Nguy cơ nghèo hóa bán đảo Cà Mau

08/09/2018 08:11 GMT+7

Đây là dự báo của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân về dự án cống sông Cái Lớn - Cái Bé tại hội nghị lấy ý kiến về dự án ngày 7.9 do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Địa phương thiết tha
Hậu Giang là một trong 2 địa phương chịu tác động đầu tiên và lớn nhất của dự án. Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Dự án đã được lên kế hoạch từ rất lâu, chỉ còn đúng 18 ngày nữa là tròn 10 năm.
Người dân vùng Tây Nam sông Hậu, khu vực bị tác động của dự án Ảnh: Công Hân
Người dân vùng Tây Nam sông Hậu, khu vực bị tác động của dự án Ảnh: Công Hân

Theo ông, Hậu Giang nghèo lắm, nông nghiệp không phát triển được vì tranh chấp mặn - ngọt, thà là mặn hẳn hoặc ngọt hẳn sẽ giải quyết được vấn đề… “Địa phương chúng tôi rất thiết tha với công trình sông Cái Lớn - Cái Bé. Chúng tôi rất hoan nghênh dự án này. Hậu Giang rất cần đầu tư hệ thống công trình lớn”, ông Đồng nói và cho rằng không nên quan trọng hóa vấn đề vì “chỉ đơn giản là một cái cống”. Dự án đã kéo dài quá lâu, tiền tư vấn cũng không còn bao nhiêu, đề nghị trung ương tiếp tục xem xét tăng kinh phí để sớm hoàn thành dự án.
Dự án là cụm công trình cống Cái Lớn, Cái Bé, tuyến kênh nối sông Cái Lớn với sông Cái Bé, tuyến đê nối liền 2 cống… do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương theo Quyết định 498/QĐ.TTg năm 2017. Bốn mục tiêu chính của dự án: Kiểm soát mặn. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng thoát lũ, tiêu úng, cải tạo đất phèn. Kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cũng thiết tha cần có công trình để phát triển kinh tế cho vùng này.
Thế nhưng trong phần phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng đây không đơn giản là 1 hay 2 cái cống. “Đây là dự án công trình được triển khai trong một môi trường rất động, động nhất VN và có thể là của cả thế giới. Nó còn có nhiều vấn đề liên quan như môi trường, sản xuất, con người, văn hóa, xã hội… Dự án này không phải 8 hay 10 năm mà mới chỉ có cách đây 4 - 5 năm và chúng ta chỉ mới tập trung nghiên cứu cách đây khoảng 2 năm. Chính vì vậy có những cái chưa bám sát thực tế, còn hạn chế. Nhóm thực hiện cần ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, khắc phục ngay”, ông Thắng nói.
Chuyên gia lo ngại
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ, lo lắng nếu đắp đập ngăn mặn, nước ngọt bên trong sẽ bị ô nhiễm không sử dụng được. Đa dạng sinh học của vùng này cũng sẽ bị triệt tiêu. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là thích nghi với biến đổi khí hậu. Muốn vậy, về nguyên tắc đầu tiên phải tính đến giải pháp thích nghi, cuối cùng mới tính đến các giải pháp công trình. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, có nhiều thông tin trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các chuyên gia “lượm lặt” gắn vào nên không đúng về bản chất. Nhóm thực hiện ĐTM còn diễn dịch sai tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ (năm 2017) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rằng “ĐBSCL phải sống thuận thiên” khi cho rằng thuận thiên là phải chủ động, và để chủ động cần có công trình. Đây là cách hiểu làm hẹp đi rất nhiều tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân nói: “Tôi dự hội nghị này với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo nghiên cứu ngọt hóa bán đảo Cà Mau (trước đây). Chúng ta đã triển khai dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, dự án cống đập Ba Lai (Bến Tre) đến nay tại sao không thành công? Trước khi triển khai các dự án mới phải trả lời câu hỏi vì sao các dự án cũ không thành công. Trở lại với công trình sông Cái Lớn - Cái Bé, thiếu nước ngọt chỉ là hiện tượng, phải tìm nguyên nhân đúng thì mới có giải pháp đúng”.
“Chúng ta đang sống trên một vùng mà hệ sinh thái rất đa dạng nhưng chúng ta đang đơn giản nó. Từ rất nhiều sản vật tự nhiên chúng ta gom lại chỉ còn cây lúa và con tôm. Ta đang nghèo hóa môi trường và hệ sinh thái của chúng ta. Dựa trên tinh thần Nghị quyết 120, tôi cho rằng cần cân nhắc thật kỹ, khách quan và khoa học. Nên có hội thảo về biện pháp phi công trình trước khi đưa ra quyết định cho một giải pháp công trình”, GS Trân đề xuất.
Tuy ủng hộ quan điểm của GS Trân nhưng TS Tô Vân Trường cho rằng, không cần tổ chức một hội thảo về giải pháp phi công trình vì bản thân dự án phải chứng minh được điều này và công trình là giải pháp cuối cùng.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng thừa nhận: “Tôi hay nói với anh em thủy lợi, phải học các nhà môi trường vì chúng ta trước đây thường ít quan tâm đến môi trường. Mặt thông tin của ĐTM hiện nay chưa đầy đủ cần tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện”.
 
Dự án lỗi thời, tư duy cũ
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nếu được thực hiện sẽ phá vỡ gần như toàn bộ Nghị quyết 120, đặt mọi việc vào tình huống đã rồi. Công trình này sẽ gây ra vô vàn hệ lụy về môi trường cho một vùng rộng lớn Tây Sông Hậu và hoàn toàn không cần thiết cũng như không thể đạt được mục đích ngăn mặn đưa ra trong dự án.
Nhóm chuyên gia độc lập ĐBSCL (TS Dương Văn Ni, TS Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện, TS Nguyễn Hồng Tín, TS Đặng Kiều Nhân)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.