Chi trả kiểu... ban ơn
Báo cáo được lập trên cơ sở khảo sát tại 60 DN FDI của các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương... với khoảng 80.000 công nhân lao động. Báo cáo chỉ ra rằng, thỏa ước lao động tập thể chủ yếu là sự sao chép cứng nhắc các quy định của luật, rất ít điều khoản cao hơn về quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Có tới 10,3% NLĐ không biết DN mình có thỏa ước hay chưa?
Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2007, Đồng Nai đã xảy ra 66 vụ đình công. Phần lớn các cuộc đình công yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng Luật Lao động và giải quyết lợi ích cao hơn. Nhiều cuộc đình công đã kéo dài 3-5 ngày. Đáng chú ý là các cuộc đình công sau: - Ngày 12.3: trên 1.800 công nhân (CN) của Công ty Asia Garments (vốn Singapore) đình công yêu cầu tăng mức nâng lương. Cùng ngày, 1.800 CN Công ty All Super (vốn Đài Loan) cũng đình công với yêu cầu tăng mức nâng lương, giảm giờ tăng ca, không làm thêm ngày chủ nhật. Trước đó, khoảng 8.600 CN tại 2 công ty Mabuchi và Việt Tường (Nhật) cũng đình công vì lý do tương tự. - Ngày 28.5, 1.800 CN Công ty Sanyo Di Solution đình công phản đối việc thay đổi giờ làm việc. - Ngày 19.7, 2.200 CN Công ty Leefu (Đài Loan) đình công yêu cầu nâng lương. - Ngày 22.7, 3.000 CN Công ty Timber (Đài Loan) đình công yêu cầu tăng lương theo định kỳ hằng năm, không được ép tăng ca quá nhiều, chi trả tiền độc hại và cải thiện chất lượng bữa ăn. - Ngày 23.7, 900 CN Công ty Huada (Đài Loan) phản ứng tập thể bằng cách bỏ về sau nhiều lần kiến nghị lãnh đạo doanh nghiệp cải thiện chất lượng bữa ăn nhưng không được xem xét. Thanh Thúy |
Cũng theo điều tra này, 90% công nhân lao động trong DN FDI được ký hợp đồng lao động, nhưng đa phần chỉ ký hợp đồng có thời hạn, không ký hợp đồng không thời hạn mặc dù có người đã được ký nhiều lần, mỗi lần 1-3 năm. 14% DN chỉ mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho "bộ khung" gồm cán bộ quản lý, quản đốc phân xưởng... còn đa số NLĐ ở những vị trí khác, đặc biệt là lao động phổ thông không được hưởng chế độ này.
10.000 đồng = 1 bậc lương
Báo cáo cũng chỉ ra một thực tế đã tồn tại từ rất lâu trong các DN FDI đó là mức tăng lương/lần rất thấp. Nhiều nơi xây dựng thang bảng lương lên đến 37 - 40 bậc nhưng mỗi bậc chỉ cách nhau đúng... 10.000 đồng. "Vì thế, việc nâng bậc lương của NLĐ rõ ràng chỉ mang tính hình thức, hữu danh vô thực", nhóm nghiên cứu kết luận.
Tuyệt đại bộ phận NLĐ trong DN FDI phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài, song thu nhập bình quân không cao hơn so với mặt bằng thu nhập trong các loại hình DN khác. Đa số các DN lấy mức lương tối thiểu làm mức sàn để trả lương cho NLĐ, không có hệ số, nên đa số NLĐ hiện được trả lương xấp xỉ 800.000 đồng/tháng. Một đặc điểm nữa là DN FDI rất lười tăng lương cho NLĐ, trong 3 năm chỉ có khoảng 70% NLĐ được nâng lương.
Hầu hết các DN FDI đều tổ chức làm thêm giờ, tăng ca (có DN làm thêm 500 - 600 giờ/năm) nhưng lại vi phạm nghiêm trọng về tiền lương/tiền công trả cho lao động. Nhiều DN thực hiện trả lương theo hình thức khoán sản phẩm cao, buộc NLĐ phải làm thêm giờ mới đạt mức khoán. Khoảng 6,5% lao động trong DN phải làm việc bình quân trên 10 tiếng/ngày, 18% làm từ 8-10 tiếng và chỉ có 52% làm việc 8 tiếng/ngày. 65% lao động làm việc 6 ngày/tuần, 25% làm 7 ngày/tuần.
Tuy vậy, có một điều rất lạ là chỉ có 28,3% NLĐ khẳng định muốn tham gia tổ chức công đoàn. "Nguyên nhân là do tổ chức công đoàn cơ sở tại các DN FDI hoạt động yếu, chưa thực sự hiệu quả", TS Dương Văn Sao kết luận. Đa số các ý kiến tại hội thảo nhận định, hiện trạng quan hệ lao động tại các DN FDI tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về bãi công, đình công. Bởi vì hầu hết các cuộc đình công đều xảy ra ở các đơn vị có tiền lương bình quân thấp như dệt may, giày da... và nó cũng thường xảy ra ở thời điểm nâng lương tháng 3 và tháng 11 hằng năm. Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm củng cố hệ thống công đoàn cơ sở cũng như tăng cường thanh kiểm tra về quan hệ lao động tại các DN FDI nói riêng để sớm giải quyết mâu thuẫn nếu có.
An Nguyên
Bình luận (0)