Người Việt đi shopping... mua súng ở Mỹ

10/03/2019 09:32 GMT+7

Khi đọc qua bài viết “ Thảm án trong gia đình gốc Việt ” kể vụ án thảm sát gia đình bằng súng trong một gia đình Việt Kiều ở Mississippi, tôi tò mò với câu hỏi: Mua súng ở Mỹ có dễ như mua rau như nhiều người tưởng?.

Mang tò mò ấy đến đồn cảnh sát trong trường đại học, sau khi mới hỏi được câu “Tôi muốn hỏi về cách thức sử dụng súng ở Mỹ”, viên cảnh sát nhướn lông mày hỏi lại “Chú định tậu súng à?”. Tôi bắt đầu vã mồ hôi, mặt xanh nanh vàng phân bua rằng hỏi để... làm bài nghiên cứu thì ông mới giãn cơ mặt hướng dẫn từng chi tiết.

Chuyện tưởng dễ hóa khó nhằn

Ông hỏi tôi có biết Guns N Roses (tạm dịch: Súng và hoa hồng) không. Khi nghe tôi nói rằng mình là fan cuồng của ban nhạc này, ông cười đắc chí vì cùng hội cùng thuyền: “Chú thích súng hay thích hoa hồng?”. “Cả hai”, tôi dè dặt.
Súng và đạn được bán thành mớ tại hội chợ giao thương súng đạn thành phố Lubbock NVCC
Ông tận tình giải thích muốn sở hữu súng thì phải tìm hiểu kỹ luật lệ bởi mỗi bang ở Mỹ quy định khác nhau. Thông thường phải tham dự một lớp kiến thức cơ bản về sử dụng vũ khí (firearms safety) hoặc “youth handgun safety” dành cho thiếu niên và khi đạt thì sẽ tiến hành điền thông tin cá nhân gửi qua mạng đến Bộ Tư pháp Mỹ - nơi có văn phòng quản lý các vấn đề liên quan đến chất cồn, thuốc lá, súng đạn và chất nổ.
Sau ít nhất ba ngày nếu hồ sơ “clear” (đạt) thì sẽ được phép đi mua súng tùy thích (nếu luật pháp Hoa Kỳ không cấm chủng loại đấy) và tuỳ... ví tiền. Dĩ nhiên là phải đến mua tại các cửa hàng do cơ quan của chính phủ quản lý bằng “Giấy phép vũ khí liên bang” (FFL - Federal Firearms License) cho phép các cá nhân tại một cơ sở tham gia vào việc kinh doanh liên quan đến sản xuất, nhập khẩu và liên doanh mua bán vũ khí đạn dược.
Tôi thắc mắc “Thế người nước ngoài không có quốc tịch Mỹ thì sao?”
Phía dưới bảo tàng triển lãm các loại súng ở Springfield là một siêu thị bày bán đủ loại súng đạn NVCC
Ông chỉ vào mục khai thêm trả lời câu hỏi “Bạn đã từng từ bỏ quốc tịch Mỹ chưa?”, “Bạn cư trú ở Mỹ hợp pháp hay bất hợp pháp?”, “Bạn vào nước Mỹ không phải là để định cư không?”, “Nếu đúng thì bạn thuộc trường hợp nào?” và yêu cầu khai thêm mã số an sinh xã hội, số I94 khi nhập cảnh...
Thấy tôi bắt đầu... hoa mắt chóng mặt vì nhiều giấy tờ thủ tục như không muốn hỏi gì thêm thì ông hỏi nhấn câu cuối “Có biết câu bài hát I shot the sheriff (Tôi bắn ông cảnh sát) của Eric Clapton không?”.
Tôi ậm ừ bảo không cho dù thuộc nằm lòng bởi lỡ ông vui tính bảo có muốn làm thử thì... khổ!

Theo chân đi shopping hàng "nóng"

