Tác giả Nguyễn Khắc Phê tâm sự: “Chẳng có chi xấu hổ việc bán sách… Cuốn sách gọi là “tạp văn” nên… linh tinh đủ thứ, trong đó phần nhiều “chuyện cũ”- ngay cả bài viết về thảm họa ở tầm vĩ mô như Dịch Covid - Tàu 2019 và các vụ lở núi kinh hoàng năm 2020, cả bài mới nhất về Người Mẹ trăm tuổi, chủ yếu cũng là chuyện “ngày xưa”. Tuy vậy, đến tay người đọc - theo thuật ngữ “tiếp nhận văn học” thì người đọc là đồng sáng tạo với tác giả từ nhiều góc nhìn, mỗi bài trong cuốn sách này hay - dở không đồng đều và còn tùy “gu”, nhưng hẳn là sẽ gợi cho độc giả những suy nghĩ liên hệ đến cuộc sống hôm nay…”.
Từ lâu bạn đọc trong và ngoài nước đã biết và hâm mộ nhà văn Nguyễn Khắc Phê qua các tác phẩm tiểu thuyết, trong đó một số cuốn được giải thưởng lớn như: Chỗ đứng người kỹ sư - giải thưởng Văn học đề tài công nhân 5 năm (1975-1980) của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; Những cánh cửa đã mở - giải thưởng Bông sen trắng hạng A của UBND tỉnh Bình Trị Thiên; Nếu được chết thay em hạng B, Thập giá giữa rừng sâu hạng A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; Biết đâu địa ngục thiên đường - giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2009); Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Giải thưởng hạng A Văn học Nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên - Huế (2008 - 2013) với tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường; Giải thưởng hạng B Văn học Nghệ thuật Cố đô (2013 - 2018 cho tự truyện Số phận không định trước.
Bên cạnh sở trường về thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Khắc Phê còn là một nhà văn, nhà báo viết chính luận sắc sảo, đĩnh đạc, phản ánh nhiều vấn đề thiết thân, cấp bách trong cuộc sống đương đại. Bằng bút lực sung mãn, đề tài, nội dung phong phú, đa diện, ông đã chiếm được nhiều tình cảm trong lòng bạn đọc.
Tác phẩm Chuyện cũ nghĩ thêm - trò cười nên bớt có 72 bài được xếp theo chuyên đề thành 3 phần.
Phần I: Thêm một cách nhìn văn hóa xưa & nay gồm 21 bài viết. Trong phần này, những không gian văn hóa của cảnh và người xưa và nay được mở ra trân quý, trang trọng. Bản hòa sắc thiên nhiên, những chứng tích, những danh nhân văn hóa, lịch sử, các sinh hoạt dân gian, các sự kiện, giai thoại đời thường của nhiều vùng đất được nhà văn Nguyễn Khắc Phê ghi nhận và miêu tả hấp dẫn, sinh động, giàu tình.
Phần II: Bàn góp về thời cuộc và nhân sinh có 13 bài viết, trong đó nổi lên một văn phong chính luận với những góc nhìn sắc sảo về nhân tình thế thái, được mất, vui buồn. Nghĩa vụ công dân, tinh thần yêu nước thương nòi của người nghệ sĩ trong nhà văn Nguyễn Khắc Phê hiện lên rõ nét. Bạn đọc dễ đồng cảm, trân trọng cách đặt vấn đề tích cực, đầy trách nhiệm của ông trước thời cuộc, xã hội.
Phần III: Không chỉ là chuyện cười, trong đó tập hợp một số bài đã đăng trên báo Tuổi trẻ Cười, với giọng văn trào phúng, châm biếm, dí dỏm mà theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì "bạn đọc xong có khi lại “buồn tình” về nhân thế, nên mong xã hội sẽ dần bớt đi" những chuyện này… Và đó cũng là lý do cuốn sách có tên Chuyện cũ nghĩ thêm - trò cười nên bớt…
Được biết, sách mới Chuyện cũ nghĩ thêm - trò cười nên bớt của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa xuất hiện ở Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… trong một thời gian chưa lâu nhưng đã có các hiệu ứng tốt khi được bạn đọc đón nhận, tìm đọc sách của ông và có những phản hồi, nhắn gửi nhiều tình cảm sâu sắc đến tác giả. Tác giả Nguyễn Khắc Phê vững tin: “Đừng tưởng độc giả bây giờ chỉ tìm sách giải trí và truyện ngôn tình… Cũng để thấy lĩnh vực văn hóa ngày càng được công chúng quan tâm…”.
Bình luận (0)