Nguyễn Sơn - Không nhận phong thiếu tướng

24/12/2020 06:25 GMT+7

Ngày 20.1.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 111/SL phong hàm thiếu tướng từ ngày 1.1.1948 cho ông Nguyễn Sơn, Khu trưởng Chiến khu 4, nhưng ông trì hoãn không nhận.

Thừa tướng chứ không Thiếu tướng

Khu trưởng Nguyễn Sơn cho một cán bộ hỏa tốc về T.Ư gặp Hồ Chủ tịch trao gửi lá thư đại ý: “Tôi xin nhường cho Khu phó Đào Chính Nam lên thiếu tướng, còn tôi tài sơ đức mỏng xin Bác cho tôi chức đại tá đủ rồi”.
Ông Hà Anh, học viên Trường Lục quân Quảng Ngãi, trong cuốn sách viết về người thầy của mình kể lại: Lúc nhận thư, Hồ Chủ tịch đang ăn cơm chung với ông Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Cục Quân huấn. Bác nói: “Nguyễn Sơn có tài tổ chức và điều khiển bộ đội nhưng tự cao, tự đại dễ đụng chạm và làm mất lòng người khác. Từ Liên khu 4 đã có dư luận Nguyễn Sơn không nhận sắc phong mà còn xuyên tạc: Nguyễn Sơn là thừa... tướng chứ không có thiếu... tướng”.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn

Ảnh: Tư liệu gia đình

Khi Cục trưởng Cục Quân huấn trở về doanh trại, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tấm thiệp viết 12 chữ, với 4 câu: “Đảm dục đại/Tâm dục tế/Trí dục viên/Hạnh dục phương”. Ngoài thư đề: Thân gửi Sơn đệ - Ký tên: “Người anh họ Nguyễn”.
Đây là một bài của Tôn Tử Mạo bên Trung Quốc đời nhà Đường được Hồ Chủ tịch lấy12 chữ của đoạn trước mà bỏ đoạn sau. 12 chữ Hán ấy được giải nghĩa như sau: Ý chí cần quả quyết; lòng dạ cần tinh tế; kiến thức cần trọn vẹn; đạo đức cần đầy đủ.
Ông Hà Anh giải thích thêm về mặt chữ Hán trên tấm thiếp này: “Nhận thư, Nguyễn Sơn biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay chữ tiểu bằng chữ tế. Tiểu là nhỏ nhưng chữ tế còn nhỏ hơn nhiều (tế nhị). Khi tế đi với đại còn có nghĩa là bao dung, rộng lượng. Thay chữ tế người đọc có thể hiểu: Cái tâm mình phải cho khéo léo, tế nhị chín chắn hơn nhiều lần so với người xưa đã dạy”.
Bác lấy tình anh em chứ không nhân danh Chủ tịch Chính phủ để nhắn nhủ, điều này khiến Nguyễn Sơn vui lòng nhận thụ phong thiếu tướng. Tháng 10.1948, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Chủ tịch phủ, đã từ Việt Bắc vào Khu 4, chủ trì lễ phong thiếu tướng cho Khu trưởng Nguyễn Sơn. Tường thuật của báo Cứu quốc đã rút tít: Một buổi lễ long trọng nhất ở Liên khu 4.

Căn cứ địa văn hóa

Chiêu hiền đãi sĩ là nét đặc sắc của Khu trưởng Chiến khu 4 Nguyễn Sơn. Ông thu nạp hết các văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức về bên mình. Từ đoàn kịch của vợ chồng nghệ sĩ Phạm Văn Đôn - Nguyễn Thị Kim đến đoàn văn hóa Việt Bắc của nhạc sĩ Phạm Duy và chị em ca sĩ Thái Thanh - Thái Hằng; rồi các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Trương Tửu, Hữu Loan, Bửu Tiến… Nhà văn Nguyễn Tiến Lãng, thư ký của Nam Phương hoàng hậu, từng bị án của chính quyền cách mạng cũng được Khu trưởng Nguyễn Sơn tin dùng, cử làm giáo viên giảng dạy Trường Thiếu sinh quân Khu 4.
Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1908 - 1956) quê xã Kiêu Kỵ, H.Gia Lâm, Hà Nội. Ông tham gia cuộc Vạn lý trường chinh và là sĩ quan người nước ngoài duy nhất của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tên ông được đặt cho một tuyến phố ở Hà Nội.
Ông còn mời các nhà trí thức hàng đầu như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Trương Tửu… mở các lớp văn hóa kháng chiến ở Quần Tín (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để đào tạo cán bộ văn hóa cho đội ngũ kế cận. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã trưởng thành từ đây như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Bùi Hiển, Vũ Tú Nam, Hoàng Minh Châu, Thanh Hương… Chính điều này khiến đương thời gọi Khu 4 là “căn cứ địa văn hóa”.
Võ thì đánh dư trăm trận trong cuộc Vạn lý trường chinh cùng Hồng quân Trung Quốc; văn thì nói Truyện Kiều chẳng giấy tờ gì, chẳng ngồi chỉ đứng, khu trưởng đi đi lại lại, nói liền một mạch 6 tiếng đồng hồ không nghỉ, khiến người nghe “khiếp vía”. Đó là hồi ức của ông Trần Hồng Lạc, học sinh Trường Thiếu sinh quân Khu 4, về tướng Nguyễn Sơn.
Nhớ về thiếu tướng Nguyễn Sơn, trung tướng Trần Độ kể lại lần gặp gỡ trước khi Nguyễn Sơn quay lại Trung Quốc năm 1950. Trần Độ hỏi: “Thế về Trung Quốc anh định làm gì?”. Nguyễn Sơn trả lời: “Tao có ý định lập một đoàn kinh kịch. Tao sẽ làm trưởng đoàn dẫn quân đi khắp các nước trên thế giới”. Trần Độ hỏi tiếp: “Thế liệu anh có về Việt Nam diễn không?”. Nguyễn Sơn thẳng thừng: “Đi các nước thì đi chứ tao không thèm về Việt Nam”.
Tàu hỏa đến Trung Quốc, Nguyễn Sơn được đón tiếp trọng thể. Năm 1955, ông được phong thiếu tướng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, là một trong 72 công thần của nước này. Vậy mà, khi biết mình bệnh nặng, không qua nổi, ông có nguyện vọng được về yên nghỉ tại Việt Nam và mất ở Hà Nội vào năm 1956. Trung tướng Trần Độ bình luận: “Ra đi quyết không trở lại, mà khi chết lại tha thiết muốn về nước! Đó là cái uẩn khúc của tâm linh con người!”.
Mới đây, trong một dịp sơ kiến ông Nguyễn Cương, con trai thiếu tướng Nguyễn Sơn, tại “Quân khu Nam Đồng”, tôi có nhắc tới chuyện này. Ông Nguyễn Cương trầm giọng: “Khi nói với chú Trần Độ không về Việt Nam là cha tôi nói dỗi. Thực lòng ông không hề muốn rời Việt Nam chút nào!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.