Các ông đồng nghiệp của tôi luôn có đề tài “tốn mồi” nhất là bóng bầu dục Mỹ (American football) và tiếp theo là súng ống đạn dược. Có ông tự hào sắm được bộ sưu tập súng trường (rifle, loại súng trường dân sự), súng ngắn (handgun), súng săn (hunting gun) và các loại đạn (ammo) chất gần 10 cây trong phòng, chú thì hãnh diện khoe đã dạy cho mấy đứa con gái cầm súng từ năm 13, 14 tuổi.
(1) Khẩu súng trong bộ phim nổi tiếng năm 2014 Lính bắn tỉa Mỹ (American Sniper); (2) Dù đã giảm 10 ngàn USD nhưng khẩu súng này vẫn có giá khá... chát; (3) Khẩu súng của tổng thống Theodore Roosevelt được lưu giữ trong bảo tàng súng ở Springfield NVCC
Hôm nọ, khi tụ tập, tôi đang mắt tròn mắt dẹt thì bà Andi năm nay cũng U60 khoe rằng chồng mình có cây súng săn đầu tiên từ năm... 7 tuổi, là quà sinh nhật do cha tặng. Riêng bà thì được chồng tặng một cây súng làm quà “hứa hôn” vào năm 21 tuổi (tôi nghĩ thầm trong bụng hồi đó mà bà “trả... hôn sau khi hứa” thì không biết vụ đòi quà sẽ ra sao đây?). Thỉnh thoảng hai vợ chồng lại dắt nhau đi săn bắn trong rừng hoặc vào khu bắn dĩa bay (shooting range) vào cuối tuần để ôn lại... kỷ niệm xưa.
Ở thành phố Springfield (tiểu bang Missouri) mà tôi đã từng có dịp ghé thăm có một bảo tàng triển lãm các loại súng từ cổ chí kim theo từng chủ đề và theo các nhân vật nổi tiếng của đất nước này như: tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt, nam diễn viên Kim Darby trong bộ phim Báo thù (True Grit) năm 1969 hay diễn viên Bradley Cooper trong bộ phim Lính bắn tỉa Mỹ (American Sniper) năm 2014...
Sau khi xem triển lãm phía trên, ai cũng sẽ bị “dụ” xuống tham quan khu... siêu thị súng đạn và trang thiết bị “đồ chơi” kèm theo để mua sắm. Từng thể loại đạn được khác nhau được xếp theo tầng hay súng được trưng bày theo khu vực riêng tùy vào nhu cầu của khách thích đi săn, chơi súng thể thao, bắn dĩa bay hay bắn vào mục tiêu di động thật để xả xì chét!
Cửa hàng trưng bày giấy chứng nhận được phép bán súng cho khách biết NVCC
“Tiền ít mua ít, tiền nhiều mua nhiều, không mua thì... áy náy” vì người ta đã mở cửa bảo tàng miễn phí cho mình xem rồi! Nên tôi đành bấm bụng bỏ 20 USD để mua một cái “đèn pin bắn tia lửa điện” (stun gun flashlight) để gọi là có cái phòng thân vì ở Mỹ một số vũ khí tự vệ khác như bình xịt hơi cay, dao các loại, roi điện... thì cứ mua thoải mái không cần phải đăng ký.
Vui nhất là cứ quen nơi nào đại hạ giá thì nhào vào như những lần đi chợ khác nên lần này tôi cũng mon men đến xem thử. Nhìn chăm chú vào khẩu súng săn có giá “chỉ” 35 ngàn USD, được bán giảm giá còn lại 25 ngàn USD, tôi tiếc rẻ và định chờ cho chủ nhân “down” (hạ) giá xuống còn tầm khoảng... 25 USD thì sẽ hỏi ướm xem sao?
Tôi ghé vào trang mua bán trực tuyến Amazon, điền vào tìm kiếm trang thiết bị cho súng thì xuất hiện ngay hằng hà sa số đủ bộ phận từ bán sỉ đến bán lẻ để khách hàng có thể mua về “độ” thêm hay chỉ để thay thế hỏng hóc.
Súng và đạn được bày bán ở thành phố Lubbock NVCC
Trên này còn bày bán sách về định giá các loại súng cổ kim, catalog các mẫu súng của năm 2019 hay hàng ngàn các thiết bị phụ tùng thay thế cho “súng cưng” của mình. Áo quần, mũ mão hay ống nhòm... cũng được nhiều người ghé vào lựa chọn.
Nhớ lần tôi trả 10 USD để mua vé vào cổng tham dự “Hội chợ giao thương súng và dao găm” hàng năm ở thành phố Lubbock (tiểu bang Texas), nơi người ta bày bán la liệt đủ loại súng dao to nhỏ, đạn thì bỏ vào bịch nylon bán sỉ theo “mớ” cứ như bán rau buôn củ ở ngoài chợ xép như ở nhà. Tôi cứ đổ mồ hôi hột khi dòng người ra vào tấp nập, lớn trẻ đều có đủ, cả các cô các bà cũng chịu khó cắp ví đi theo shopping “hàng nóng” cùng chồng.
Thỉnh thoảng đâu đó tôi nghe câu hát “Đời mình là một khúc quân hành, kẻ thù buộc ta ôm cây súng...”. Còn ở đây, có lẽ chưa cần là kẻ thù mà chỉ là “người lạ ơi” xuất hiện trong vườn nhà người ta là cũng có thể khiến họ động thủ, cho ăn đạn như chơi.
Do vậy khi sang Mỹ nếu bạn muốn đến nhà người ta chơi thì nhớ nhắn tin, gọi hẹn hò trước và luôn luôn tuân theo nguyên tắc “bất di bất dịch”: gõ cửa trước rồi theo lối chính mà đi vào!
Nếu không, đừng trách là tôi không nói trước ấy nhé!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.