Người trẻ than trước nguy cơ 'nhịn' làm đẹp

Nguyên Trang
Nguyên Trang
08/05/2019 19:24 GMT+7

Rất nhiều lời than của các bạn trẻ khi biết có đề án áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên dịch vụ thẩm mỹ và mỹ phẩm cũng như điện thoại di động.

 

Làm đẹp là quyền của mọi bạn gái

Lê Nguyễn Bình Minh, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, tâm sự: “Em thấy nhu cầu trở nên đẹp để tự tin hơn  là quyền của mọi bạn gái. Em sử dụng mỹ phẩm thường xuyên và cũng ủng hộ các bạn đi làm thẩm mỹ nếu có khiếm khuyết gì đó ở trên cơ thể. Mà hiện nay ngành thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ cơ bản đã rất tốn tiền rồi, giờ tăng thuế nữa thì sao?”.
Còn chị Trần Ngọc Phượng, 33 tuổi ngụ tại Q.3, TP.HCM, cho biết: “Giờ phải làm đẹp tiết kiệm. Bình thường mình thấy các loại mỹ phẩm cũng đã đắt hơn nước ngoài rồi. Như cây son của mình mua ở Malaysia chỉ 600.000 đồng, lúc khuyến mãi thì giảm còn 450.000 đồng nhưng đi mua ở cửa hàng tại Việt Nam là 800.000 đồng/cây. Giờ nếu áp thêm mức thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá sẽ tăng bao nhiêu? Giờ phải trang điểm nhạt hơn để tiết kiệm ”.
Tăng Khánh Vy, 28 tuổi, nhân viên marketing (Q.11, TP.HCM), chia sẻ: “Gần đây mình thấy nhiều nhãn hàng mỹ phẩm Hàn Quốc về Việt Nam. Khi qua  Hàn mình thấy giá cũng tương tự nên  nghĩ để về Việt Nam mua. Nhưng khi thuế cao, giá đắt người ta lại đi du lịch và mua nhiều đồ ở nước ngoài, dẫn đến các công ty trong nước sẽ thất thu. Đã thế mỹ phẩm vốn không phải sản phẩm xa xỉ, đặc biệt là sử dụng hàng ngày nên sẽ không hợp lý nếu áp khung thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Tại một trung tâm thương mại ở Dubai, nơi du khách khắp nơi đổ về mua sắm Nguyễn Chí Linh

Sao không áp thuế đặc biệt đối với game?

Các bạn trẻ đều dựa vào căn cứ về mức độ thiết yếu để nói về đề án áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho một số ngành hàng mới ban hành của UBND thành phố vừa đưa ra.
Phạm Lan Phương, làm việc tự do (Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: " Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ không thật sự cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của con người và có những tác hại nhất định đến người sử dụng, môi trường, xã hội. Căn cứ vào định nghĩa trên, thì theo đề án, dịch vụ kinh doanh game là không thiết yếu. Không phải “nhu cầu hàng ngày”. Ta có thể thấy rõ điều này với cư dân ở nơi không có dịch vụ game, họ chẳng bị ảnh hưởng gì về đời sống cả”.
Chị Phương chia sẻ thêm: “Dịch vụ thẩm mỹ  rất mới với người dân và không  cần thiết với cái gọi là "nhu cầu hàng ngày" nên đánh thuế không gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của phần đông dân cư. Nhưng riêng đối với điện thoại di động thì hơn 90% dân số Việt Nam có sở hữu điện thoại và sử dụng dịch vụ qua điện thoại gần như mỗi giờ, nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho nó là vô lý. UBND thành phố nên xem xét lại đề án này”.
Nhiều bạn trẻ sẽ nhờ đến dịch vụ mua hộ sản mỹ phẩm, điện thoại từ nước ngoài nếu sản phẩm trong nước giá cao Nguyễn Chí Linh
Cũng đồng tình phương án áp khung thuế mới với dịch vụ kinh doanh game anh Châu Thành Toàn, nhân viên y tế dự phòng tại Đa Kao, Q.1, TP.HCM, chia sẻ: “Trong đề án cần quy định rõ các mức độ hay mặt hàng chịu áp mức mức thuế tiêu thụ đặt biệt. Xưa giờ mình có các sản phẩm như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm đã bị áp mức thuế này. Giờ mở rộng thêm danh sách thì cũng nên nghiên cứu rõ ràng lại xem những nhóm sản phẩm nào là dòng xa xỉ, hoặc độc hại để tăng thuế. Đối với dịch vụ kinh doanh game tôi đồng ý với phương án áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Liệu với mức giá 10.000 đồng/mỗi giờ chơi game trực tuyến như hiện nay tại các quán net thì liệu có tác dụng ngăn cản tác hại của hành vi mê game, hay nghiện game”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.