Nguồn cơn nổi lên “sưa tặc”: Canh chừng “sưa tặc” trên núi Cấm

11/04/2010 01:11 GMT+7

Những năm qua, trên vùng núi Cấm ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có một cánh rừng sưa đỏ bị lâm tặc tàn phá tiêu điều. Hiện nay chính quyền địa phương và người dân đang phải ngày đêm canh chừng “sưa tặc”. Nghe đọc bài

Đầu năm 2006, khi lực lượng công an xã phát hiện một người lạ mặt trên đỉnh ngọn núi Cấm (xã Thi Sơn, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) men xuống chân núi theo hướng bờ sông Đáy, trên vai là một bao tải căng phồng những quả thối, người dân nơi đây mới hay đó là quả cây gỗ sưa. Người lạ mặt này khai nhận lên núi Cấm để nhặt loại hạt đó ươm thành cây con, khi cây lớn bằng hai ba gang tay thì có thể đem bán và thu được những ba, bốn chục nghìn một cây. Hỏi tiếp, người này tiết lộ, hiện tại loại cây này giá bán rất cao, lên tới cả tỉ đồng một cây và chủ yếu bán cho người Trung Quốc… Đó cũng là lúc người dân núi Cấm phát hiện phía sườn núi Cấm, nơi tiếp giáp với con sông Đáy chỉ còn lại trơ những gốc sưa đỏ đường kính lớn hơn 50 phân bị cắt cụt ngủn đã nhú mầm non, lắm nhánh đã vươn cao cả mét.

Ngày 10.4, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thượng tá Trần Xuân Lai, Trưởng công an huyện Kim Bảng, Hà Nam cho biết, cơ quan điều tra vừa mới ra lệnh khởi tố vụ án một nhóm gồm 5 tên “sưa tặc” đã chặt hạ một cây sưa khá to ở gần chùa Bà Đanh, xã Ngọc Sơn (nằm cách núi Cấm một con sông). Các đối tượng “sưa tặc” này là người ở xã lân cận vùng núi Cấm, sau khi nghe thông tin gỗ sưa đỏ bán trên thị trường lên tới vài triệu đồng một cân, họ liền rủ nhau nửa đêm mang cưa tay đến đốn hạ cây sưa nhiều năm tuổi nói trên. Khi nhóm “sưa tặc” chặt hạ xong cây sưa một cách trót lọt và đang trên đường vận chuyển thì bị người dân ở cạnh chùa Bà Đanh phát hiện, bắt giữ.

Vụ án trên đã được khởi tố, nhưng Hội đồng định giá của huyện Kim Bảng vẫn chưa tìm được biểu mẫu áp khung định giá gỗ sưa để giám định mức độ thiệt hại làm căn cứ cho cơ quan công an khởi tố bị can. Bởi theo luật, thiệt hại về vật chất của một vụ trộm phải trị giá hơn triệu đồng mới được xử lý hình sự. “Việc này, có lẽ sắp tới chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm Công an Hà Nội xem họ định giá như thế nào”, ông Lai cho biết.

Cũng theo ông Trưởng công an huyện Kim Bảng, sau khi xảy ra “cơn sốt” gỗ sưa ở vùng núi Cấm xã Liên Sơn, Thi Sơn và vùng lân cận, Công an huyện Kim Bảng đã chỉ đạo công an các xã phải triển khai tiến hành các phương án bảo vệ rừng và bảo vệ cây gỗ sưa. Sau vụ 35 tên “sưa tặc” bị lực lượng Công an Hà Nội bắt giữ và đưa ra tòa xét xử, Công an huyện Kim Bảng cũng yêu cầu lực lượng công an trong huyện hướng dẫn người dân địa phương cách phòng chống “sưa tặc”.

Sức già đọ “sưa tặc”

Một thân sưa giáp bờ Đáy bị cưa trộm giờ đã nảy mầm -  ảnh: Minh Sang

Trước đây sưa trên núi Cấm mọc nhiều lắm, mọc rải rác khắp ngọn núi, bằng chứng là cứ mỗi dịp Tết đến, dân trong vùng lại thấy loài cây này đơm hoa phủ trắng ngọn núi lởm chởm những đá tai mèo nhọn hoắt. Nhưng nhiều thế song tuyệt nhiên, bao đời nay dân trong vùng đâu có ai đốn chặt loại cây này, dù chỉ để dùng làm củi đun. Vì theo những người dân sống trong làng, núi Cấm linh lắm: Nào là có người lên núi Cấm kiếm củi về thổi cơm, lập tức cả làng bị đau mắt; hay có anh xây nhà, lại dám đánh cả xe bò vào chân núi Cấm lấy đá về làm móng, thì khi nhà mới xây thô xong chưa kịp hoàn thiện đã lập tức bị đổ ập xuống, toàn bộ số thợ tham gia xây dựng bữa đó bị đá đè chết sạch… nên tuyệt nhiên dân làng chẳng thấy ai lên núi Cấm đốn hạ cây làm củi.

Mặc những câu chuyện ly kỳ, huyền bí về núi Cấm, một loạt những thân sưa đỏ cả trăm năm tuổi cho lõi sát tới vỏ, nằm tại vị trí có sườn núi thoai thoải, nơi phía dưới là dòng sông Đáy đều đã bị đám lâm tặc cưa sạch, không còn một thân. Hiện tại, việc quản lý trông coi những vạt sưa còn sót lại trên núi Cấm được giao cho 5 cựu chiến binh già, trong trường hợp có biến, lực lượng công an sẽ phối hợp cùng dân quân triển khai phương án tác chiến.

