Nguyễn Bính với cố nhân

20/03/2010 16:41 GMT+7

Loạt bài viết về thi sĩ Nguyễn Bính được mở đầu bằng những hồi ức của nhà văn Hoàng Tấn - người đã trực tiếp vận động Nguyễn Bính “hành phương Nam”. Nay chúng tôi cũng xin khép lại đề tài này bằng những bài thơ Hoàng Tấn khóc bạn và cả những vần thơ khóc cha của người con gái phương Nam: Nguyễn Bính Hồng Cầu. Mời nghe đọc bài

Dệt thơ khóc người

Như chúng tôi đã từng viết: “Hoàng Tấn thường tự hào là người gần gũi, thân thiết với Nguyễn Bính còn hơn cả những người tình, những bà vợ của Nguyễn Bính”. Dù thua bạn 2 tuổi nhưng Hoàng Tấn chơi thân với Nguyễn Bính từ năm 1938. Họ cùng Đức Trấn thuê chung một căn gác ở phố Hoàng Mai (Hà Nội) mà Nguyễn Bính đặt tên là Mộc Hoa Trang. Cuối năm 1939, Hoàng Tấn vào Sài Gòn viết cho các báo Hạnh phúc, Ngày mai… Chính Hoàng Tấn đã “dụ dỗ” Nguyễn Bính vào Nam (1943), để rồi từ đó đôi bạn Nguyễn Bính - Hoàng Tấn như bóng với hình. Nguyễn Bính đặt thêm cho Hoàng Tấn bút danh Hồ Tăng Ấn (đảo tự từ chữ Hoàng Tấn) và lúc nào cũng ngâm nga: “Trải bao nhiêu núi sông rồi/Đến đây lại vẫn hai người chúng ta”. Họ có quá nhiều điểm tương đồng: cùng là người gốc Bắc hiếm hoi trong làng báo Sài Gòn, cùng vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, cùng tập kết (đúng ra là hồi hương) ra Bắc, và… cuối cùng (dù không hẹn ước) cũng chung hoàn cảnh qua đời giống nhau: chết nghèo trong neo đơn! (Hoàng Tấn mất ngày 16.5.2003, tại Thanh Đa - TP.HCM. Chị Nguyễn Bính Hồng Cầu cho biết đến cuối đời ông Hoàng Tấn mới lấy bà Trâm. Bà này có cô con riêng tên là Vân Anh. Cô Vân Anh rất thương quý ông Tấn. Những ngày ông ốm liệt giường cho đến lúc ông ra đi, một tay cô săn sóc, vệ sinh…).

Trong giai đoạn về lại cố hương, khi Nguyễn Bính rời Hà Nội về quê Hà Nam thì Hoàng Tấn đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, có nhà riêng ở phố Phủ Doãn. Phố này thời Pháp có tên là Julien Blanc nên Nguyễn Bính đặt tên cho chỗ ở của bạn là Gác Duy Liên. Ngày mùng ba Tết Bính Ngọ (1966), Hoàng Tấn mới được tin bạn chí thân từ trần, và ông đã làm bài thơ Khóc Nguyễn Bính: “Một lần lỡ bước sang ngang/Đành thôi tan giấc mộng vàng từ đây/Rượu hồng ai chuốc mà say/Ai vin cành quế mà cay cuộc đời/Tim ta buốt! Cố nhân ơi!/Ngờ đâu Bính đã ra người ngàn xưa/Chợ đời những gió cùng mưa/Oanh ơi, Hương hỡi còn thừa thủy chung?/Một năm là bốn mùa đông/Kiệu hoa ai đón, ngựa hồng ai sang?/Mây tần một giải lang thang/Mười hai bến nước lỡ làng bước đi/Một nghìn cửa sổ kinh kỳ/Đêm xuân tiếng trống ngân dài/Dưới trời Đồng Tháp ai mài trăng khuya/Mình không lỡ pháo lầm xe/Mình không bỏ Sở sang Tề thì thôi/Chiều Ba Mươi hết năm rồi/Tin đâu sét giật dựng trời Quê hương/Chuyện đâu có chuyện dị thường/Là hoa sao lại hải đường lạ chưa!/Cùng nhau chung một hồn thơ/Ba mươi năm ấy để giờ… Bính ơi/Con tàu đúng hẹn thì xuôi/Nửa đêm quán trọ chia đôi chúng mình/Liễu xanh buộc dựng trường đình/Đành thôi, thôi thế thôi đành… tan mơ/Con tằm sót một đường tơ/Nay xin rút nốt dệt Thơ khóc Người”. (Gác Duy Liên mùa xuân 1966 - Hoàng Tấn). 


