Người Việt giữa ‘bão’ Covid-19 ở Ấn Độ: Hơn một năm 'chưa thấy ánh mặt trời'

Lê Ngọc Thảo
Lê Ngọc Thảo
28/04/2021 13:02 GMT+7

Ấn Độ đang trải qua đợt dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng chưa từng thấy, nhiều người Việt sống ở đây vô cùng hoang mang nhưng cũng có những người may mắn sống ở một nơi an toàn và bình tĩnh chủ động ứng phó.

Ngôi nhà như "bệnh viện thu nhỏ"

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã lấy chồng Ấn Độ được 4 năm nay và hiện sống cùng gia đình chồng ở thành phố Mumbai (bang Maharashtra, Ấn Độ). Không cần đọc tin tức ở đâu xa xôi, mỗi ngày nhìn qua cửa sổ, chị Hiền lại thấy xe cấp cứu đến dưới các tòa nhà để chở bệnh nhân đi.
“Như vậy thôi tôi cũng đã thấy sợ rồi vì họ là trường hợp nặng, đã đi rồi thì ít khi quay lại về nhà được lắm. Trường hợp nhẹ thì tự chữa ở nhà theo phát đồ đã được công khai chứ giờ đến bệnh viện còn khổ hơn vì không có giường bệnh”, chị thở dài.
Năm ngoái, tầng của chị ở đã có 3 người chết vì Covid-19, trong vòng 2 tháng trở lại đây tòa nhà cũng có thêm 3 người không qua khỏi, các anh em họ hàng bên gia đình chồng cũng có người nhiễm Covid-19. Chị cho biết, nơi chị ở đã được phun thuốc khử trùng, cách ly theo tầng và khuyến cáo người dân ở trong nhà. Khi bảo vệ đem thực phẩm lên, chị Hiền cũng đợi họ đi mới ra nhận để đảm bảo an toàn.

Hơn một năm nay, hai mẹ con chị Hiền chỉ quanh quẩn ở nhà để phòng dịch Covid-19

ẢNH: NVCC

Khung cảnh nhìn từ căn hộ của chị Hiền

ẢNH: NVCC

Chị sinh em bé vào đầu năm ngoái đúng đợt dịch bùng phát nên từ đó đến nay chị chỉ ở nhà chăm con. Chồng chị có công ty riêng nên có thể làm việc từ xa, bố mẹ chồng cũng về hưu nên gần như cả gia đình “cắm chốt” tại nhà hơn một năm qua.
“Từ lúc sinh ra bé nhà tôi không biết “mặt trời” là gì luôn. Có hôm cần đi bệnh viện nên phải ra đường, tôi có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt và khó thích nghi môi trường bên ngoài. Có lẽ vì đã ở nhà khá lâu, tưởng tượng giống như người Việt mình phải đi làm lại sau một kỳ nghỉ Tết dài vậy đó”, chị Hiền nhớ lại.
Tuy tình hình căng thẳng nhưng gia đình chị vẫn lạc quan, rút kinh nghiệm từ đợt dịch năm ngoái để chủ động chuẩn bị đồ dùng, thuốc men, thực phẩm cần thiết. Chị ví nhà mình như “bệnh viện thu nhỏ” vì “cái gì cũng có”, từ thuốc cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, vitamin, máy đo huyết áp, đo nhịp tim… Mỗi tháng, nhà chị cũng dùng gần 20 lít cồn để lau chùi, sát khuẩn các vật dụng trong nhà. Ai đi bên ngoài về đều đi thẳng vào nhà vệ sinh để tắm rửa, khử trùng và tự giặt đồ để giữ an toàn cho cả nhà.

Gia đình chị Hiền tổ chức sinh nhật 1 tuổi cho em bé ấm cúng tại nhà

ẢNH: NVCC

Chị Hiền quan niệm: “Thà mình mua nhiều vậy, tốn mớ tiền nhưng sức khỏe được đảm bảo. May mắn là gia đình tôi đã được tiêm vắc-xin, đợi 20 ngày sau sẽ kiểm tra xem có nhiễm hay không. Hiện tại có vắc-xin nhưng người ta cũng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, từ đây tới đó chúng tôi cứ sống lạc quan, tranh thủ tận hưởng cuộc sống thôi”.
Chị nói vui, bố chồng chị không thích những thông tin tiêu cực liên quan đến Covid-19, sợ nó làm ảnh hưởng đến tâm lý gia đình nên chỉ cho phép cả nhà xem hoạt hình, không cho nhìn ra cửa sổ thấy những chiếc xe cấp cứu dưới nhà. Tuy nhiên, lâu lâu chị Hiền vẫn “lén” xem tin tức cập nhật tình hình để kịp thời phòng tránh.

“Làm lơ” nhau để bảo vệ nhau

Khác với trường hợp của chị Hiền, một sư cô theo học tại Savitribai Phule Pune University (TP.Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ) cho biết sinh viên ở đây đôi lúc vẫn có thể đi dạo trong khuôn viên trường với nhiều cây xanh mát, đường thoáng, miễn là không ra đường lớn, nơi tập trung đông người.
Hiện tại phần lớn các sinh viên ở trong ký túc xá tách biệt với khu đô thị bên ngoài do trường chuyển sang học online nên khá an toàn. Chỉ còn khoảng 15% nhân viên của trường làm việc trực tiếp, còn lại đều làm online, bên cạnh đó chỉ có nhân viên an ninh, vệ sinh và shipper là ra vào thường xuyên.

Cổng chính của trường Savitribai Phule Pune University

ẢNH: NVCC

Khuôn viên trường vắng người qua lại vì dịch Covid-19

ẢNH: NVCC

Trong thời gian này, thực phẩm đồ dùng của mọi người trong trường chủ yếu được mua online, để hạn chế tiếp xúc, sinh viên thường nhờ shipper giao cho nhân viên an ninh tại tòa nhà và xuống lấy khi cần thiết.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất sư cô gặp phải cũng chính là việc mua hàng online. Lúc trước khi dịch bùng phát, sư cô có thể chọn món mình cần, đặt hàng thanh toán trong vài phút và được giao trong vòng 1 - 2 ngày.
“Còn hiện tại, tôi lên xem còn gì thì mua nấy, không thể đòi hỏi, có khi mình đã đặt mua nhưng sản phẩm hết hàng mà nhân viên chưa cập nhật kịp. Đặt xong phải đợi họ xác nhận và giao khá lâu. Tuy nhiên, tôi ăn chay nên cũng khá dễ, gạo có sẵn ở nhà, rau củ gì nấu được là mình mua, cuộc sống vậy là ổn rồi”, sư cô nói thêm.
Để tự bảo vệ bản thân, sư cô cũng chỉ ra ngoài khi phơi quần áo hay có việc lên khoa. Xà bông, thuốc khử trùng, nước rửa tay, nguyên liệu nấu ăn đều được sắm sửa đầy đủ. Không gian ký túc xá cũng khá yên tĩnh, mát mẻ giúp các sinh viên tập trung ôn tập, đặc biệt là sinh viên Việt Nam đang mong đợi thi xong và có chuyến bay về nước.
“Hồi trước khi tôi gặp mọi người trong ký túc còn “say hello” với nhau nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đeo khẩu trang khá kỹ và im lặng khi gặp nhau. Ai cũng hiểu như thế là bảo vệ nhau chứ không phải ra vẻ khó gần hay thế nào khác”, vị sư cô cho hay.

"Sóng thần" Covid-19 đang hoành hành Ấn Độ có điểm gì khác biệt?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.