Nguy cơ lây nhiễm từ nơi lấy mẫu xét nghiệm

19/06/2021 05:40 GMT+7

Lấy mẫu xét nghiệm là một trong những thao tác chuyên môn cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học, tránh lây nhiễm mầm bệnh.

Tính từ ngày 26.5 - 17.6, TP.HCM lấy 628.127 mẫu xét nghiệm, trong đó có không ít điểm lấy mẫu mà ở đó người dân chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách theo quy định, đi không đúng giờ hẹn dẫn đến tập trung, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh...

Sáng 19.6: TP.HCM thêm 40 ca Covid-19, tổng cộng ghi nhận 1.701 bệnh nhân

Choàng tay ôm nhau chờ lấy mẫu

Bắt đầu lấy mẫu từ 16 giờ ngày 18.6, rất đông người dân có mặt xếp hàng từ trước để chờ lấy mẫu trên đường Nguyễn Hồng Đào (P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) trong chương trình lấy mẫu giám sát khoảng 500 người dân.
Tại đây, Q.Tân Bình chuẩn bị 3 đội lấy mẫu với sự giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Ghi nhận thực tế, người dân tại đây được hẹn lấy mẫu theo từng tổ dân phố với khung giờ khác nhau. Trong quá trình xếp hàng lấy mẫu, một số người dân vẫn tụ tập nói chuyện và được nhân viên y tế nhắc nhở việc giữ khoảng cách, nên sau đó tuân thủ.
Đáng chú ý, tại buổi lấy mẫu trong Công ty H.V (KCN Tân Tạo mở rộng, Q.Bình Tân) tối 17.6, hàng chục công nhân xếp hàng san sát nhau, thậm chí có người phía sau còn choàng tay ôm người phía trước. Những hình ảnh và clip lấy mẫu này được đăng tải lên mạng xã hội thu hút nhiều người chia sẻ, bình luận, bày tỏ lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có công nhân mắc Covid-19.
Chiều 18.6, mạng xã hội lan truyền thông tin ngày 19.6.2021, TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khuya 18.6, Sở TT-TT TP.HCM phát đi thông báo khẳng định thông tin trên là sai sự thật.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định mặc dù dịch bệnh trên địa bàn diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Bản tin Covid-19 ngày 18.6: Thêm một ngày “kỷ lục” dịch bệnh ở TP.HCM

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho hay các buổi lấy mẫu xét nghiệm đều có lực lượng công an, bảo vệ dân phố, đoàn thanh niên ở các phường xuống hỗ trợ, hướng dẫn người dân đảm bảo giãn cách.
Về việc chen lấn trong lúc chờ lấy mẫu ở Công ty H.V, ông Nhựt nhận định có thể tại thời điểm lấy mẫu, công nhân dồn về quá đông trong khi lực lượng của phường chưa đến kịp nên chưa đảm bảo giãn cách theo yêu cầu. Qua sự việc này, quận lưu ý các phường phối hợp với đội lấy mẫu, tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch.
Tương tự, khoảng 19 giờ 30 ngày 17.6, hàng trăm người dân, công nhân cư trú tại KP.2, P.An Lạc (Q.Bình Tân) xếp hàng dài bên ngoài một sân bóng trên đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) chờ lấy mẫu tầm soát Covid-19. Tuy nhiên, hàng trăm người dân đứng san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách 2 m; kể cả lúc vào bên trong sân bóng khá rộng để chuẩn bị chờ lấy mẫu, người dân cũng không giữ đúng khoảng cách theo quy định.
Liên quan thực trạng vừa nêu, bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc HCDC, cho biết dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng cũng còn một bộ phận người dân đứng sát nhau. Ngoài ra, do trong thời gian quá ngắn, lấy một lượng mẫu quá nhiều, nên người dân nôn nóng, ùn ùn kéo ra, dù khuyến cáo nhưng người dân vẫn không về nên dẫn đến tình trạng đứng gần nhau vẫn xảy ra. Do đó, HCDC khuyến cáo chính quyền địa phương tăng cường lực lượng để hướng dẫn người dân tuân thủ khoảng cách.
Nguy cơ lây nhiễm từ nơi lấy mẫu xét nghiệm

Người đứng chờ lấy bệnh phẩm bên trong sân bóng (Q.Bình Tân, TP.HCM) không đúng khoảng cách theo quy định

Ảnh: BÍCH NGÂN

Dùng 1 găng tay lấy mẫu nhiều người có an toàn ?

