Người trẻ 4.0 trước hết phải hiểu bản thân muốn gì !

28/10/2018 21:29 GMT+7

Khi bản thân không biết được mình muốn gì, cần gì thì sẽ dẫn đến những hệ quả như thế nào? Và tại sao nhiều bạn trẻ bây giờ lại không biết mình muốn gì?

Trong buổi tọa đàm “Nâng cấp phiên bản 4.0 cho sinh viên thời đại số” do Trung tâm Unesco – CEP tổ chức ngày 28.10, nhiều diễn giả đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh vấn đề này.

Hãy cho phép mình là chính mình

Trong giảng đường, sinh viên ngồi chật kín, nhưng khi được hỏi “bạn nào ở đây thật sự biết được mình muốn gì?” thì chỉ có một sinh viên đưa tay lên.

Đó là Võ Trọng Kiên, Khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sài Gòn. Kiên còn mạnh dạn nói lên điều mình muốn: “Có lẽ điều em chia sẻ là hơi quá tầm nhưng em muốn sau này trở thành một thầy giáo và có sự ảnh hưởng nhất vùng Nam Bộ”.

Khi Kiên vừa dứt lời, bà Bùi Trân Phượng (Top 20 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT NES Education, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) dành nhiều lời khen: “Bạn thật sự là người hạnh phúc vì tìm được đam mê của mình sớm và dũng cảm nói lên điều mình thích. Khi mình biết sớm đam mê và định hướng của cuộc đời như vậy thì sẽ giúp được bản thân rất nhiều, vì mình biết rõ được bản thân phù hợp với nghề nào và có sự nỗ lực để theo đuổi nó”.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm HOA NỮ

Bà Phượng còn cho biết khi cần tuyển dụng thì ứng viên người nước ngoài hay người VN có trải nghiệm môi trường quốc tế sẽ có ưu thế hơn để vượt qua kỳ phỏng vấn so với những bạn trẻ VN chưa bao giờ có những kinh nghiệm học tập hay làm việc ở nước ngoài.

Theo bà Phượng, nhược điểm này đến từ môi trường giáo dục và môi trường xã hội của VN. “Môi trường giáo dục gia đình không tạo điều kiện cho đứa trẻ tự phát hiện bản thân. Khi không hiểu mình là ai, mình là người như thế nào, có những ưu nhược điểm gì thì sẽ không thể nào trả lời được cho câu hỏi là tôi muốn gì một cách chính xác và có căn cứ”, bà Phượng nhấn mạnh.

Cũng theo bà, Phượng, đứa trẻ không thể tự tin dám là chính nó khi bị so sánh với con nhà người ta, với chính anh em trong nhà,…Mỗi người là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai.

“Nếu các bạn trẻ bây giờ muốn thu ngắn khoảng cách cạnh tranh của mình với thế giới thì phải tự cho phép mình là chính mình khi mà bản thân không được gia đình và xã hội định hướng”, bà Phượng khuyên.


Học cách tự hỏi bản thân

“Có bao giờ một ngày bạn tự ngồi lại và hỏi bản thân để tìm ra những điểm yếu, điểm mạnh của bản thân và những điều mà mình thật sự muốn. Khi không hiểu được mình muốn cái gì thì sẽ không xác định được con đường đi của mình và luôn luôn bị ảnh hưởng bởi người khác”, chị Angelia Le (Founder & CEO F’enhance, FG Holding Group, nữ giám đốc đầu tiên của CNN Money Châu Á, chủ tịch trẻ tuổi nhất trong Hội đồng mạng lưới nữ lãnh đạo toàn cầu) nhìn nhận.

Chị Angelia Le kể bản thân đã dành suốt thời gian lúc 12, 13 tuổi chỉ để hỏi bản thân một câu: “mình là ai?” và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đấy. Chị sinh ra trong một gia đình mà có quá nhiều áp lực, ba làm nhà nước, mẹ làm bác sĩ, lúc nào cũng muốn con lớn lên thì cuộc đời con sẽ là đời nối dài của ba mẹ. Nhưng đến 15 tuổi chị săn được học bổng, được tuyển thẳng vào đại học, xin được học bổng và từ đó chị đi ra thế giới.

“Chị đã nói với ba mẹ là những gì ba mẹ nói chỉ là ước mơ của ba mẹ chứ không phải ước mơ của con. Và chị vẫn còn nhớ cái ngày trước khi ra sân bay đã xảy ra cuộc tranh cãi rất lớn với ba. Nhưng trước khi đi chị đã nói, khi con trở về VN thì đó là hình ảnh và ước mơ của con, và đó là cuộc sống thật sự của con”, chị Angelia Le nhớ lại.

Chị khuyên: “Chính vì vậy các bạn phải luôn dành thời gian để hỏi bản thân mình trước khi bước ra cuộc đời. Nhưng trong thời buổi hiện nay có quá nhiều luồng thông tin tác động, quá nhiều điều kiện thì lại là một thách thức lớn đối với bản thân mỗi người trẻ, nếu không vững tâm thì rất dễ bị tác động. Chính vì thế, hãy tự hỏi bản thân mình giỏi cái gì rồi làm cái mình giỏi nhất chứ đừng làm theo phong trào, theo đám đông”.

Những lời khuyên tiếp theo mà chị Angelia Le dành cho các bạn trẻ là  hãy kỷ luật với bản thân mình, có như vậy mới dễ dàng đạt được thành công. Một điều mà người trẻ Việt thua kém bạn bè thế giới, theo chị Angelia Le đó chính là tư duy phản biện.

“Các bạn không dám đứng lên nói chính kiến của mình, sai hay đúng không quan trọng nhưng quan trọng là phải dám nói lên những suy nghĩ của mình.Tư duy phản biện sẽ giúp bạn phải đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhiều tranh luận để tìm ra câu trả lời và từ đó cũng giúp bạn khám phá được bản thân, hiểu được bản thân mình nhiều hơn. Không bao giờ là quá muộn khi khám phá bản thân mình, nó chỉ quá muộn khi bản thân không cho mình cơ hội. Bên cạnh đó, các bạn cũng đừng bao giờ đi tìm công thức thành công của người khác mà hãy tự tạo phương thức thành công cho chính mình”, chị Angelia Le chia sẻ.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.