Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần

13/06/2008 02:12 GMT+7

Ngày 12.6.2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đồng chí Võ Văn Kiệt từ trần. Sau đây là Thông cáo đặc biệt; Tiểu sử tóm tắt; Danh sách Ban lễ tang; Thông báo lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt: Xem video clip (VTV) Tính cách của người "Nam Kỳ Khởi Nghĩa

 

 

THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT

BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước

CHXHCN Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn BCH T.Ư Đảng

Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX,

Huân chương Sao vàng,

Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng,

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 7 giờ 40 phút, ngày 11.6.2008, thọ 86 tuổi.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23.11.1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1939, đồng chí vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí làm Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí được giao các nhiệm vụ Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ năm 1955 và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí làm Xứ ủy viên, Phó bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang, Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, đồng chí làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh rồi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, đồng chí được điều về Trung ương công tác.

Hoạt động cách mạng liên tục trên 70 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt với nghi thức Quốc tang.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Danh sách Ban lễ tang đồng chí Võ Văn Kiệt

1- Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban lễ tang.

2- Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

3- Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

4- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

5- Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

6- Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ.

7- Đồng chí Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương.

8- Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

9- Đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

10- Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ.

11- Đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

12- Đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

13- Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

14- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

15- Đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội.

16- Đồng chí Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

17- Đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

18- Đồng chí Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

19- Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

20- Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ.

21- Đồng chí Hà Thị Khiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

22- Đồng chí Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

23- Đồng chí Võ Hồng Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

24- Đồng chí Trần Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

25- Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

26- Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

27- Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

28- Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

29- Đồng chí Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

30- Đồng chí Trương Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

31- Đồng chí Phan Tấn Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

32- Đồng chí Trương Quốc Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang.

33- Đồng chí Võ Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau.

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc tỉnh Gia lai năm 1996 - Ảnh: Tư liệu

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam năm 1994 - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Đồng chí Võ Văn Kiệt chúc mừng cầu thủ U.21 Báo Thanh Niên - Ảnh: Ngọc Hải

Tóm tắt tiểu sử đồng chí Võ Văn Kiệt

Đồng chí Võ Văn Kiệt; tên khai sinh là Phan Văn Hòa; bí danh: Sáu Dân.

Sinh ngày 23.11.1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11.1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1941 đến năm 1945, đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá.

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ.

Năm 1950, đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Năm 1955, đồng chí được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang.

Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1970.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng. Là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ).

Năm 1972 đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức BCH T.Ư Đảng khóa III.

Từ năm 1973 đến 1975 đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn.

Năm 1976 đồng chí làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu lại vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3.1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12.1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2.1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch Thường trực rồi Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6.1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; sau đó, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8.1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6.1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH T.Ư Đảng, được BCH T.Ư Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Từ tháng 12.1997 đến tháng 4.2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

  

THÔNG BÁO
lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt

Tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.

Linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt quàn tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ 8 giờ, ngày 14.6.2008 đến 8 giờ 30 phút, ngày 15.6.2008.

Lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ 9 giờ, ngày 15.6.2008.

Lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội và tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 14 và ngày 15.6.2008), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

BAN LỄ TANG

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.