Nguy cơ gãy xương ở tuổi mãn kinh

23/03/2008 16:44 GMT+7

Xương giúp cơ thể chống đỡ khi di chuyển, hoạt động. Xương phát triển mạnh nhất vào tuổi 25. Sau tuổi 40 khối lượng xương giảm dần 1% mỗi năm. Loãng xương xảy ra khi khối lượng xương giảm làm xương yếu, xốp, dễ gãy.

Loãng xương là “ bệnh dịch thầm lặng” vì ít hoặc không có triệu chứng, khó nhận biết, khi biết thì đã quá muộn vì đã có biến chứng gãy xương. Dự báo đến năm 2050, trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người gãy cổ xương đùi do loãng xương, 51% thuộc các nước châu Á trong đó có Việt Nam, nơi khẩu phần ăn còn thiếu can-xi và việc chẩn đoán, điều trị tích cực loãng xương còn khó khăn.

Ở phụ nữ, đến tuổi mãn kinh, lượng Estrogen giảm, khối lượng xương giảm rất nhanh gây ra tình trạng loãng xương vào tuổi 60-65 (loãng xương sau mãn kinh). Ngoài ra, sau 40 tuổi khối lượng xương giảm 1% mỗi năm, do đó đến tuổi 70-75 thì nam cũng như nữ đều bị tình trạng loãng xương (loãng xương già), đó là quá trình sinh lý chung cho tất cả mọi người.

Khi khối lượng xương giảm gây đau ở những vùng xương xốp (cột sống, xương chậu), có thể làm vóc dáng thấp đi, nhỏ lại, lưng còng, chân cong, hoạt động hàng ngày  giảm. Khi khối lượng xương giảm 30% trở lên, khả năng chống đỡ của xương rất kém gây gãy xương chỉ sau va cham nhẹ, có khi không ngã mà gãy. Gãy xẹp xương sống xảy ra nhiều nhất, kế đến là gãy đầu trên xương đùi. Các loại gãy xương trên đều là gãy của xương loãng, nhiều mảnh, khó lành và tổng trạng người bệnh kém nên chi phí điều trị rất cao. Do đó quan trọng hơn là phòng ngừa loãng xương.

Để phòng ngừa phải loại bỏ những yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ có thể loại bỏ được thuộc về lối sống, dinh dưỡng và phương pháp tập luyện. Còn những yếu tố thuộc về giới tính giống dân và di truyền thì không thể thay đổi được.

Về lối sống: phải bỏ rượu, cà phê, thuốc lá, tránh những loại thuốc dễ dẫn đến  loãng xương như corticoid.

Về ăn uống, thức ăn có nhiều calcium là sữa và chế phẩm từ sữa. Trước đây đa số người Việt Nam ít uống sữa, nên khi uống sữa có tình trạng đầy bụng khó tiêu do thiếu men tiêu hóa sữa. Đối với những trường hợp này cần phải tập uống sữa từ ít đến nhiều để hệ tiêu hoá phục hồi men tiêu hoá sữa. Ngoài ra, thức ăn như cá cả xương, cua đồng, ốc, tép, tôm, các loại mè, đậu nành, đậu hủ, rau cải, bồ ngót… có thể cho một lượng calcium tương đối đầy đủ. Nếu ăn thừa protein động vật (thịt, cá…) có thể làm giảm hấp thu calcium. Nên khẩu phần ăn cần đủ đạm mà không dư thừa. Quan trọng nhất là bảo đảm đủ nhu cầu calcium suốt quá trình phát triển của trẻ từ nhỏ cho đến trưởng thành, để đạt được khối lượng xương khá cao khi còn trẻ, khi đến tuổi già sự giảm khối lượng xương tự nhiên về sinh lý không quá nhiều, hạn chế tình trạng gãy xương do loãng xương.

Sự thiếu hụt canxi trong khẩu phần là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tầm vóc của thanh thiếu niên và tình trạng loãng xương ở người lớn gây đau nhức, đau lưng, còng lưng, hư răng, răng rụng sớm.

Nên phòng ngừa Loãng xương bằng việc “đầu tư cho xương” của mình và thế hệ con cái của mình càng sớm càng tốt. Để phòng ngừa còn phải tập vận động, ngay cả khi đã loãng xương vì vận động giúp cho quá trình loãng xương ngưng lại. Vận động giúp đưa lượng calcium đến để bồi đắp, đem lượng chất đạm đầy đủ cho xương giúp xương xây dựng lại vững chắc hơn.

Bác sĩ Trần Hoàng Minh Châu
(Bệnh viện Gò Vấp - TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.