Nguy cơ từ dòng rác đổ về Đông Nam Á

22/02/2018 07:32 GMT+7

Sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc, các nước phương Tây đang chuyển hướng xuất rác thải đến Đông Nam Á, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước khi ban hành lệnh cấm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn rác nhựa hằng năm, trị giá trên 6 tỉ USD (136.000 tỉ đồng). Nước này từng là thị trường lớn nhất thế giới đối với những công ty xuất khẩu rác ở Mỹ, Anh và Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1.1, các nước Đông Nam Á trở thành thị trường thay thế.
Không đủ năng lực, vẫn nhập ồ ạt
Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm 24 loại rác thải, xuất phát từ nhiều nghiên cứu cảnh báo về hoạt động nhập khẩu ồ ạt hủy hoại môi trường và sức khỏe người dân. Đáng chú ý nhất là báo cáo của Đại học Sán Đầu về “bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới” tại thị trấn Quý Tự, tỉnh Quảng Đông. Nhóm nghiên cứu phát hiện trên 80% trẻ sống trong thị trấn có máu nhiễm chì nồng độ cao. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng các công ty nhập khẩu ồ ạt rồi đổ bừa bãi rác thải mà không xử lý hay phân loại tái chế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì thế, cuộc chiến chống “rác nước ngoài” của chính phủ Trung Quốc được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, giờ đây số lượng rác khổng lồ bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á, theo tờ South China Morning Post. Trong lúc nhiều nước phương Tây loay hoay tìm kiếm thị trường thay thế Trung Quốc, nhiều công ty từ những nền công nghiệp tái chế rác thải trong khu vực dù không đủ năng lực nhưng lại xem đây là cơ hội kiếm tiền. Hiệp hội Tái chế quốc tế BIR (trụ sở ở Bỉ) ước tính VN nhập khẩu 550.000 tấn rác thải nhựa năm 2017, so với 339.648 tấn hồi năm 2016, cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, Malaysia đứng thứ 2 với 450.000 tấn (năm 2016 là 200.000 tấn) và Indonesia nhập 200.000 tấn (năm 2016 là 120.981 tấn).
“Các công ty tái chế, xử lý rác ở Đông Nam Á đang tận hưởng thời hoàng kim trong lịch sử nhờ lệnh cấm của Trung Quốc. Họ còn được nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng hợp tác, lập công ty liên doanh”, ông Surendra Patawari Borad, Chủ tịch Ủy ban Phụ trách rác thải nhựa tái chế của BIR, cho biết. Tuy nhiên, ông Borad cảnh báo Đông Nam Á không có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực tiếp nhận một lượng rác thải khổng lồ đổ về.
Chật vật xử lý rác nội địa
Các nước Đông Nam Á đang phải nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp nhằm giải quyết bài toán xử lý rác thải nội địa. Chẳng hạn Indonesia trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng rác nhựa thải ra môi trường biển gây ô nhiễm (3,2 triệu tấn/năm), chỉ sau Trung Quốc, theo báo cáo của tổ chức mang tên Nhóm Nghiên cứu Jambeck (Mỹ). Người dân đất nước vạn đảo này tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm nhựa/phút, với phân nửa là vật dùng một lần rồi bỏ bao gồm túi, ống hút, muỗng, chai nước, bao bì thực phẩm và đa phần được vứt vào bãi rác thải, không phân loại để tái chế. Đây vốn là cách xử lý rác thải phổ biến tại nhiều quốc gia trong khu vực. “Những nước phát triển phải tự tìm giải pháp. Chúng tôi không có những hệ thống xử lý rác tốt như châu Âu, vốn có thể phân loại rác tái chế. Chúng tôi không cần thêm rác từ nước khác”, bà Sasina Kaudelka, nhà hoạt động môi trường ở Indonesia thuộc Tổ chức Trash Hero, cho biết.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm 70% lượng rác nhựa thải xuống đại dương vào năm 2025. Nước này đang thử nghiệm nhiều biện pháp nhằm tái chế rác nhựa thành nhựa đường và nhiên liệu vận hành nhà máy điện. Một trong những nguồn gây ô nhiễm đại dương nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á là túi nhựa dùng một lần do giá rẻ và không bị đánh thuế cao, thậm chí phát miễn phí tại chợ, siêu thị. Chính vì thế, Indonesia đang tiến hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi bằng những vật liệu thay thế khác, chẳng hạn rong biển và bột sắn. Mới đây, công ty khởi nghiệp Evoware ở thủ đô Jakarta vừa ra mắt màng bọc thực phẩm có thể ăn được, nhựa tự hủy và bao bì làm bằng tảo biển. Trong khi đó, thành phố Bitung khuyến khích người dân đổi rác nhựa lấy gạo tại các siêu thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.