Tình trạng thiếu dược sĩ ở Mỹ hiện nay đang tạo ra cơ hội lớn cho những người Việt có kiến thức và chuyên môn về lĩnh vực này. Số dược sĩ gốc Việt tại Mỹ hiện nay khá đông. Đài VOA (Mỹ) dẫn lời dược sĩ Bùi Thị Hảo, hiện làm việc tại San Jose, bang California, cho biết chỉ riêng tại miền bắc bang này đã có khoảng 400 dược sĩ gốc Việt hành nghề. Một số lượng tương đương hoặc hơn cũng đang làm việc ở Nam California.
Để có được chứng chỉ hành nghề tại Mỹ, những người đã có bằng dược sĩ tại Việt Nam phải trải qua những trường lớp và thi cử như thế nào? Dược sĩ Nguyễn Hùng Thịnh, hiện làm việc ở Florida, cho biết ông đã phải trải qua một kỳ thi tương đương. Sau khi thi đậu, ông phải đi thực tập khoảng 500 giờ và làm việc dưới quyền giám sát của một dược sĩ đã hành nghề. Đó là vào khoảng thập niên 80, còn bây giờ, bang Florida đã nâng số giờ thực tập lên khoảng 2.000 giờ. Dược sĩ thực tập cũng có thể làm việc cho nhà thuốc của một bệnh viện. Thực tập xong, bước kế tiếp là thi lấy chứng chỉ hành nghề của bang. Nếu đậu, thí sinh sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề và bắt đầu làm việc. Công việc phổ biến đối với một dược sĩ là trông coi nhà thuốc bán lẻ, và đại đa số người Việt đều làm công việc như vậy. Theo dược sĩ Bùi Thị Hảo, các dược sĩ đã có bằng cấp tại Việt Nam hay một nước khác có thể xin vào học lại chương trình dược tại đại học Mỹ. Tùy nơi, tùy trường, nhưng thường thì họ được miễn 2 năm học dự bị và thời gian học chỉ còn chừng 3 hoặc 4 năm. Sau đó, họ có thể thi lấy chứng chỉ hành nghề của bang và bắt đầu làm việc.
Bà Loan Vũ - Ảnh: VOA |
Ngoài những công việc kể trên, dược sĩ còn có thể đảm trách việc nghiên cứu tìm thuốc mới cho các hãng sản xuất dược phẩm. Công việc này cũng đang thu hút sự quan tâm của không ít dược sĩ gốc Việt. Nhưng cơ hội lớn hơn cả vẫn là ở các nhà thuốc. Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Hiệp hội các hệ thống nhà thuốc quốc gia Mỹ (NACDS) cho biết, hiện ở Mỹ cứ trong 5 bệnh nhân thì hết 4 người đi gặp bác sĩ. Doanh số thuốc kê toa đã tăng từ 121 tỉ USD năm 1999 lên 132 tỉ USD hồi năm ngoái và dự kiến con số này sẽ tăng 75% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, hiện đang có sự thiếu hụt dược sĩ nghiêm trọng ở các nhà thuốc Mỹ. Tình trạng dược sĩ bỏ nhà thuốc đi tìm các cơ hội khác có thu nhập cao hơn, chẳng hạn như công nghệ sinh học, đã làm cho sự thiếu hụt nghiêm trọng hơn. Ông Steve Croke, Chủ tịch của Pharmacychoice.com - một trong những công ty dịch vụ tuyển dụng dược sĩ hàng đầu của Mỹ, cho biết dù tình trạng thiếu hụt dược sĩ hiện rất nghiêm trọng nhưng ngành bán lẻ dược phẩm ở Mỹ ít mặn mà với việc tuyển dụng dược sĩ nước ngoài, một phần do quy trình tuyển dụng dược sĩ được đào tạo ở nước ngoài còn nặng nề và mất nhiều thời gian, đặc biệt là thủ tục xin visa làm việc ở Mỹ.
Theo dược sĩ Nguyễn Hùng Thịnh, Mỹ sẽ vẫn còn thiếu dược sĩ trong ít nhất 10 năm nữa. Vì thế, lương của dược sĩ khá cao ngay từ lúc ra trường. Tuy nhiên, lương của một dược sĩ thâm niên không cao hơn bao nhiêu so với một dược sĩ mới ra trường làm việc ở các nhà thuốc. Theo VOA, hiện tại lương của một dược sĩ ở miền bắc California ở vào khoảng 60 USD/giờ. Còn tại Florida, thu nhập của dược sĩ là trên 50 USD/giờ, nếu làm phụ trội thì lương sẽ tăng gấp rưỡi kể từ giờ thứ 41 trở đi trong một tuần.
Trùng Quang
Bình luận (0)