Người Việt trên chuyến bay rời Vũ Hán: 24 tiếng nhiều lần không kiềm được nước mắt!

12/02/2020 20:03 GMT+7

Từ ngày Vũ Hán đóng cửa thành phố, ngày nào tôi cũng lên trên các trang báo của Việt Nam tìm kiếm thông tin về kế hoạch sơ tán công dân Việt Nam khỏi tâm dịch. 29 người Việt trên chuyến bay từ Vũ Hán trở về Việt Nam, mỗi người một cảm xúc thật khó tả.

Sau bài viết: Người Việt tường trình từ 'tâm bão' Corona Vũ Hán: Vợ khóc, con gái không ra ngoài, tác giả Gà Đồi Văn Duy (tên thật Đỗ Quang Duy) tiếp tục gửi cho Thanh Niên bài viết hành trình từ Vũ Hán về Việt Nam dưới đây.

"Chúng ta được cứu rồi em ạ"

Chúng tôi biết Nhà nước sẽ đón chúng tôi về, nhưng ai cũng thao thức đợi chờ thông báo chính thức. Và cuối cùng cái ngày mong đợi đó cũng đã đến.
Sáng ngày 9.2.2020, Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc báo chúng tôi hãy chuẩn bị sẵn sàng, chỉ đợi phía tỉnh Hồ Bắc xác nhận lệnh bay là mọi người có thể lên đường. Nhận được tin vợ chồng tôi như vỡ oà trong cảm xúc, hai vợ chồng nhìn nhau rưng rưng. Tôi vội vàng kiểm tra, sắp xếp lại chiếc vali hành lý của cả nhà, vợ đi dọn dẹp lại phòng ốc, chuẩn bị đồ ăn cho hai vợ chồng và bé con. Con gái bé nhỏ thấy bố mẹ vội vàng dọn dẹp chẳng hiểu gì cứ ngơ ngác nhìn theo.
Đến trưa mọi thứ cũng đã được chuẩn bị xong, chúng tôi hồi hộp ngồi cầm điện thoại đợi tin vui từ Đại sứ quán, các bác và các anh chị tại Đại sứ quán bao ngày nay vì chúng tôi mà vất vả, không quản ngày đêm động viên, chia sẻ và hỗ trợ chúng tôi. Đây chính là nơi chúng tôi đặt mọi niềm tin và hi vọng trong thời gian vừa qua.
Đến 14 giờ chiều cùng ngày, bên đại sứ quán nhắn tin: "Mọi giấy tờ, thủ tục đã xong, các cháu chuẩn bị lên đường nhé! ". Chưa bao giờ tôi thấy mình nhạy cảm và xúc động như lúc này, giọt nước mắt vui mừng lăn xuống má, tôi lau vội đi quay sang nắm chặt tay vợ nói: "Chúng ta được cứu rồi em ạ! ".

Gia đình Đỗ Quang Duy trên đường ra máy bay về Việt Nam

Cha con người Trung Quốc hết lời cảm ơn vì được Việt Nam điều trị virus corona

Đúng 18 giờ tối, chiếc xe 47 chỗ mà Đại sứ quán chuẩn bị bắt đầu đi tới từng trường Đại học để đón từng nhóm công dân Việt Nam di chuyển ra sân bay. Hơn 7 giờ tối mọi người đã có mặt đầy đủ trên xe, ai ai cũng trang bị cho mình những chiếc khẩu trang, những bộ đồ bảo hộ an toàn nhất có thể để phòng tránh lây nhiễm virus trên suốt hành trình trở về.
Đây không phải lần đầu tôi đi ra sân bay này, nhưng cảm giác lần này thật khác lạ. Qua cửa kính xe tôi nhìn ra bên ngoài, đường phố vẫn sáng rực đèn như mọi lần, nhưng không một bóng người, quang cảnh thật là buồn.
Bỗng nhiên tôi thấy khoé mắt mình cay cay, trái tim nặng trĩu, tự hỏi lòng "Không biết khi nào Vũ Hán phồn hoa, nhộn nhịp mới quay trở lại? ".
Đến khoảng 20 giờ tối xe của chúng tôi phải dừng lại ở một chốt kiểm tra trên đường cao tốc ra sân bay, họ nói chúng tôi phải đợi người của sở Ngoại Vụ Hồ Bắc tới thì mới có thể đi qua được.
Lại một lần nữa chúng tôi thổn thức vì lo lắng, vì ai cũng biết thời gian này mọi quan chức của Hồ Bắc đều bận rộn như thế nào. Không ngoài dự đoán, sau hơn 3 tiếng đồng hồ chờ đợi mệt mỏi chúng tôi mới được đi tiếp. Đáng lẽ bình thường tôi chỉ mất 45 phút để ra đến sân bay này thì lần này tôi đã phải chờ đợi gần 5 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Việc chờ đợi quá lâu khiến bé nhà tôi khó chịu và khóc suốt chặng đường đi.
 

