Người trẻ chống buôn bán động vật hoang dã

23/11/2015 07:11 GMT+7

“Trên internet xuất hiện nhiều thông tin mua bán động vật hoang dã, người trẻ cần làm gì?”, “Khi phát hiện người thân sử dụng sản phẩm động vật hoang dã thì phải xử lý thế nào?”...

“Trên internet xuất hiện nhiều thông tin mua bán động vật hoang dã, người trẻ cần làm gì?”, “Khi phát hiện người thân sử dụng sản phẩm động vật hoang dã thì phải xử lý thế nào?”...

Các bạn trẻ tham gia hội thảo - Ảnh: Như LịchCác bạn trẻ tham gia hội thảo - Ảnh: Như Lịch
Đó là những câu hỏi đặt ra tại một hội thảo diễn ra sáng nay tại TP.HCM.
50 thanh niên đại diện những người trẻ hoạt động môi trường trên cả nước tham gia hội thảo có tên “Xây dựng mạng lưới thanh niên giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã trên internet”, do Tổ chức Hành động vì động vật hoang dã phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã và Khoa Sinh học - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức.
108 loài động vật hoang dã bị buôn bán trực tuyến
Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2013 của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, trong số 108 loài động vật hoang dã bị buôn bán trực tuyến tại 33 trang mạng, có 24% số loài được pháp luật VN bảo vệ, 24% được Công ước quốc tế CITES bảo vệ, 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to...
Đối thoại cơ quan chức năng
Tham gia đối thoại với các bạn trẻ tại hội thảo là đại diện một số cơ quan chức năng. Trước câu hỏi: “Khi điều tra và phát hiện tội phạm buôn bán động vật hoang dã trên internet, các cơ quan nhà nước thường gặp những khó khăn gì?”, ông Hồ Hà Quốc Huy, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) khu vực phía nam, nhìn nhận: “Từ khi thành lập C50 (năm 2010) đến nay, chúng tôi chưa xử lý một vụ việc hoặc chuyên án nào liên quan đến mua bán động vật hoang dã. Bởi lẽ, khó khăn lớn nhất là tính ẩn danh trên internet rất phổ biến”.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, nhìn bề ngoài một số trang web có rao bán ngà voi, sừng tê giác nhưng chưa chắc người đó bán sản phẩm động vật hoang dã mà có thể họ đang thực hiện hành vi lừa đảo. Tức là sau khi nhận tiền xong họ không giao các sản phẩm trên. Mặt khác, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định cụ thể về những hành vi mua bán động vật hoang dã.
Còn ông Đào Văn Đang, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết: “Tình hình rao bán - mua động vật hoang dã tràn lan trên mạng internet. Tuy nhiên, việc xử lý truy tố hành vi này rất khó vì quá trình xác minh, kiểm tra xử lý những thông tin này không hề đơn giản do mạng có tính ảo rất lớn”.
Ông Đang nói thêm: “Chúng tôi cảm ơn sự nhiệt tình của các bạn trẻ trong việc cung cấp rất nhiều thông tin. Nhưng cũng có những bạn nôn nóng thái quá, gây áp lực cho cơ quan chức năng”. Ông Đang lưu ý: “Trước khi trình báo, các bạn cần xem danh mục động vật hoang dã trong Nghị định 32, Nghị định 160 chứ không thể báo chung chung, gặp con rắn bình thường cũng báo cáo thì xử lý không nổi”.
Về thắc mắc: “Trên mạng xuất hiện nhiều thông tin mua bán động vật hoang dã, các bạn trẻ cần làm gì?”, ông Đào Văn Đang tư vấn: “Chỉ cần ghi lại địa chỉ những trang web có rao bán động vật hoang dã và báo qua đường dây nóng của chi cục: 08.38552501, hoặc website: kiemlamtphcm.org.vn”.
Nhiều cách ngăn chặn!
Đến từ Đà Nẵng, chị Lê Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, cho biết: “Chúng tôi tạo điều kiện cho học sinh chủ động tìm hiểu về các loài động vật hoang dã trong thực tế, chứ không lý thuyết suông. Các em có sự kết nối với thiên nhiên, mắt thấy tay sờ, ắt sẽ thay đổi nhận thức và tác động trở lại cha mẹ mình cùng những người xung quanh. Đã có học sinh sau những chuyến đi đã về nhà thả chim nuôi của gia đình”.
Kỹ sư trẻ Lê Hữu Nguyên (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng: “Các bạn trẻ phải nhận thức vấn đề và nói lên suy nghĩ của mình. Chúng ta không nên im lặng vì im lặng là một cách tiếp tay cho những suy nghĩ và hành vi ấu trĩ, sai trái”. Anh Nguyên nêu ví dụ: Khi thấy ba mẹ mình sử dụng động vật hoang dã thì phải lên tiếng ngăn cản.
Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Thị Thu Thủy (quê ở Đắk Nông) chia sẻ: “Nếu mỗi sinh viên, thanh niên mạnh dạn nói chuyện với người thân, gia đình của mình về việc buôn bán động vật hoang dã thì sẽ có sự tác động lớn hơn nhiều so với việc tuyên truyền, hô khẩu hiệu chung chung”. Thu Thủy cho hay bản thân đã lưu lại các số điện thoại của cơ quan chức năng để sau này trình báo nếu phát hiện những vụ việc mua bán động vật hoang dã trên internet.
Như nhiều bạn trẻ khác, Thu Thủy cam kết: “Em cũng sẽ vận động những người xung quanh làm như vậy để ngăn chặn các vụ mua bán trái phép”...
Từ hội thảo này, các đại biểu đã thành lập mạng lưới kết nối thanh niên cả ba miền đất nước để cùng nhau giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã trên internet.
Phát biểu gây tranh cãi
Trong phát biểu của mình, ông Đào Văn Đang cho rằng nên gây nuôi, thuần hóa một số loài động vật hoang dã ở một số địa phương để người dân nghèo ở đó có kế sinh nhai. Ông Đang dẫn chứng: “Trâu bò ngày xưa cũng là động vật hoang dã nhưng bây giờ đã là vật nuôi”. Nhiều bạn trẻ không đồng tình với ý kiến này và muốn phản biện lại. Đáng tiếc là ông Đang rời hội thảo sớm với lý do bận họp.
Chị Lê Thị Trang (Đà Nẵng) phản ứng: “Tôi không đồng ý với ý kiến ông Đang vì nếu làm như vậy thì người dân sẽ tưởng rằng việc mua bán động vật hoang dã là được cho phép và vô tình kích cầu đối với các sản phẩm này”. Chị Trang nói thêm: “Có những cách để phát triển kinh tế và phát triển bền vững cho người dân địa phương, chẳng hạn phát triển du lịch sinh thái”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.