Nguy cơ xung đột hạt nhân ở Trung Đông

17/07/2011 00:12 GMT+7

Trung Đông đang đứng trước nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân với sự tham gia của những "ông lớn" Iran, Israel và Ả Rập Xê Út.

Dù Iran tuyên bố chương trình hạt nhân của họ là để phục vụ những mục đích hòa bình, phương Tây và các nước trong khu vực nghi ngờ rằng nước này đang phát triển vũ khí hạt nhân. Mới đây, Ngoại trưởng Anh William Hague cáo buộc Iran thử nghiệm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong cuộc diễn tập hồi cuối tháng 6.

 

Hoàng thân Turki al-Faisal cảnh báo Ả Rập Xê Út có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân - Ảnh: Bloomberg

Chương trình hạt nhân của Iran

Cáo buộc trên được đưa ra sau khi Iran phô trương công nghệ quân sự của họ bằng cuộc diễn tập mang tên "Đại tiên tri" kéo dài 10 ngày và vừa kết thúc hôm 6.7. Một số trong 14 tên lửa được thử nghiệm có thể vươn tới Israel hoặc các quốc gia vùng Vịnh. Theo báo Telegraph, trong phát biểu đưa ra tại Hạ viện, ông Hague nói rằng Iran "đang tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo bí mật, bao gồm cả việc bắn thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân".

''Nếu chúng tôi muốn chế tạo bom hạt nhân, chúng tôi chẳng sợ ai và cũng không ngại tuyên bố điều đó. Không ai có thể làm được cái quái gì'' - Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad

Ông Hague cho biết các cuộc thử nghiệm nói trên vi phạm các nghị quyết của LHQ cấm Iran phát triển chương trình hạt nhân quân sự. Giới chức London cũng tin rằng kể từ tháng 10.2010, quân đội Iran đã tiến hành 3 cuộc thử nghiệm tên lửa chiến lược.

Lâu nay, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ nhằm sản xuất điện nhưng các đối thủ của nước này cũng khăng khăng rằng Tehran đang cố gắng phát triển uranium làm giàu, loại vật liệu cần thiết cho việc chế tạo đầu đạn hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox cũng từng tuyên bố Iran có thể sở hữu một vũ khí hạt nhân sớm nhất là vào năm tới, dù đa phần các chuyên gia tin rằng phải mất nhiều năm hơn.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 5 cho biết đang xem xét thông tin mới nhất về "khả năng tồn tại các khía cạnh quân sự" trong chương trình hạt nhân của Iran, theo UPI. Đáp lại, giới chức Iran tuyên bố IAEA chỉ biết "dựa trên những suy đoán và cáo buộc vô căn cứ của một số nước".

Đến hôm 14.7, Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao nói Iran đang chuẩn bị lắp đặt các máy ly tâm dùng làm giàu uranium ở cấp độ cao trong một boong-ke ngầm. Khâu chuẩn bị đang được tiến hành tại cơ sở Fordow, vốn được xây dựng sâu trong núi gần thành phố Qom. Tehran tuyên bố sẽ chuyển hoạt động làm giàu uranium từ Nhà máy Natanz sang Fordow trong năm nay và tăng công suất lên gấp ba. Iran chỉ tiết lộ sự tồn tại của cơ sở này cách đây 2 năm sau khi bị tình báo phương Tây phát hiện.

 

Iran phóng tên lửa trong cuộc diễn tập "Đại Tiên tri", kết thúc hôm 6.7 - Ảnh: Fars

Nỗi lo ngại khắp vùng Vịnh

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hồi cuối tháng 6 khẳng định nước này không ngại chế tạo bom hạt nhân nhưng không có ý định làm điều đó. AFP dẫn lời ông Ahmadinejad phát biểu: "Nếu chúng tôi muốn chế tạo bom hạt nhân, chúng tôi chẳng sợ ai và cũng không ngại tuyên bố điều đó. Không ai có thể làm được cái quái gì".

Ông Ahmadinejad trước đó từng tuyên bố vũ khí hạt nhân "chỉ dành cho những kẻ hèn nhát" và rằng "một đất nước dũng cảm như Iran không cần đến bom hạt nhân". Tuy nhiên, một báo cáo do tổ chức nghiên cứu toàn cầu RAND có trụ sở tại Mỹ công bố hồi tháng trước cảnh báo Tehran có thể có quyết định "khó lường" nếu bị đe dọa.

Sợ đơn sợ kép

Theo RAND, các nước GCC, cụ thể là Qatar, Kuwait, Bahrain và UAE, có thể tìm kiếm sự đảm bảo của Mỹ nếu nguy cơ hạt nhân từ Iran tăng lên. Các nước này đứng trước rủi ro cao do năng lực phòng thủ hạn chế và có nhiều mâu thuẫn với Iran. Tuy nhiên, các nước này cũng không muốn mang tiếng là "đàn em của Mỹ" vì như vậy càng làm Iran có cơ gây hấn. "Những nước này cũng không muốn bị Iran xem là sát cánh với phương Tây vì họ đang cố đóng vai người ngoài cuộc trong cuộc xung đột Iran-phương Tây", báo cáo của RAND viết.

