Người Việt đào hầm

30/05/2015 10:29 GMT+7

Hơn 10 năm sau ngày hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành, một hầm đường bộ quy mô lớn được những công nhân, kỹ sư, chuyên gia người Việt đứng ra tự đào...

Hơn 10 năm sau ngày hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành, một hầm đường bộ quy mô lớn được những công nhân, kỹ sư, chuyên gia người Việt đứng ra tự đào...

Hầm đường bộ Đèo Cả đang được kỹ sư, công nhân VN thi công
Hầm đường bộ Đèo Cả đang được kỹ sư, công nhân VN thi công - Ảnh: H.T
Công trình này thực sự khẳng định những tiến bộ vượt bậc trong việc tiếp cận công nghệ khoan hầm của VN - đó là hầm đường bộ Đèo Cả dài gần 4,2km nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Hầm được thiết kế gồm 2 ống song song cách nhau 30m, mỗi ống 2 làn xe một chiều rộng 7m với dải an toàn cùng hành lang bảo dưỡng rộng 2m... Hầm đường bộ Đèo Cả cũng là công trình đầu tiên về hạ tầng được đầu tư theo mô hình PPP (hợp tác công - tư).
Chỉ huy trưởng tuổi... 30
Dù đã được lãnh đạo Công ty CP đầu tư Đèo Cả giới thiệu rằng trên công trình thi công hầm Đèo Cả có rất nhiều công nhân, kỹ sư người Việt phụ trách những công việc quan trọng nhất, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng và ấn tượng với những kỹ sư tuổi đời còn rất trẻ đang làm việc tại đây.
Ở phía bắc (thuộc địa phận tỉnh Phú Yên) chúng tôi gặp Vũ Tiến Trung, Chỉ huy trưởng ống hầm phía đông (thuộc Tổng công ty xây dựng Lũng Lô). Trung kể rằng mình đã từng thi công 3 hầm, trong đó có 2 hầm đường bộ nhưng quy mô nhỏ và 1 hầm thủy điện.
“Đây là công trình thứ 4 và cũng là công trình đầu tay em làm chỉ huy trưởng. Dù địa chất không phức tạp, nhưng thời gian mở cửa hầm cũng lấy đi một khoảng thời gian khá dài. Bây giờ đơn vị của em phải tập trung làm suốt ngày đêm để cho kịp tiến độ đề ra”, Vũ Tiến Trung tâm sự.
Nghe Trung nói về công nghệ khoan hầm, về cách tổ chức, điều hành ca kíp, rồi nổ mìn, chuyên chở đá ra ngoài... ít ai biết rằng kỹ sư Vũ Tiến Trung, quê Thái Bình này tuổi mới qua 30 vài tháng!
       
