Tác phẩm đặc biệt này do nhà nghiên cứu Nguyễn Hiền Đức sưu tầm, tuyển chọn trong quãng thời gian khá lâu, từ những ngày ở trọ dưới Hội An (Quảng Nam) được ông túc tắc ghi chép, rồi dùng máy gõ lại văn bản để lưu trữ, nhờ vậy mà có được một tuyển tập đầy đặn với những lời tựa và bài giới thiệu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Khác hẳn với những cuốn sách khác, lời tựa mà Nguyễn Hiến Lê viết đa phần giống dạng tùy bút. Ông thể hiện nhẹ nhàng bằng những câu chuyện có thật, đôi khi là giai đoạn nào đó của bản thân với một tâm hồn và suy nghĩ luôn thành thật. Một số bài giới thiệu sách Nguyễn Hiến Lê từng tiết lộ rất đắc ý như: Thế hệ ngày mai, Tương lai trong tay ta, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Gương danh nhân, Bán đảo Ả Rập, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đông Kinh nghĩa thục... đều xuất hiện trong sách.
Lời tựa của cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống (NXB Phạm Văn Tươi, 1955), Nguyễn Hiến Lê viết như rút ruột: “Chính chúng ta mới đáng thương. Nếu vậy thì cái bề ngoài vui tươi kia, chỉ là cái vỏ của một tâm hồn chán nản, bị phiền muộn, ưu tư ganh ghét, hờn oán giày vò. Mặt biển phẳng lặng phản chiếu mặt trời rực rỡ đấy nhưng dưới đáy có những lượn sóng ngầm đủ sức cuốn cát và lay đá. Cánh đồng tươi thắm cười đón gió xuân đây, nhưng trong hoa, sâu đã lẳng lặng đục nhụy và hút nhựa không ngừng. Phải ngăn những đợt sóng oán hờn ấy lại. Diệt con sâu ưu tư ấy đi, nếu không, chúng sẽ diệt ta mất...”. Còn qua lời tựa trong Gương danh nhân (xuất bản lần đầu năm 1959), học giả kể về kỷ niệm không quên với người cha cùng sự nông cạn trong cách suy nghĩ của mình: “Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình nghèo mà giữ được nền nếp. Ngày nay tôi mới nghĩ vậy chứ hồi 15 - 16 tuổi, thú thực là thấy bạn bè anh em trong họ vì có cha làm ông thông, ông phán mà được ngồi xe nhà gọng đồng bóng nhoáng, đi giày Gia Định, quấn “phu la”, tôi cũng nhiều lúc hậm hực, tự hỏi sao cha tôi lại gàn dở, không thèm làm việc với Pháp để anh em tôi phải chịu bao điều thiếu thốn. Tôi nhớ một lần người phải nhịn tiêu để mua cho tôi cuốn Nam Hải dị nhân. Hồi đó lương ông phán chỉ có 30 đồng mà cuốn đó tới 4 hào, bằng hai trăm đồng bây giờ. Xin hương hồn người tha cho tôi cái tội dại dột đó”. Ở cuốn Tự học một nhu cầu của thời đại (xuất bản năm 1954), Nguyễn Hiến Lê còn có lời tựa bằng những câu chuyện tự học và trải nghiệm đầy cảm động khi ông mới ra trường được bổ làm Sở Công chánh đi đo mực đất và nước khắp Hậu Giang và Tiền Giang.
Cuốn sách cũng giới thiệu nhiều bài viết Nguyễn Hiến Lê dành cho các tác phẩm của văn hữu, gồm: Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu, Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, Nguiễn Hữu Ngư - cuộc đời và văn nghiệp của Châu Hải Kỳ, Quê hương của Nguiễn Hữu Ngư, Ức Viên thi thoại của Đông Hồ, Trần Quý Cáp của Lam Giang... Chẳng hạn, trong Ức Viên thi thoại của Đông Hồ, Nguyễn Hiến Lê tự đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời mà vẫn gửi gắm đến người đọc hết những gì cần thể hiện: “Đọc thi thoại còn thú hơn đọc thi. Ta có cảm tưởng một người chơi hoa dắt ta đi coi và kể cho ta nghe các chuyện lạ của từng loại hoa... Từ trước tôi vẫn lấy làm lạ. Trong số các nhà văn thời Nam Phong, chỉ có Đông Hồ là văn, thơ đều hay, nhất là văn có đủ giọng, đẹp đẽ như văn Lục Triều, có đoạn bình đạm, cổ kính như văn Đường, Tống, có chỗ lại tự nhiên, thân mật như văn hiện đại là luôn luôn tao nhã. Vậy thì còn ai đủ điều kiện hơn ông để viết thi thoại, tôi cần gì phải giới thiệu...”.
Chính phong cách “ý tại ngôn ngoại” trong lời tựa qua lăng kính tiếp cận mới về Nguyễn Hiến Lê càng góp phần làm tỏa sáng tên tuổi của một tượng đài văn hóa luôn được bao thế hệ độc giả ngưỡng mộ và yêu quý.
Bình luận (0)