Ngoài ra, một số người dân lo ngại không đảm bảo an toàn khi nhân viên y tế thường sử dụng 1 găng tay y tế lấy mẫu bệnh phẩm cho nhiều người.
Theo đại diện Trung tâm y tế Q.Tân Bình, nguyên tắc lấy mẫu thì găng tay không được chạm vào bất cứ ai nhưng vẫn phải thay. Nhưng găng bên tay phải (tay thuận phải đeo 2 găng) là găng lấy mẫu bệnh phẩm phải thay sau mỗi lần lấy 1 người, trường hợp không thể thay thì phải xịt khử khuẩn. Còn găng bàn tay trái không nhất thiết thay, đây là tay cầm ống lấy mẫu thì lâu lâu mới thay.

Cần tăng cường nhân, vật lực
thu gom rác thải tại khu cách ly tập trung

Ngày 17.6, nguồn tin PV Thanh Niên cho biết: Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (lần 2) đã kiểm tra công tác triển khai cách ly, xử lý môi trường tại khu cách ly Ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM.
Theo đại diện khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện tại Khu A đang có 1.992 trường hợp F1 được cách ly, theo dõi sức khỏe và có khoảng 50 nhân viên y tế túc trực. Nỗi lo lắng nhất của nhân viên tại đây là lượng rác thải quá lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là sắp đến mùa mưa, lượng rác thải trôi ra môi trường gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Hiện việc thu gom rác tại đây do lực lượng quân sự hỗ trợ, tập kết xuống các thùng rác do công ty môi trường sắp xếp, nhưng lượng rác quá nhiều trong khi số lượng thùng rác hạn chế.
Để giải quyết tình trạng này, cần tăng cường nhân lực, vật lực để việc thu gom, xử lý rác tại khu cách ly được tốt hơn, giảm các nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Duy Tính

'TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16' là tin giả

Đồng quan điểm, cán bộ y tế Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cho hay nguyên tắc là thay găng tay sau mỗi lần lấy mẫu. Nếu không thay găng được thì người kế bên phải xịt khử khuẩn găng tay cho người lấy mẫu để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về lấy mẫu, đóng gói bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm, để an toàn cho người được lấy mẫu, cần sử dụng dụng cụ dùng 1 lần; thực hiện khử nhiễm dụng cụ (sát khuẩn bằng cồn); cần được lấy mẫu ở khu vực riêng biệt, đảm bảo sạch, khoảng cách an toàn...

Công nhân ở Công ty H.V (KCN Tân Tạo mở rộng, Q.Bình Tân, TP.HCM) đứng sát nhau chờ lấy mẫu

ẢNH: CTV

Kiểm soát rủi ro

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lấy mẫu xét nghiệm là một trong những thao tác chuyên môn cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học, tránh lây nhiễm mầm bệnh. Trong tình huống này, nhân viên y tế cần lưu ý phòng lây nhiễm cho bản thân (lây từ người bệnh), phòng lây nhiễm chéo (giữa những người được lấy mẫu) và phòng lây nhiễm ra cộng đồng từ ca bệnh, từ mẫu bệnh phẩm có mầm bệnh.
Theo “Hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về lấy mẫu, đóng gói bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm”, một trong những vấn đề cần tuân thủ là lấy mẫu xét nghiệm phải đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu và người được lấy mẫu. Người thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm phải được đào tạo/tập huấn về kỹ năng thu thập mẫu bệnh phẩm. Việc thu thập mẫu bệnh phẩm phải bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu, người được lấy mẫu, nhân viên y tế và những người xung quanh. Nhân viên y tế lấy mẫu cần được đào tạo, tập huấn kỹ năng lấy mẫu, an toàn sinh học và tuân thủ thực hiện theo quy trình lấy mẫu được quy định.
PGS Trần Đắc Phu cũng lưu ý thêm ngoài việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, quy trình lấy mẫu, xử lý mẫu xét nghiệm còn phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh (cộng đồng). Do đó, để phòng lây nhiễm, việc đóng gói mẫu bệnh phẩm đảm bảo an toàn cũng cần được nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt. Cần thực hiện thu gom và xử lý chất thải phòng xét nghiệm; khử nhiễm theo quy định. Đồng thời, có biện pháp xử lý sự cố tràn đổ (mẫu bệnh phẩm) đúng quy trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.