Thăm phòng thí nghiệm của tiến sĩ tự tin tìm ra virus corona trong 70 phút

Chuyến bay đặc biệt chưa từng có

Khoảng 11 giờ đêm, đoàn chúng tôi 30 người bao gồm cả du học sinh cùng người nhà, công dân Việt sang Vũ Hán du lịch và thăm thân bị mắc kẹt ở đây đã có mặt đầy đủ tại sân bay. Dù ai cũng đeo khẩu trang kín mít nhưng niềm vui đều hiện rõ trên đôi mắt mỗi người.
Ở sân bay chúng tôi được kiểm tra sức khoẻ kĩ lưỡng, sau khi làm thủ tục bay chúng tôi được chuyển đến khu vực chờ, chuyến bay của chúng tôi sẽ xuất phát vào khoảng 2 giờ 30 theo giờ địa phương ( tức là 1 giờ 30 giờ Việt Nam). Ngồi trong phòng chờ tôi phát hiện ra cả sân bay không có ai khác ngoài đoàn khách sơ tán của Việt Nam.
Khoảng 2 giờ sáng từ cửa kính phòng chờ chúng tôi nhìn thấy từ phía xa xa chiếc máy bay in dòng chữ Vietnam Airlines. Cả phòng chờ đang im lìm bỗng chốc trở lên nhộn nhịp, vui vẻ tiếng nói tiếng cười.
Trong đoàn 29 người chúng tôi có một bạn nữ đang mang thai ở những tuần cuối của thai kì, có lẽ do quá vui mừng vì được trở về nên khi nhận được thông báo di chuyển ra máy bay, bạn ấy dường như quên mất mình đang mang bầu, bước đi nhanh thoăn thoắt khiến ai cũng vừa thương vừa buồn cười.
Trước khi lên máy bay, chúng tôi được phi hành đoàn xuống chào hỏi rất thân thiện, họ phát cho chúng tôi mỗi người một bộ đồ bảo hộ đầy đủ gồm mũ, kính, khẩu trang, áo quần và bọc giày, hướng dẫn chúng tôi mang đồ bảo hộ và lên máy bay.
Đây là chuyến bay rất đặc biệt, phi hành đoàn và hành khách ai cũng mặc đồ kín mít từ đầu đến chân, ghế máy bay được bọc kín bằng nilon, có cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ phòng dịch chăm sóc chúng tôi trên suốt hành trình bay. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng tất cả đều rất cảm động vì nhận được sự quan tâm tận tình và tỉ mỉ của Nhà nước Việt Nam.
Khoảng hơn 5 giờ sáng (theo giờ Việt Nam) máy bay hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Cảm xúc của tôi lúc này là vui mừng, xúc động khôn xiết, đây không biết là lần thứ bao nhiêu tôi không kiềm chế được nước mắt của mình trong 24 giờ vừa qua.
Trước khi xuống máy bay chúng tôi được kiểm tra lại thân nhiệt và thay một bộ đồ bảo hộ mới. Xuống sân bay chúng tôi được hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh tại chỗ và khử trùng đồ đạc trước khi lên ôtô di chuyển đến bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương. Đây sẽ là nơi chúng tôi nghỉ ngơi và cách li trước khi trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình.

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của hàng trăm triệu học sinh Trung Quốc

Tôi xin chân thành cảm ơn Nhà nước Việt Nam, các ban ngành đoàn liên quan, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và hãng hàng không Vietnam Airline đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tạo mọi điều kiện để chúng tôi được trở về nước an toàn. Hy vọng 29 người trở về từ tâm dịch Vũ Hán chúng tôi sẽ hoàn toàn khoẻ mạnh và xuất viện sau ngày cách ly quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.