Người trẻ cân bằng cuộc sống bằng câu chuyện xưa cũ

09/05/2019 08:07 GMT+7

Có những bạn trẻ rất lạ, họ trở thành gương mặt quen thuộc ở những buổi nói chuyện về thành phố xưa, về thời của ông bà, cha mẹ, của những phong tục tập quán từ thời xa xưa... Và rồi, chính họ lại cùng lưu giữ ký ức một thời tuổi thơ của mình.

Từ cái ăng ten râu…
Trong buổi nói chuyện cùng diễn giả Trác Thúy Miêu với chủ đề “Có một Sài Gòn…” diễn ra gần đây, trong số những kỷ vật của gia đình mà các bạn trẻ mang đến, cái ăng ten râu đã khiến nhiều bạn vỡ òa cảm xúc.
Nguyễn Thị Hoài, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cười khoái chí: “Ôi, đúng rồi, đúng rồi. Ngày trước mấy cái ăng ten này là hài nhất, chắc ai cũng từng thử vặn vẹo chỉnh hai sợi râu ngắn dài cao thấp đủ kiểu để xem được ti vi. Rồi cái ăng ten trên mái nhà nữa, mỗi lần tín hiệu ti vi không tốt, ba lại trèo lên xoay xoay rồi nói vọng xuống “được chưa, được chưa”, dưới này “được rồi, được rồi” rồi lại “chưa được, chưa được, lại mất rồi…”, cứ thế huyên náo, rần rần hết cả lên”.
Đang háo hức với ký ức tuổi thơ hiện về, mắt Hoài lại chợt rưng rưng: “Nhớ quá. Ngày xưa mỗi lần xem phim là cả gia đình quây quần bên nhau, thậm chí mấy nhà xung quanh cùng dồn lại xem vì cả xóm có được chiếc ti vi. Còn ngày nay, mỗi người đã có cho mình một chiếc điện thoại thông minh rồi, đâu còn thấy được những cảnh đoàn viên đó”.
Cũng giống Hoài, Lê Bá Bát Trân (26 tuổi, giáo viên dạy lịch sử tại TP.HCM) bồi hồi đứng lên kể: “Cái lúc mình còn 7, 8 tuổi thì hay chờ đến buổi chiều để coi phim Bao Công hay Hoàn Châu công chúa. Chờ để chỉnh cái ăng ten râu, mà càng kéo và quay thì nó lại càng “hột mè”, đến lúc xem được thì cũng hết phim luôn…”.
Trân cho biết giống như nhiều bạn trẻ ở đây, Trân thích hoài niệm, thích tìm hiểu và lắng đọng với quá khứ, với những gì xưa cũ. “Khi những ký ức ùa về sẽ giúp chúng ta bình lặng hơn trước những bon chen vội vã bên ngoài. Và trong cái guồng quay của cuộc sống hiện đại, khi tìm về với những giá trị này, mình thấy như được cân bằng hơn trong cuộc sống, và cuộc sống cũng trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều”, Trân bộc bạch.
Đặc biệt hơn là Bùi Thanh Trí (lớp 9 Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM), chỉ mới 14 tuổi nhưng rất thích những chương trình hoài niệm như thế này. Trí nói: “Khi em sinh ra thì cuộc sống đã hiện đại rồi, em ít được tiếp xúc với những nơi như miền quê hay những câu chuyện về thành phố thời xưa cũ. Em muốn hiểu hơn những câu chuyện thời xưa, cuộc sống thời xưa để có cái nhìn và cách sống khác đi. Vì cuộc sống hiện nay quá nhiều những chuyện tiêu cực và con người thì dường như sống quá vội vã, chỉ cắm đầu với công việc nên ít quan tâm nhau”.

… Đến bảo tàng ký ức của người trẻ

Tại buổi nói chuyện, có những dòng chữ được dán rất dễ thương bên những mô hình thu nhỏ về thành phố thời bao cấp, đấy là dòng chữ “gọi ký ức”, đi kèm là số điện thoại của nhóm tác giả làm mô hình.
Gòn Nguyễn (27 tuổi, người sáng lập dự án mô hình Sài Gòn xưa) chia sẻ: “Tụi mình đang lưu giữ và tái dựng những ký ức tuổi thơ của các bạn trẻ đời 8X, 9X. Chỉ cần các bạn gọi đến tụi mình là có thể tìm về ký ức tuổi thơ của chính các bạn, như là bảo tàng ký ức qua những mô hình mà tụi mình đã và đang làm”.
Ở những mô hình mà các bạn mang đến buổi nói chuyện, người trẻ thấy được tiệm sách cũ một thời chen nhau để thuê những cuốn sách đã sờn tróc và ố vàng, rồi tiệm hớt tóc vỉa hè bên gốc cây, bờ tường mà những trưa hè í ới nhau ra đầu ngõ để “gọt tỉa” cái đầu cho mát mẻ. Hay căn bếp xưa với chiếc bàn gỗ xếp, cái chạn (gạc măng giê) đựng thức ăn, mà 4 chân tủ đặt trong 4 cái bát sành đổ đầy nước để chống kiến…
Mô hình về bà và những gói bánh ngày tết Nữ Vương
Gòn Nguyễn, cô gái từ bỏ nhiều cơ hội ổn định ở phía trước, khi là du học sinh 10 năm tại Mỹ và Canada, để về VN cặm cụi nghiên cứu làm các mô hình, chỉ vì lý do rất ngắn gọn: “Vì mình yêu và nhớ thành phố này vô cùng”.
Sau khi về nước, Gòn Nguyễn đã tìm được nhóm sinh viên học các chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật và cùng đam mê hoài niệm, gìn giữ ký ức để làm nên những mô hình thu nhỏ về thành phố thời niên thiếu của các bạn, của những anh chị và cô chú đi trước.
“Điều khó khăn với tụi mình không chỉ ở việc lên ý tưởng, thiết kế những mẫu vật nhỏ li ti để tạo nên những mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh như thế này, mà để những gì tụi mình làm ra không chỉ là ký ức của riêng ai, mà phải là ký ức chung của tất cả mọi người. Để rồi nhiều bạn trẻ khi xem lại ồ lên phấn khích “ôi, giống nhà ngoại ta ngày trước quá”...”, Gòn Nguyễn chia sẻ.
Vì thế, nhóm góp nhặt hết những góc ký ức của từng thành viên và lân la nghe kể câu chuyện ký ức từ nhiều người để dần dần hoàn chỉnh từng mảng ký ức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.