Ngụy biện kép

21/10/2021 05:15 GMT+7

Tuần qua, hàng chục vạn người lao động từ Tây nguyên, Tây Nam bộ... đã quay lại các tỉnh Đông Nam bộ và TP.HCM để làm việc khi các nơi này mở cửa.

Họ nhận được nhiều hỗ trợ của địa phương chờ đón lao động. Trước đó ít lâu, trong cuộc hồi hương chẳng đặng đừng, những dòng người tạm rời vùng trọng điểm dịch bệnh Covid-19 về quê đã được chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ bằng nhiều cách.

Chuyện về quê tránh dịch đã được báo nước ngoài đăng tải, bài viết của tác giả gốc Việt sinh sống ở châu Âu. Theo tác giả, những cuộc hành trình hồi hương ấy là “tha phương cầu thực trên chính quê hương mình” với giọng điệu hằn học làm biến dạng bản chất của nhiều việc đang diễn ra tại Việt Nam.

Tha phương cầu thực (hoặc tha hương cầu thực) theo Từ điển tiếng Việt, là rời bỏ quê hương để đi tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người chứ không phải quay về chính quê hương mình vì hoàn cảnh làm ăn, sinh sống ở nơi khác gặp khó. Ví hình ảnh hồi hương bằng khái niệm tha phương là vô lý, theo logic học là ngụy biện kiểu “lợi dụng lòng thương hại”. Cách ngụy biện này sử dụng yếu tố lòng trắc ẩn để đánh tráo tính logic của chân lý. Khái niệm tha phương cầu thực về bản chất không xấu, do chứa đựng nhiều cảm xúc nên dễ bị lợi dụng để xuyên tạc.

UBND P.4, Q.5 (TP.HCM) tổ chức chi tiền hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19

THU NGÂN

Không chỉ vậy, tác giả bài báo ấy còn nêu nhiều luận điểm sai trái đối với công cuộc phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh, từng bước thực hiện cuộc sống bình thường mới tại Việt Nam. Đáng tiếc, các luận điểm ấy, có cái thì sai sự thật, có cái thì phi logic một cách gượng ép. Ví dụ như tác giả “liên tưởng” cái gọi là “tha phương cầu thực trong chính nước mình” với chuyện 39 nạn nhân Việt không may tử vong trong container ở Anh quốc cuối năm 2019, với các cuộc di cư, di tản của đồng bào ta trong nhiều thập kỷ trước vốn có tính chất và bối cảnh hoàn toàn khác. Đây là kiểu ngụy biện thứ hai được vận dụng, gọi là ngụy biện cá trích, tức dựa vào một luận đề khác với luận đề cũ (hoặc trước đó); làm rối luận điểm bởi việc đưa nhiều luận cứ không liên quan. Kết quả là luận đề tranh luận bị biến dạng khỏi luận đề xuất phát ban đầu. Đây là loại ngụy biện khá phổ biến, người ngụy biện đưa ra chứng minh cụ thể cho luận đề mới với chứng cứ có vẻ như thuyết phục, phù hợp với luận đề mới, sau đó lại nêu tiếp luận đề cũ, đánh đồng hai luận đề cũ và mới này để khẳng định rằng luận đề cũ cũng đúng. Nhưng trong thực tế thì hai luận đề mới - cũ này hoàn toàn khác nhau về cả không gian, thời gian, cách thức diễn ra lẫn bản chất vấn đề.

Trong các luận điểm toàn sai sự thật có việc nói Việt Nam “không bảo đảm đời sống người dân...”. Thực tế thì chưa kể chính sách hỗ trợ riêng của các địa phương, Chính phủ đã chi hơn 30.000 tỉ đồng cho phòng chống dịch và ổn định cuộc sống người dân. Đã có 12 nhóm chính sách chi tiền hỗ trợ, ưu đãi cho vay được thực hiện... từ người lao động đến doanh nghiệp, từ người bệnh đến trẻ em; tại TP.HCM đã trao tiền hỗ trợ đến đợt thứ ba. Với đồng nghiệp trong nước của tác giả phương xa ấy, các đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ cũng được hỗ trợ số tiền nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Việt Nam tuy chưa là nước giàu, đã rất nỗ lực trong việc cân đối, điều tiết ngân sách nhằm đảm bảo cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh cho người dân vùng dịch; cá biệt nơi nào có hiện tượng làm sai, làm sót đều bị xử lý nghiêm.

Ngụy biện là cố ý vi phạm quy tắc logic trong suy luận nhằm đánh lạc hướng người nghe, người đọc, tạo ra nhầm tưởng sai là đúng, đúng là sai. Nhận ra và cảnh giác trước các suy luận hoặc diễn giải phi logic luôn luôn là điều cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.