(Tin Nóng) Với việc Philippines và mới nhất là Thái Lan công khai ý định sắm tàu ngầm đối phó các đe dọa hàng hải trong khu vực, nhiều ý kiến lo ngại có thể xảy ra các tai nạn va chạm tàu ngầm trên Biển Đông giữa hải quân Trung Quốc và các nước ASEAN khi chưa có được các thỏa thuận về quản lý mặt biển và cứu hộ tàu ngầm.
|
Tạp chí Diplomat ngày 4.1.2015 cho biết Thái Lan đã công khai ý định mua sắm tàu ngầm, từ 2-3 chiếc trong ngân sách quốc phòng 2016, để bù đắp sự thiếu vắng loại khí tài này trong hơn 60 năm khi các nước ASEAN khác đã hoặc đang xây dựng lực lượng này. Báo Bangkok Post ngày 2.1.2015 cho biết Hải quân Thái Lan đang xem xét mua tàu ngầm từ nhiều nước, nhưng có lẽ tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc là có giá rẻ nhất, khoảng 330 triệu USD/chiếc.
Trước đó, Philippines cũng công khai ý định sắm tàu ngầm. Theo Diplomat, ngày 17.12.2014, phó tư lệnh hải quân Philippines, ông Caesar Taccad nói rằng nước này cần ít nhất 2 -3 tàu ngầm để tăng khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo, trước một Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt tại Biển Đông.
Như vậy đến nay ngoài hải quân Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam đã có lực lượng tàu ngầm, nay Thái Lan và Philippines bắt đầu gia nhập cuộc đua sắm khí tài lợi hại này.
Cho dù số lượng tàu ngầm của các nước ASEAN còn rất ít ỏi so với lực lượng tàu ngầm hùng hậu của Trung Quốc (60 chiếc), nhưng đã góp phần làm giảm thế độc quyền của Trung Quốc về tàu ngầm trên Biển Đông.
Diplomat bình luận rằng trong thời bình, tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập tin tức tình báo. Tàu ngầm đặc biệt hữu ích trong việc giám sát gần các hoạt động thù địch tại các vùng biển tranh chấp, nơi lực lượng trên mặt nước không thể tiếp cận, chẳng hạn trường hợp các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bị các tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 mà nước này hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5.2014.
|
Nhận xét về tình hình Biển Đông năm 2015 và sự phát triển lực lượng tàu ngầm trong khu vực này, ông Yoji Koda, cựu tư lệnh Lực lượng hải quân Cơ quan phòng vệ biển Nhật Bản viết trên Defense News ngày 2.1.2015 rằng hai trong số những yếu tố quan trọng sẽ định hình các vấn đề an ninh ở Thái Bình Dương trong năm 2015 là sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, và sự phát triển ổn định của lực lượng tàu ngầm các nước trong khu vực.
Theo ông Koda, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã rất quyết đoán trong tám tháng đầu năm 2014, nhưng Trung Quốc dường như thay đổi chiến thuật từ tháng 9.2014, tránh gây căng thẳng nặng nề hơn.
Một lý do có thể là Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình quan tâm về Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2015 sẽ diễn ra ở Philippines, và muốn giảm thiểu các hành động khiêu khích ở Biển Đông.
Để làm cho tình hình Biển Đông ít biến động, Trung Quốc đang sử dụng một cách khôn ngoan việc đàm phán với ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử trên biển (CoC) để xoa dịu những chỉ trích của cộng đồng quốc tế với Trung Quốc. Điều này sẽ khiến năm 2015 là một năm quan trọng để đánh giá các mục tiêu chiến lược thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông, và không rõ liệu nước này sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đối với các nước trong khu vực.
Một yếu tố chiến lược khác là phản ứng của các nước trên Biển Đông đối với sự gia tăng mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc. Một số chương trình tàu ngầm đầy tham vọng đang được triển khai, bao gồm Indonesia đã bắt đầu đặt hàng 2 tàu ngầm lớp Type-209 của Hàn Quốc và thêm 12 chiếc đến những năm 2020.
Malaysia đang điều hành 2 tàu ngầm lớp Scorpene (Pháp - Tây Ban Nha sản xuất). Singapore sở hữu 6 tàu ngầm mua từ Thụy Điển, hoạt động từ 20 - 40 năm nhưng đã được tân trang nâng cấp. Singapore cũng đang mua sắm thêm tàu ngầm mới.
Hải quân Việt Nam đã có 2 tàu ngầm vào đầu năm 2014, có thêm 1 chiếc nữa vào cuối năm, và đến năm 2016 sẽ có đủ 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636.1 do Nga cung cấp.
Các hạm đội tàu ngầm này của ASEAN sẽ tạo ra một sự răn đe mạnh mẽ với lực lượng tàu nổi của hải quân Trung Quốc, đặc biệt là với kế hoạch của Bắc Kinh triển khai các nhóm tàu sân bay chiến đấu hoạt động ở Biển Đông trong tương lai.
|
Khi hải quân trong khu vực Biển Đông phát triển lực lượng tàu ngầm của họ, nổi lên 2 vấn đề quan trọng cần được giải quyết, theo ông Koda. Một là khung pháp lý về quản lý không gian mặt nước, là sự cần thiết để đảm bảo sự di chuyển an toàn của các tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông. Không may là hiện tại không có khung pháp lý nào cho mục đích này.
Vấn đề thứ hai, khi số lượng tàu ngầm hoạt động gia tăng, thì nguy cơ tai nạn cũng tăng lên. Các nước có tàu ngầm phải có trách nhiệm thiết lập khả năng cứu hộ tàu ngầm của mình, nhưng việc thiết lập cơ chế cứu hộ tàu ngầm đa quốc gia cũng rất quan trọng không kém.
Và tác giả Koda kết luận rằng loại hình hợp tác về quản lý không gian mặt nước và các nghi thức giải cứu tàu ngầm chắc chắn sẽ trở thành một chất kết nối mới cho việc hợp tác hải quân đa quốc gia trong khu vực.
Anh Sơn
>> Hạm đội Hải Nam dè chừng tàu ngầm Kilo của Việt Nam
>> Nga hạ thuỷ chiếc tàu ngầm Kilo thứ 5 của Hải quân Việt Nam
>> Xem tàu ngầm Malaysia phóng ngư lôi đánh chìm mục tiêu
>> Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam
>> Vụ Thụy Điển truy lùng tàu lạ: Vì sao khó dò tìm tàu ngầm ?
>> Báo nước ngoài: Tàu ngầm Việt Nam khiến Trung Quốc phải e dè
>> Trung Quốc khiến châu Á chạy đua sắm tàu ngầm
>> Indonesia sẽ mua trước 2 tàu ngầm Kilo
Bình luận (0)