Tạp chí World Tribune dẫn báo cáo của RAND cho biết dù đã đặt mua nhiều hệ thống phòng thủ tân tiến của Mỹ, các nước thuộc tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có thể bị tên lửa Iran tấn công. Theo tổ chức này, những nước có rủi ro cao nhất ở vùng Vịnh là Bahrain và Qatar, nơi tập trung số lượng lớn binh lính Mỹ. Tuy nhiên, RAND nêu bật khả năng Iran sẽ tấn công "đại gia khu vực" Ả Rập Xê Út để "phô trương khả năng của mình".

Ả Rập Xê Út sẽ đối phó Iran ra sao? Theo báo Guardian, Riyadh đã cảnh báo với NATO rằng họ sẽ theo đuổi các chính sách có thể dẫn đến "những hậu quả nghiêm trọng không thể nói trước" nếu Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Phát biểu này do Hoàng thân Turki al-Faisal, cựu lãnh đạo tình báo và từng là Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ và Anh, nói với các quan chức cao cấp của NATO tại một cuộc họp kín đầu tháng  này. Ông al-Faisal không tiết lộ các chính sách trên là gì nhưng Guardian dẫn lời một quan chức giấu tên thân cận với ông al-Faisal nói rằng vũ khí hạt nhân của Iran sẽ buộc Ả Rập Xê Út phát triển vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi không thể sống trong tình huống Iran có vũ khí hạt nhân còn chúng tôi thì không. Nếu Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ làm theo", quan chức trên cảnh báo.

Đây không phải là lần đầu tiên Ả Rập Xê Út nói đến chuyện phát triển vũ khí hạt nhân. Theo các thư tín ngoại giao do WikiLeaks thu thập và được công bố trên Guardian năm ngoái, Quốc vương Abdullah đã cảnh báo với Mỹ hồi năm 2008 rằng nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân, "mọi người trong khu vực sẽ làm theo, kể cả Ả Rập Xê Út". Tổ chức RAND cũng cho rằng Riyadh có thể từ chối hợp tác phòng thủ với Washington và tìm cách phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Tam giác hạt nhân

Sự nhập cuộc của Ả Rập Xê Út có thể sẽ hình thành một "tam giác hạt nhân" tại Trung Đông, với hai góc còn lại là Iran và Israel. Tel Aviv lâu nay luôn úp mở, không thừa nhận cũng không bác bỏ việc mình có sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Israel bị cho là đã khởi động chương trình phát triển loại vũ khí hủy diệt này từ đầu thập niên 1950. Chính sách "mập mờ cố ý" của Israel và sự im lặng của Mỹ cũng giúp họ hướng sự chú ý của thế giới sang các điểm nóng về hạt nhân khác như Iran và CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, website Globalresearch.ca dẫn ước tính của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho thấy Tel Aviv hiện có đến 200 đầu đạn hạt nhân, đủ để phá hủy toàn bộ Trung Đông chỉ trong vài giây.

Vào ngày 19.6.1981, HĐBA LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Israel đặt các cơ sở hạt nhân của họ dưới quyền giám sát của IAEA. Tuy nhiên, Israel vẫn lờ đi và sau nghị quyết năm 1981, HĐBA không đưa ra thêm quyết định quan trọng nào để "thuần hóa" Israel và kiểm soát kho vũ khí nguy hiểm của nước này. Được nằm ngoài "vòng kim cô" của IAEA, Israel luôn chống đối chương trình hạt nhân của Iran và liên tục yêu cầu Mỹ và các cường quốc gây áp lực với nước CH Hồi giáo về chuyện này. Dĩ nhiên Tehran đâu chịu ngồi yên. Việc Iran thử nghiệm những tên lửa có thể vươn tới Israel trong cuộc diễn tập "Đại tiên tri" là dấu hiệu cảnh báo nước này luôn sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Israel.

Trong những tháng gần đây, do tác động làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông, thảo luận về khả năng hành động quân sự chống Iran đã bị gác lại. Tại Israel, giới chức đang tập trung vào những vấn đề cấp thiết hơn như bất ổn ở Ai Cập và ý định lập nhà nước trong năm nay của người Palestine. Tuy nhiên, có một dự báo đáng chú ý của chuyên gia phân tích Israel Amir Oren trên tờ Ha'aretz rằng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6, thời điểm Mỹ thay Bộ trưởng Quốc phòng, và cuối tháng 9, khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mike Mullen về hưu, nguy cơ Israel tấn công Iran là "rất lớn", đặc biệt do bước đi này "sẽ làm phân tán sự chú ý khỏi vấn đề Palestine".

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.