Người trẻ làm nghệ thuật tiên phong

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/05/2021 06:48 GMT+7

Nhiều người trẻ đang làm nghệ thuật tiên phong với những tác phẩm lấy cộng đồng làm trung tâm, chuyển những thông điệp hiện đại về môi trường, di sản, văn hóa...

Nghệ thuật hay, cộng đồng mến

Không có gì ngạc nhiên khi dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (Hà Nội) của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận được giải thưởng Dự án nghệ thuật ý nghĩa của năm do Hanoi Grapevine trao tặng. Một khu công cộng vốn dĩ như một khu tập kết rác thải bỗng sạch sẽ. Hơn thế, các tác phẩm nghệ thuật thị giác khiến không gian trở nên gần gũi hơn với người dân, là địa điểm cho nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có cả biểu diễn thời trang quốc tế. Ông Sơn còn cho rằng điểm nghệ thuật này nếu được đầu tư kết nối với cầu Long Biên, chợ đêm Long Biên, bãi Phúc Xá và sông Hồng, có thể trở thành tour tìm hiểu văn hóa, lịch sử về Hà Nội.
Nếu dự án Phúc Tân thu hút công chúng Hà Nội thì dự án Nổ cái bùm lại thu hút ở TP.Huế. Tại TP.Huế, dự án Nổ cái bùm kéo dài 1 tuần trưng bày tác phẩm của 54 nghệ sĩ ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, kèm theo đó là trình diễn, chiếu phim, múa đương đại và các buổi trò chuyện nghệ thuật thú vị. Nổ cái bùm được Hanoi Grapevine xướng danh ở giải thưởng dành cho Dự án nghệ thuật ý nghĩa của năm.
Điều thú vị là các nghệ sĩ trẻ cũng có các không gian để đón họ. Chẳng hạn, không gian Manzi (Phan Huy Ích, Hà Nội) của bà Vũ Ngọc Trâm luôn mở cửa cho các hoạt động tiếp cận công chúng mỹ thuật từ triển lãm tới “chợ tranh giá rẻ”. Bà Trâm cũng có không gian dành cho nghệ sĩ lưu trú để nuôi dưỡng dự án trung hạn, dài hạn. Trong khi đó, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo lại sẵn sàng thiết lập các quy tắc kỹ thuật về trưng bày để tác phẩm đương đại được tôn vinh. Bảo tàng cũng liên tục có các trại sáng tác điêu khắc và dành không gian cho các tác phẩm này một cách có quy hoạch. “Thiết lập mạng lưới hỗ trợ nghệ sĩ trẻ là việc giúp nghệ thuật đương đại phát triển”, bà Trâm nói.
Người trẻ làm nghệ thuật tiên phong1

Đoạn trường vinh hoa kể câu chuyện di sản theo cách nhìn hiện đại và ngôn ngữ điện ảnh

ẢNH: NVCC

Một điểm đáng chú ý, các dự án văn hóa, nghệ thuật ý nghĩa của năm 2020 cho thấy dấu ấn của sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Chẳng hạn, dự án Công dân trái đất của Lê Giang có tour khám phá nghệ thuật sắp đặt xen lẫn trong không gian di sản kiến trúc của Trường đại học Khoa học tự nhiên và Trường đại học Dược Hà Nội. Đây cũng chính là một trong những kiến trúc Đông Dương tiêu biểu tại Hà Nội. Phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa của đạo diễn Lê Mỹ Cường kể câu chuyện di sản âm nhạc bằng ngôn ngữ điện ảnh với những gợi mở suy tư về chính sách cho nghệ nhân...

Mở rộng mạng lưới kết nối

Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại của VICAS (VICAS Art Studio) là không gian nghệ thuật đương đại duy nhất do một đơn vị nhà nước quản lý và vận hành (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia - VICAS) lọt vào đề cử của Hanoi Grapevine và được giải Nhà khởi xướng nghệ thuật tiên phong. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc VICAS Art Studio, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các nghệ sĩ đương đại từ rất lâu và có kết nối với các nghệ sĩ ở nhiều mảng nghệ thuật”. Đơn vị này cũng tham gia xây dựng các chương trình học trực tuyến về văn hóa, sáng tạo cho các không gian văn hóa sáng tạo khu vực toàn châu Á trong chương trình do Hội đồng Anh tại Philippines chủ trì.
Người trẻ làm nghệ thuật tiên phong2

Dự án Nổ cái bùm thu hút tác phẩm của nhiều nghệ sĩ

ẢNH: THẾ SƠN

Có rất nhiều người trẻ làm nghệ thuật đương đại được đề cử, ghi danh tại giải thưởng Nghệ sĩ nổi bật của Hanoi Grapevine. Chẳng hạn, Lê Giang với dự án nghệ thuật cộng đồng Công dân trái đất. Trước đó, cô cũng lưu trú sáng tác tại Paris (Pháp) trong năm 2019. Nguyễn Duy Thành kết hợp đam mê hip hop với nghệ thuật Á Đông để có những tác phẩm múa đương đại hấp dẫn. Trần Thảo Miên với nhóm Phường Son đã nhận giải nhất cuộc thi Tuần lễ thiết kế Việt Nam cho bộ sản phẩm Góc tĩnh tại…
Đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết nhiều người trẻ làm nghệ thuật đương đại dường như thuộc nhóm underground (không chính thống). Chính vì thế, khi Hanoi Grapevine có giải thưởng cho họ thì đây là một sự thừa nhận chất lượng. “Nó như một bệ đỡ. Cá nhân tôi nhìn nhận nó như một sự kết nối mạng lưới người làm sáng tạo, nghệ thuật nhiều hơn là một giải thưởng”, ông Cường cho biết.
Đạo diễn Lê Mỹ Cường cũng nhắc tới ca sĩ - nhạc sĩ nổi tiếng Thanh Bùi, nay là người sáng lập Tổ chức Sáng tạo bền vững Colab Việt Nam, đơn vị tổ chức Liên hoan sáng tạo & thiết kế Việt Nam 2020. Theo đó, ông Cường nhìn Colab Việt Nam như một tín hiệu tích cực: “Tích cực theo nghĩa thay vì chỉ là một cộng đồng nhỏ vui chơi với nhau, tự tôn vinh tự biết đến nhau, thì đó là cơ hội để mạng lưới rộng ra. Tôi nghĩ tương lai của sáng tạo, nghệ thuật theo hướng như vậy. Nếu nhóm sáng tạo, nghệ thuật có thể duy trì đời sống lâu hơn thì chính là nhờ khán giả khi mở rộng được độ thụ hưởng của đối tượng khán giả”.
Giải thưởng Hanoi Grapevine Finest 2020 là dự án của trang web Hanoi Grapevine nhằm tôn vinh, trao giải các sự kiện văn hóa, nghệ thuật 2019 - 2020. Giải thưởng có 3 hạng mục: Nhà khởi xướng nghệ thuật tiên phong, Dự án nghệ thuật ý nghĩa và Nghệ sĩ nổi bật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.