Người tàn tật, ốm đau, già yếu được bỏ phiếu tại nhà

18/05/2011 00:27 GMT+7

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, để đảm bảo cuộc bầu cử ngày 22.5 tới thành công tốt đẹp, một trong những vấn đề các tổ chức phụ trách bầu cử tại các địa phương cần phải lưu ý là “rà soát, thống kê số cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật có thể đến ngày bầu cử không đến được phòng bỏ phiếu, để phân công các thành viên Tổ bầu cử mang phiếu và hòm phiếu phụ đến nơi ở, đảm bảo tất cả cử tri đều được thực hiện quyền bầu cử theo quy định pháp luật”.

 

Lấy ý kiến cử tri tại P.Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Thông tin trên được ông Thắng nhấn mạnh khi trả lời tại buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề “Ngày hội non sông”, do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 17.5 tại Hà Nội.

Ngoài nội dung trên, ông Thắng cũng lưu ý các tổ chức phụ trách bầu cử tại các địa phương cần tính đến các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, bão lũ, mưa to để kịp thời ứng phó, tạo mọi điều kiện để cuộc bỏ phiếu được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Bầu ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được tiến hành chung một ngày nên Hội đồng Bầu cử T.Ư đã xem xét và thống nhất việc có một hay nhiều hòm phiếu sẽ do các địa phương tự quyết định, để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nơi. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 22 giờ đêm.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến, một độc giả ở Hậu Giang băn khoăn: “Cử tri tại một xã nào đó thì chỉ biết rõ về ứng cử viên cấp xã, còn đối với ứng cử viên do T.Ư giới thiệu về, họ không nắm rõ nên khó có thể bỏ phiếu chính xác được”. Vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: “Đây là băn khoăn của khá đông cử tri. Băn khoăn đó là chính đáng”. Theo ông Pha, để giúp cử tri lựa chọn người xứng đáng bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, pháp luật đã có những quy định khá toàn diện về vấn đề vận động bầu cử. Theo đó, người ứng cử sẽ được quyền vận động bầu cử thông qua ba hình thức: Qua các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức; qua việc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua việc gặp gỡ, tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử. “Nếu các hình thức trên được tổ chức công khai, dân chủ, bình đẳng, nếu người ứng cử tận dụng tốt các hình thức đó để vận động bầu cử thì tôi tin rằng sẽ có rất nhiều cử tri hiểu và nắm rõ được tiểu sử, chương trình hành động của người ứng cử ở tất cả các cấp”, ông Pha khẳng định.

Cũng theo ông Pha, cho đến thời điểm này, tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XIII của cả nước vẫn là 827 người (gồm 182 người ở T.Ư và 645 người ở địa phương); trong đó có 260 ứng viên là phụ nữ (31,44%), 133 ứng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 16,08%), 118 ứng viên là người ngoài Đảng (14,27%), 183 ứng viên là ĐBQH khóa XII tái ứng cử (22,13%), 183 ứng viên dưới 40 tuổi (13%), 15 ứng viên tự ứng cử (1,81%).

Về danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, tổng số ĐB được bầu theo luật định là 3.832 ĐB. Tổng số ứng viên được Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh là 5.965 người, đạt tỷ lệ 1,56 lần so với tổng số ĐB được bầu, trong đó số ứng viên là người ngoài Đảng có 872 người (14,62%), có 25 người tự ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh trong danh sách chính thức ở 14 tỉnh, thành phố.

Ngày bầu cử ĐBQH khóa XII và ĐB HĐND các cấp trong phạm vi cả nước sẽ diễn ra vào chủ nhật 22.5.2011.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.