Ông Hidefumi Ezawa (ảnh), Giám đốc tư vấn giám sát công trình hầm đường bộ Đèo Cả là người từng tham gia giám sát ở hầm Hải Vân nói: “Tôi thực sự ấn tượng và khâm phục trình độ tay nghề của đội ngũ kỹ sư, công nhân VN. Từ thi công hầm Hải Vân đến hầm Đèo Cả là khoảng thời gian không dài nhưng tôi nhận ra một điều rằng họ rất sáng tạo, nắm bắt nhanh công nghệ, sử dụng thành thạo thiết bị hiện đại. Đây là chìa khóa để công trình đảm bảo chất lượng đặt ra”
Khi đến ống hầm phía tây, chúng tôi gặp ngay Trần Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Tổng công ty CP Vinavico đang chỉ đạo công nhân đặt mìn phá đá. Vài phút sau, từ trong lòng núi dội ra những âm thanh ì oàng, rồi những chiếc xe đào, xe tải lần lượt vào hầm múc và chở đá ra khỏi hầm.
Trần Mạnh Hải tươi cười: “Giai đoạn khó khăn nhất là lúc mở cửa hầm. Còn bây giờ anh em cứ đều đều mỗi ngày khoét sâu vào lòng núi từ 5 - 6m. Nền địa chất ổn định trong khi trình độ tiếp cận công nghệ đào hầm tiên tiến của anh em mình đã nâng cao nên khả năng mỗi tháng đào từ 150 - 160m nằm trong tầm tay”.
31 tuổi, kỹ sư Trần Mạnh Hải càng thêm khỏe khoắn, rắn chắc giữa cái nắng oai bức miền Trung. Trung, Hải - những kỹ sư chuyên về hầm này được xem là thế hệ trẻ trong lĩnh vực khoan hầm của VN, được đào tạo bài bản và có nhiều thời gian học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn trên các công trình hầm đường bộ, hầm thủy điện khắp cả nước.
“Anh em mình làm rất yên tâm”
Tại 2 ống hầm phía nam Đèo Cả (thuộc H.Vạn Ninh, Khánh Hòa), 2 mũi thi công thuộc Công ty CP Sông Đà 10 cũng bắt đầu xuyên sâu vào lòng núi. Mìn nổ đến đâu, các đội đào, xúc khẩn trương làm việc vận chuyển đá ra bên ngoài; trong khi đó đội bê tông cũng nhanh chóng phun để giữ vững kết cấu vỏ hầm...
Từng được tham gia nhiều sự kiện lớn nhỏ ở hầm Hải Vân và từng tận mắt chứng kiến quá trình thi công ở hầm này, tôi có cảm nhận rằng trình độ tay nghề của kỹ sư, công nhân VN thực sự... đạt đỉnh. Bởi chúng ta đã làm chủ công nghệ khoan hầm tiên tiến với những mũ khoan sắc lẹm và kỹ thuật nổ mìn cũng hoàn hảo nên tiết giảm rất nhiều chi phí phun bê tông.
“Nếu như ở hầm Hải Vân, dù có bàn tay của các công ty nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản (do công ty trong nước liên danh với nước ngoài) nhưng cố lắm cũng chỉ đào được mỗi ngày 3m hầm là cùng. Còn bây giờ, ở hầm Đèo Cả này, anh em mình làm mỗi ngày 5 - 6m, làm rất yên tâm về thẩm mỹ lẫn chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), người từng điều hành dự án hầm Hải Vân, nói.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, trên cơ sở thực tế công trình, Bộ GTVT đã thống nhất điều chỉnh thiết kế trên nguyên tắc đảm bảo quy mô kỹ thuật, chất lượng công trình. Thêm vào đó, nhiều giải pháp thi công, quản lý lẫn điều hành khoa học như thay cầu thép bằng cầu bê tông cốt thép, áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc mới, điều chỉnh tận dụng sử dụng tuyến đường lâm sinh làm đường công vụ, áp dụng công nghệ thi công mới của Áo dựa trên độ cứng địa chất để điều chỉnh bề dày bê tông vỏ hầm còn 30cm thay cho bê tông cốt thép dày 50cm... đã giúp giảm suất đầu tư của hầm Đèo Cả 15.603 tỉ đồng xuống còn 11.378 tỉ đồng.
“Từ nguồn vốn dư này, Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã chủ động nghiên cứu và đề xuất với Bộ GTVT sử dụng nguồn vốn này để xây dựng hầm Cù Mông và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho phép bổ sung hầm Cù Mông vào dự án hầm Đèo Cả. Đến nay, nhà đầu tư đang hoàn chỉnh thiết kế hầm Cù Mông, bắt đầu thực hiện việc giải phóng mặt bằng, dự kiến đến tháng 9.2015 sẽ khởi công hầm Cù Mông dài 2,5km, đường dẫn 2 bên dài khoảng 4km, thi công trong vòng 30 tháng, sẽ hoàn thành vào tháng 3.2018, với tổng mức đầu tư 4.000 tỉ đồng”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh nói thêm.
Còn ông Lưu Xuân Thủy, Thư ký HĐQT Công ty CP đầu tư Đèo Cả khẳng định toàn bộ các gói thầu của dự án đều được triển khai đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tiến độ khắt khe của Bộ GTVT.
Thông suốt QL1 qua miền Trung
Theo kế hoạch, hầm đường bộ qua đèo Cổ Mã dài 500m, gồm 2 ống hầm sẽ chính thức thông xe kỹ thuật vào tháng 9.2015. Còn hầm Cù Mông cũng dự kiến khởi công vào tháng 9.2015 này. Trong khi đó, hai hầm Phước Tượng, Phú Gia (qua địa phận Thừa Thiên-Huế) cũng đang hoàn tất thi công.
Trở lại với hầm Đèo Cả, nếu không có gì trở ngại thì đến tháng 7.2017 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hơn 20.000 lượt xe qua đèo mỗi ngày sẽ rút ngắn quãng đường đèo dốc nguy hiểm từ 21,4km xuống còn 13,19km (hầm Đèo Cả dài 4,12km, hầm Cổ Mã dài 500m, tổng chiều dài đường dẫn và các cầu trên tuyến chính là 8,56km) và rút ngắn thời gian từ 45 phút qua hai đèo xuống còn 10 phút qua hầm, tiết kiệm được 78% thời gian, chưa kể chi phí xăng dầu, hao mòn và tai nạn luôn rình rập.
Sau hầm đường bộ Đèo Cả rồi hầm đèo Cù Mông, rồi mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân lên thành hầm chính với 4 làn xe cùng với việc hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1, ngành GTVT hy vọng đường qua miền Trung sẽ hết gập ghềnh, thông suốt, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội tại các tỉnh miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.