Nhà văn Hoàng Tấn - Ảnh: Hà Đình Nguyên

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Hoàng Tấn vào Sài Gòn sống ở chung cư Thanh Đa (Bình Thạnh). Ông thường đi diễn thuyết về Nguyễn Bính. Nhà văn Thế Phong từng nhận xét: “Hoàng Tấn rất yêu bạn, đôi khi hơn chính bản thân. Ông thường chú thích dưới tấm ảnh mỗi khi diễn thuyết “Ở mọi nơi, trong mọi lúc hễ có dịp thuận tiện là Hoàng Tấn lại nói về Nguyễn Bính và thơ. Người bạn già văn chương, tên tôi gọi Hoàng Tấn”. Như vậy cũng chưa thỏa lòng, năm 1982, ông lại “Gởi theo anh hồn Nguyễn Bính - cố nhân những vần thơ “Bởi không lấy trắng làm đen/Mới thành trôi nổi, mới nên gập ghềnh/Nhìn lên cao thấy trời xanh/Với tâm Nguyễn Trãi, với tình Nguyễn Du/Phá cho tan mọi ngục tù/Lòng son rừng rực sáng như ban ngày/Nghe trong hồn đất ngất ngây/Tưởng hồn Nguyễn Bính về đây bồi hồi”. (Vườn xoài mùa trăng lạnh 1982).

Hậu duệ Nguyễn Bính

Khi Nguyễn Bính tạm biệt vợ con trở về miền Bắc (1954) thì người con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu chỉ mới 2 tuổi. Bà Hồng Châu (người vợ chính thức đầu tiên của Nguyễn Bính) sau đó được tổ chức cài vào hoạt động nội thành, do vậy mọi đầu mối liên quan đến thời gian kháng chiến và Nguyễn Bính đều phải giấu nhẹm.

Hồng Cầu lớn lên không biết cha là ai, chỉ nghe mẹ nói: “Ba nó đi theo vợ bé rồi!” khi có ai tình cờ hỏi tới - nếu như ở miền Bắc Nguyễn Bính làm bài thơ Nhớ kỹ tên con nhé với những câu: “Hồng Cầu con gái của cha ơi/ Con sống giữa Sài Gòn/Mười bốn, mười lăm tuổi còn kẹp tóc/ Chúng nó đóng cửa trường/ Cha chẳng muốn con thất học…” thì ở Sài Gòn Hồng Cầu phải thay đổi tên liên tục, từ Minh Châu qua Minh Thu để được đi học ở trường Phan Sào Nam. “Người vợ miền Nam” nghe tin chồng mình qua đời cũng từ báo chí Sài Gòn nhưng phải nuốt ngược nước mắt vào trong, không dám hé lộ một điều gì. Phải đến những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, bà mang con vào lại chiến khu, khi ấy mới tiết lộ cho con gái biết cha mình chính là nhà thơ Nguyễn Bính… Hồng Cầu có cái “gien” thi sĩ của cha, 13 tuổi đã có thơ đăng trên báo Giải phóng của tỉnh Rạch Giá. Sau 1975 - bà Hồng Châu lặn lội ra Bắc thăm mộ chồng và họ hàng bên chồng. Bà có đem theo bản thảo một số bài thơ do Hồng Cầu sáng tác. Đọc thơ của Hồng Cầu, ông bác Trúc Đường nhận xét “Thơ có hình bóng, hơi hướm của Nguyễn Bính”.

Chị Hồng Cầu từng có một thời gian công tác tại Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM, rồi Fahasa, NXB Cửu Long, cuối cùng là Phó giám đốc NXB Văn nghệ TP.HCM. Trước khi nghỉ hưu năm 2008, chị đã cho ra mắt 3 tập thơ Ca dao một nửa, Nhặt bóng mình Đau đáu trăm năm. Mẹ chị - bà Hồng Châu năm nay 89 tuổi, sức khỏe đã kém, nên việc chăm sóc Nhà lưu niệm Nguyễn Bính (số 23 đường 11, phường 11, Q.Gò Vấp - TP.HCM) đều do chị quán xuyến. Ở đây tập hợp rất nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến Nguyễn Bính, trong đó có bài thơ Nỗi niềm của chị khóc cha: “Thời cha Lỡ bước sang ngang/Bến bờ xô dạt ngửa nghiêng đất trời/Rượu suông cha uống quê người/Thế nhân giữa chợ, khóc cười riêng cha/Xa xôi cha yếu, mẹ già/Chiêm bao mách lẻo qua nhà người dưng/Một mình nhớ, một mình thương/Một đời đơn chiếc, buồn vương một đời/Lênh đênh gió dập, sóng dồi/Lang thang con bướm hát lời Chân quê/Cố hương ngàn dặm quay về/Tóc thề ai trắng, lời thề ai phai/Từ đây một chuyến đi dài/Vần thơ định mệnh còn say nhân tình” (2000 -Hồng Cầu).

Kết thúc loạt bài này, người viết đã đến Nhà lưu niệm thắp một nén nhang trên bàn thơ thi sĩ Nguyễn Bính. 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.