Luật pháp Mỹ chặt chẽ, chẳng thể nào mới thiếu một tháng tiền nhà đã tới nhà quăng đồ ra đường rồi thay khóa, cho người khác thuê. Làm như thế sẽ bị kiện cho sút quần.
Khu nhà này có khoảng 600 căn hộ, gần 2000 dân cư ngụ. Mỗi ngày, có hơn 10 chiếc xe bus tới đón đưa học sinh tới trường - Ảnh: Nguyễn Hữu Tài |
Trong số 3.000 căn hộ cho thuê của công ty, khoảng 50% sẽ trả tiền đúng hẹn, 20% sẽ trả chậm, 30% còn lại sẽ để qua tháng sau.
Luật pháp Mỹ chặt chẽ, chẳng thể nào mới thiếu một tháng đã tới nhà quăng đồ ra đường rồi thay khóa, cho người khác thuê. Làm như thế sẽ bị kiện cho sút quần.
|
Bên trong toà án quận Prince Georges, chủ yếu xử về nợ tiền nhà và vi phạm giao thông thông - Ảnh: Nguyễn Hữu Tài
|
Thậm chí người A đứng tên trong hợp đồng, tới trả chìa khóa bảo dọn đi rồi. Vô kiểm tra, thấy người B đang ung dung sống. Chúng tôi cũng không có quyền đuổi họ ra vì không biết giữa A và B có tồn tại một hợp đồng nào khác không. Phải đem ra tòa phân xử.
|
Lấy lại nhà là một việc rất nhiêu khê. Trước hết, phải kiện ra tòa trước. Từ ngày nộp đơn tới lúc gặp quan tòa có khi mất gần cả tháng trời. Sau khi lấy được judgement (phán quyết), trong vòng 4 đến 5 ngày (theo luật từng quận, từng bang), nếu họ vẫn chưa trả tiền, chúng tôi sẽ tiếp tục file (đệ trình) Warrant of Restitution (WRIT) – Giấy thu hồi nhà.
Chờ thêm vài tuần tới một tháng, quan tòa mới ký đồng ý, sau đó chuyển qua sheriff. Chờ thêm tháng nữa, sheriff mới liên lạc để lên kế hoạch thu hồi. Tính ra, để đuổi một người thiếu nợ ra đường cũng mất hết ba tháng tính từ ngày họ bắt đầu thiếu.
Những công ty nhỏ hơn hay người cho thuê riêng lẻ, đôi khi phải mất tới sáu tháng là chuyện thường. Mình thì ruột gan nóng như lửa trong khi họ cứ ung dung ở mà chả thèm trả đồng nào. Nhưng luật lệ vậy rồi, đâu thể nào mướn… xã hội đen “xử” được.
Tôi quan hệ khá tốt với sheriff nên có lịch trước cả năm. Tiết kiệm cho công ty cả núi tiền nhé.
Khu nhà nhìn từ cổng - Ảnh: Nguyễn Hữu Tài
|
Tôi không có bằng về luật, nhưng tháng nào cũng phải kè kè một bên ông chủ bự, vừa là kế toán trưởng, vừa là luật sư ra tòa. Nhiệm vụ của tôi là hỏi người thiếu nợ khi nào trả tiền và khuyên họ về chứ đừng vô bên trong tòa án. Bởi chủ tôi là người cực kì… sợ quan tòa.
Hễ thấy ông hay bà mặc áo thụng ngồi bên trên, phùng mang trợn má là chủ đỏ mặt tía tai, lật đật dời lại ngày để chuyển qua cho luật sư khác. Quan tòa thì cũng nhiều loại, ông thì đứng về phía chủ nhà, ông thì bênh vực người đi thuê, làm khó dễ chủ đủ đường. Mệt muốn ná thở.
Về mặt pháp lý, ở quận tôi đang làm, chúng tôi không cần phải cho người thiếu nợ biết thông tin về ngày tháng đuổi họ ra. Nhưng rất hiếm khi chúng tôi “nhẫn tâm” như vậy, trừ vài trường hợp cá biệt, gây bất ổn cho công ty.