“Cực nhất là thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, khi mà báo đài đồng loạt thông tin về các vụ cưa trộm gỗ sưa diễn ra khắp cả nước, bất chấp những đêm mưa gió lạnh thấu xương, đường núi trơn trượt rất nguy hiểm, nhưng cả 5 anh em chúng tôi cùng các đồng chí công an xã, cả nhóm thanh niên khỏe mạnh trong làng cứ lầm lũi khoác áo mưa xuyên qua đỉnh núi, rồi vắt ngang sườn núi nơi có những vách đá cao gần 3 mét dựng đứng, phải bám rễ cây mới vượt nổi… Làm vậy cho bọn lâm tặc không có cơ hội cưa cây sưa”, ông Nguyễn Duy Thành, một trong 5 cựu chiến binh tham gia gìn giữ cây sưa trên núi Cấm nhớ lại.

Ngày cũng như đêm, 5 cựu binh đều đặn phân công lịch, thay phiên nhau lên núi trông nom sưa. Chúng tôi đến núi Cấm vào giữa trưa, cũng trùng ngày trong làng có đám cưới. Việc vui của đám con cháu nhưng chỉ có 3 cựu binh “dám” đi ăn đám, hai thành viên Đinh Văn Tiên và Đỗ Trí Viễn vẫn làm nhiệm vụ cảnh giới. Ông Đỗ Trí Viễn nói, đám “sưa tặc” thường ra tay vào thời điểm không ngờ nhất, như giữa trưa hoặc những đêm mưa gió bão bùng. Ông Viễn kể, đó là vào khoảng gần sáng canh hai, đang say giấc ngủ, chợt các ông thoảng nghe tiếng động trên núi Cấm, lập tức mỗi cựu chiến binh một đèn pin, một gậy nhằm thẳng phía bờ sông Đáy. Khi tới nơi, chỉ thấy dòng Đáy cuộn sóng nổi tăm, phía xa trên miếu Cô ngổn ngang những cành sưa không lõi được cưa thành khúc bị bọn lâm tặc vứt lại… Tối hôm trước đã xảy ra vụ cưa trộm hơn chục gốc sưa, trời cũng nổi giông, có mưa lớn.

Núi Cấm nằm trong khu di tích đền Trúc - Ngũ Động Sơn càng khiến việc trông coi vạt sưa sót lại trên núi Cấm thêm phần khó khăn. Theo ông Đỗ Trí Viễn, thời gian gần đây, có rất nhiều “du khách” lạ mặt với dáng vẻ tình nghi tới đây mua vé tham quan rồi leo núi Cấm. Nhưng thực chất là những người này đi tiền trạm, đánh dấu những điểm có gốc sưa quý để chờ thời cơ ra tay đốn hạ.   

Hà Nội nỗ lực giữ cây quý

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng ban quản lý Công viên Đống Đa, Hà Nội cho biết, mặc dù cây sưa trong Công viên Đống Đa tập trung nên việc bảo vệ thuận lợi hơn, tuy vậy, ngoài việc liên kết với công an để quản lý hơn 60 cây sưa đỏ, Ban quản lý công viên Đống Đa cũng phải tăng cường thêm lực lượng bảo vệ phân công khu vực, ca trực đảm bảo an ninh 24/24. Còn tại Công viên Thống Nhất, do có diện tích rộng, cây sưa lại nằm rải rác khắp công viên; trong số đó, rất nhiều cây nằm gần phía đường Lê Duẩn, nên rất dễ bị chặt trộm.

Từ năm 2007- 2009, Công viên Thống Nhất xảy ra 3 vụ sưa tặc đột nhập trộm cây. Mới đây nhất là vụ cưa trộm cây sưa đỏ ngày 4.4. Trước tình trạng “sưa tặc” luôn rình rập, Ban quản lý đã cho tăng cường lực lượng bảo vệ lên hơn 70 người chia ca, chia khu vực, tăng cường tuần tra, canh gác ngày đêm. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ ở đây còn tiến hành ghim loại đinh sắt phi 6 vào thân cây sưa để chống sưa tặc. Mỗi cây sưa được ghim từ 10 - 25 đinh (mỗi đinh sắt dài hơn 20 cm, hai đầu đóng quặp vào thân cây - PV), đóng xen kẽ thành ba hàng từ gốc lên chừng 1m dọc thân cây.

Theo ông Phạm Tân Thành, đại diện Ban quản lý Công viên Thống Nhất thì biện pháp này được coi là hữu hiệu. Vì sau khi tiến hành ghim sắt vào thân cây một thời gian khá lâu mới xảy ra vụ cưa trộm cây hôm 4.4 vừa qua, nhưng “sưa tặc” cũng đã chọn cây không đóng đinh sắt. Cũng theo ông Thành, việc đóng đinh sắt vào thân cây ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tuy nhiên nhiều người không đồng tình cách bảo vệ cây kiểu này, vì làm như vậy cũng sẽ khiến cây chết dần dần. “Nhưng bất đắc dĩ, tạm thời chúng tôi phải làm thế”, ông Thành phân bua.

Lê Quân

Việt Chiến - Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.