Người tiêu dùng cô đơn

14/12/2012 03:00 GMT+7

Có lẽ chưa bao giờ người tiêu dùng lại cô đơn và vất vả trên mặt trận bảo vệ quyền lợi của mình như hiện nay. Họ phải tự phân biệt hàng thật - hàng giả; phải sử dụng quyền lực tẩy chay trong trường hợp có gian lận thương mại; phải tự bảo vệ mình nếu cơ chế - chính sách chưa theo kịp...

Trước việc hàng trăm tỉ đồng của khách hàng tham gia dịch vụ mua theo nhóm của Công ty Nhóm Mua, công ty chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường trong lĩnh vực này, có nguy cơ bị mất trắng, dư luận mới ngã ngửa, các quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng là một khoảng trống. Những cơ quan có liên quan khi được hỏi đều trả lời do dịch vụ này mới có ở thị trường trong nước nên quy định pháp luật còn thiếu. Nói trắng ra là, khách hàng phải trông đợi vào số phận của Công ty Nhóm Mua. Nếu công ty dàn xếp được những lộn xộn nội bộ để tiếp tục hoạt động thì họ không bị mất tiền, còn nếu công ty đóng cửa thì họ phải chấp nhận thiệt hại về tài chính.

Ngẫm cũng lạ, mua theo nhóm đã có mặt ở Việt Nam hơn 2 năm nay và nở rộ với hàng trăm công ty đang hoạt động. Doanh thu từ dịch này năm 2011 lên tới trên 700 tỉ đồng với hàng triệu người tham gia, mà với các cơ quan quản lý… vẫn là mới. Như vậy từ nay, khi sử dụng bất cứ dịch vụ - sản phẩm mới nào, người dân phải chuẩn bị sẵn tinh thần tự bảo vệ bởi rất có thể cơ chế, chính sách để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường dù các sản phẩm - dịch vụ này đã được cấp phép hoạt động công khai.

Khoảng trống trong bảo vệ quyền lợi của người mua tham gia dịch vụ mua theo nhóm một lần nữa cho thấy, người tiêu dùng nội địa đang quá vất vả, quá cô đơn trong việc tự bảo vệ mình. Còn nhớ trước đó, khi hoa quả, thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc hoành hành thị trường nội địa, đơn vị quản lý kêu gọi người dân tự bảo vệ mình bằng cách "hãy là người tiêu dùng thông thái". Khi hàng gian - hàng giả tràn ngập, người tiêu dùng lại được kêu gọi phải thông minh để tự vệ. Đến các nghi án chuyển giá trốn thuế của các "đại gia" Coca, Metro, Adidas... trách nhiệm của đơn vị quản lý như thế nào, chưa thấy ai nhắc đến nhưng ngay lập tức, người tiêu dùng được kêu gọi sử dụng quyền lực của mình để tẩy chay sản phẩm của các thương hiệu này.

Tất nhiên, bảo vệ mình và bảo vệ thị trường nội địa trước những hành vi kinh doanh gian lận cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Nhưng có vẻ như, chúng ta đang đẩy gánh nặng lên người tiêu dùng mà cố tình lờ đi trách nhiệm của các đơn vị quản lý liên quan. Tuy nhiên, đến cả hàng hiệu Milano, Gucci, D&G còn là hàng nhái, hàng giả, hàng trốn thuế... thì có thể khẳng định, trước khi kêu gọi người dân phải thông thái, thông minh để tự bảo vệ mình thì các đơn vị quản lý nên "thông thái" trước. Bởi chỉ có các đơn vị quản lý thông thái và làm hết trách nhiệm mới bảo vệ thương mại trong nước không bị nhấn chìm bởi hàng lậu, hàng giả; để ngân sách không bị thất thu khổng lồ trước các chiêu trò chuyển giá, trốn thuế và sức khỏe - tài chính của người dân được bảo vệ.

Đừng để người tiêu dùng cô đơn.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.