Khi sheriff tới thu hồi nhà. Tôi hoặc sếp phải có mặt, cùng với security (an ninh) cầm súng bảo vệ, đứng nhìn hơn ba mươi nhân viên khiêng bàn ghế, tủ giường, hốt áo quần, giày dép, thức ăn, nước uống vô bịch đen, mang bỏ ra ngoài đường để họ tới lấy.
Mọi người hỏi tôi có thấy bất nhẫn khi làm chuyện đó không? Có chứ. Dẫu biết là công việc, nhưng chẳng vui vẻ, sung sướng gì khi đứng nhìn người ta phải ra đường mà ở. Nhất là gia đình nào có em bé. Trời ơi, nhìn tụi nó hào hứng, nhảy nhót, khi thấy có quá trời người tới nhà mình mà thương kinh khủng. Nhưng có nhiều đứa lớn hơn, đã biết chuyện, đứng giương mắt ngó rồi buồn. Ám ảnh tâm lý này không dễ dàng gì biến mất. Sẽ hằn sâu cho tới trọn đời.
|
Bản thân tôi và sếp cũng chẳng muốn đuổi họ ra làm gì. Có thêm một căn nhà trống, phải sửa chữa, tốn tiền quảng cáo, cho người khác thuê mà hổng biết họ có trả tiền đúng hẹn không. Hầu như tôi đều nắm vững hoàn cảnh của từng trường hợp một.
Nếu họ ở lâu năm, vì một lý do bất khả kháng như mất việc làm, nhà có tang, bệnh tật thì cũng du di một chút. Còn những người mới dọn vô nhưng đã nợ dây dưa, thì cứ theo luật mà xử.
Có nhiều người khó khăn thật sự nhưng cũng không hiếm kẻ trút hết tiền vô áo quần, xe cộ, shopping. Lắm khi người ta quên, họ cần một mái nhà để ở thay vì một chiếc xe sang để đi hay cái váy đẹp để mặc.
Lúc mới đi làm, tôi luôn thấy bất nhẫn trước lời van xin, nài nỉ. Thậm chí vài người, to như ông hộ pháp, chỉ cần đưa tay đẩy một cái là tôi té lăn cù, lại nước mắt vắn dài, quỳ xuống khóc lóc van xin.
Lắm khi chịu không nổi, tôi gật đầu, gia hạn nợ thêm vài ngày, thậm chí cả tuần. Thế là bị gạt, chẳng bao giờ thấy họ mang tiền đến. Nhiều khi năn nỉ ỉ ôi không được, họ thét vào mặt tôi biết bao mĩ từ êm dịu.
Hồi xưa thì rưng rưng muốn khóc, vì không lý do gì mình phải chịu đựng những lời chửi rủa nặng nề như thế này. Chắc nghỉ việc đi làm chuyện khác quá. Còn giờ hả, mơ đi. Chả tranh cãi làm gì cho mệt. Mày chửi một hồi mỏi miệng chứ đâu có làm gì được tao. Cứ ung dung ngồi đó coi như không có chuyện gì xảy ra, để tâm làm chi cho mệt. Nhưng có lần họ làm dữ, đe dọa đòi đánh. Tôi ngán, nên đi đâu cũng phải có bảo vệ cầm súng kè kè một bên.
16 năm dài ở Mỹ, 14 năm làm cho một công ty, 11 năm trên ghế quản lý, tôi đã được nhiều bài học đắt giá từ sự va chạm sắc tộc. Đôi khi nhắm mắt làm ngơ trước sự mỉa mai, nguyền rủa sau lưng mình.
Nhưng mình không đuổi người thiếu nợ thì sếp đuổi mình. Lúc đó còn thảm hơn. Công ty chứ đâu phải cơ quan từ thiện mà cứ thương xót mãi.
Không ai thương mình bằng chính bản thân mình.
Mỹ mà! Phải lo cho cái thân mình trước.
Bình luận (0)