Nguy cơ rác thải nhựa chưa có hồi kết

02/10/2020 14:46 GMT+7

Các nhà khoa học ước tính vào năm 2030, lượng rác thải nhựa sẽ tăng lên gấp hơn 6 lần so với hiện nay.

Xử lý không xuể nhưng không thể ngừng dùng, có thể nói chúng ta đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc kiểm soát và xử lý rác thải nhựa.

Từ nỗ lực

Theo Reuters, Trung Quốc đã xem xét cấm túi nhựa siêu mỏng và lớp phủ nhựa dùng trong nông nghiệp, cũng như các loại sản phẩm nhựa không phân hủy sinh học khác. Các đề xuất bao gồm túi mua sắm có độ dày dưới 0,025 mm và lớp phủ nhựa - được sử dụng để giữ độ ẩm trong đất - dưới 0,01 mm. Dao kéo nhựa sử dụng một lần cũng sẽ bị cấm.
Còn Iceland thì cam kết loại bỏ tất cả bao bì nhựa khỏi các sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình vào năm 2023. Nước này cho biết, vào cuối năm 2019, họ đã giảm thiểu được 3.794 tấn, tức 29%, trong số 13.000 tấn nhựa mà các doanh nghiệp đang sử dụng vào tháng 1.2018.
Hà Lan, Pháp và Đan Mạch cùng một số nước châu Âu đặt mục tiêu vào năm 2025, giảm sản xuất ít nhất 20% nhựa nguyên sinh, loại nhựa mới không chứa vật liệu tái chế và sử dụng ít nhất 30% nhựa tái chế trong các sản phẩm và bao bì. Ngoài ra, mục tiêu bao gồm thiết kế tất cả bao bì nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần trên thị trường sao cho có thể tái sử dụng nếu có thể và có thể tái chế trong mọi trường hợp kết hợp tăng cường khả năng thu gom, phân loại và tái chế.

Tăng gấp 6 lần vào năm 2030

Thế nhưng, những nỗ lực trên dường như chưa “theo kịp” tốc độ sản xuất và tiêu dùng nhựa của gần 8 tỉ người trên toàn cầu.
Đảo rác Thái Bình Dương, một “bè” rác thải nhựa khổng lồ nổi trôi trên biển nằm giữa California và Hawaii là một trong những minh chứng rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu ngày càng trầm trọng hiện nay. Bãi rác nổi này được cho là có diện tích 1,6 triệu km2, gấp 8 lần diện tích Xứ Wales, gấp đôi diện tích bang Texas (Mỹ) và gấp ba lần diện tích nước Pháp.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, mỗi năm có khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới. Khoảng 5 triệu mảnh nhựa bị thải ra biển và vì đó đã có đến 90% loài chim biển nuốt phải nhựa.
Theo tờ The Independent (Anh), một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng dù có nhiều cam kết trên toàn cầu nhằm giải quyết lượng nhựa lớn tác động lên môi trường, sự gia tăng rác thải nhựa vẫn đang vượt xa các nỗ lực giảm thiểu. Đáng chú ý, lượng rác thải nhựa hằng năm có khả năng cao sẽ tăng hơn sáu lần vào năm 2030. Cụ thể, ước tính đến năm 2030, lượng rác thải nhựa hằng năm của 173 quốc gia sẽ tăng lên 53 triệu tấn.
GS Leah Gerber, thuộc Khoa học bảo tồn tại Đại học bang Arizona (Mỹ) và cũng là đồng điều tra viên của nghiên cứu trên cho biết: “Mọi người chủ yếu để tâm đến việc làm sạch, nhưng lại thiếu chú ý đến thực tế rằng một lượng nhựa rất lớn vẫn đang được sản xuất ra”. Đặc biệt, theo vị giáo sư, ở những nơi không có cơ sở hạ tầng tốt, rác thải nhựa đang xâm nhập vào hệ sinh thái biển nói riêng và hệ sinh thái thủy sinh nói chung”.

Nhựa tái chế gặp khó vì Covid-19

Trong khi đó, tình hình suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 càng khiến cho cuộc chiến chống lại rác thải nhựa khó hiệu quả. Ví dụ tại châu Âu, nhựa nguyên sinh vốn dĩ rẻ hơn nhựa tái chế. Và gần đây, do ảnh hưởng Covid-19 khiến kinh tế trì trệ, ngành vận tải và du lịch bị hạn chế nên giá dầu càng rẻ hơn, dẫn đến giá nhựa nguyên sinh lại càng rẻ hơn. Thực tế này khiến cho các nhà máy tái chế nhựa ở hầu hết các nước thuộc EU phải hạn chế hoạt động, thậm chí đóng cửa trong suốt vài tháng, theo Reuters.
Ông Antonio Furfari, Giám đốc điều hành của Tổ chức Tái chế nhựa châu Âu, nhận định rằng nếu EU và chính phủ các nước không có biện pháp xử lý kịp thời thì mục tiêu tái chế của EU sẽ gặp nguy hiểm. Hoạt động quản lý chất thải nhựa trở nên kém thân thiện với môi trường bởi nhựa không được tái chế sẽ phải đốt hoặc đổ tập trung nơi đất trống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.