnh sát chìm (mặc thường phục) được bố trí dọc quán nước hai bên đường.
Một lần nọ, trên đường đi từ Quận 1 về hướng Quận Bình Thạnh, vừa qua Thảo cầm viên để lên cầu Thị Nghè thì tôi nghe một tiếng la lớn từ phía sau đồng thời nghe thấy ai đó vỗ yên xe tôi. Chưa kịp hoàn hồn để biết việc gì, thì một chiếc xe lướt qua, chộp theo luôn chiếc điện thoại tôi để ở túi quần sau. Chỉ khoảng 3 giây. Tôi gần như chết điếng! Chỉ thoáng thấy đó là một trung niên đậm người, cưỡi xe Dream, đội nón kết. Tôi không đọc thấy biển số xe.
Những ai nghe điện thoại khi đi xe máy trên đường thường là "con mồi" của kẻ cướp giật Ảnh minh họa: Gia Khiêm
Thời đó điện thoại hiếm, giá lại không rẻ. Chiếc điện thoại tôi mua có hình thức đẹp mắt, nhưng là mặt hàng chuyên dụng, dành cho di động 7 số, nên dù tên này có cướp cũng không dễ tiêu thụ. Tôi ngao ngán, cũng không hi vọng gì, nhưng vẫn vào trụ sở công an gần đó trình báo. Tôi mới biết đây là điểm nóng của các tệ nạn ma túy, mại dâm, cướp giật... thời điểm đó.
Từ đó đến nay, tôi không dám bất cẩn, luôn chú ý an toàn khi di chuyển trên đường. Tôi đặt ra nguyên tắc cho bản thân: không về nhà trễ hơn 9 giờ tối, tránh những tuyến đường vắng và hạn chế mang túi xách, trang sức cũng như không mang theo nhiều tiền mặt khi ra đường.
Theo tôi, la to khi bị cướp không phải là giải pháp tốt. Điều cần nhất ở mọi tình huống chính là phải bình tĩnh, không hoảng loạn, để không bị té xe. Và cần nhất là bảo toàn được tính mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.