Nguyễn Văn Học nâng niu vị muối của tâm hồn

29/05/2021 08:30 GMT+7

Miền thánh đợi , tập sách của Nguyễn Văn Học vừa được NXB Văn học cho ra mắt vào quý I/2021, tuyển chọn 40 truyện ngắn nằm trong các tập, từ tập đầu tiên Những cô gái bất hạnh cho đến những truyện vừa sáng tác gần đây của tác giả.

Nguyễn Văn Học, đang làm việc tại báo Nhân Dân, là cây bút trẻ 8x sở hữu gần 20 đầu sách. Sức trẻ, sự nhạy bén của nghề làm báo đã cho anh lợi thế, tiệm cận với các đề tài khá nóng hổi, góp phần sinh động những trang văn của mình. Miền thánh đợi đã cho thấy một Nguyễn Văn Học đầy năng lượng, luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, những bi kịch tinh thần của con người, đặc biệt là bi kịch của thế hệ trẻ trong đời sống đương đại.

1.

Miền thánh đợi là sự kết hợp khéo léo, hợp nhất của hai góc nhìn: góc nhìn nhà báo và góc nhìn nhà văn. Hiện thực đời sống (góc nhìn nhà báo) và trí tưởng tượng (góc nhìn nhà văn) xâu chuỗi, biểu đạt những góc khuất trong sâu thẳm tâm hồn của con người, mở ra những điểm nhìn đa trị. Chất liệu tác phẩm được Nguyễn Văn Học lấy từ đời sống nông thôn đến đời sống thành thị, phản ánh sự xâm thực, ảnh hưởng lối sống thành thị đối với đời sống nông thôn, sự mai một của vẻ đẹp truyền thống. Các nhân vật của anh làm đủ nghề như kinh doanh bất động sản, xây dựng, nhậu thuê, làm đĩ, mẫu make up... Họ đứng giữa nhiều ngả tốt xấu, bị biến dạng, tha hóa nhân tính bởi sức mạnh của đồng tiền, vòng xoáy của quyền lực như Xường, Lục, sếp, cô chủ, cậu chủ…
Đặc biệt, trong Miền thánh đợi, Nguyễn Văn Học chú ý đến bi kịch gia đình. Xuất phát từ chính những mâu thuẫn, giằng xé giữa hai mặt trong con người, giữa các thành viên, giữa con người và môi trường xung quanh, khiến con người rơi dần vào ngõ cụt, cô đơn và tuyệt vọng. Trong truyện, bi kịch của người phụ nữ chạy theo đồng tiền vì phải lo cho gia đình và lo cho mình, nên con đường vào đời của họ cũng thật bi đát, dung chứa quá nhiều vết thương như Nhàn, Lệ, Vy, Vân… Nguyễn Văn Học đã đẩy bi kịch cá nhân đến bi kịch của thời đại về trong một điểm chung: cô đơn, bất lực và tuyệt vọng. Đặt nhân vật vào nhiều vai diễn, nỗi đau này đến nỗi đau khác dồn dập, rồi từ chính vết thương, từ sự vấp ngã, anh để họ tự điều chỉnh, tự tìm ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

2.

Truyện của Nguyễn Văn Học đa phần xây dựng theo mô hình, bên trong và bên ngoài, tốt và xấu, vui và buồn, quá khứ và hiện tại, lí trí và bản năng, vị tha và ích kỷ… nhưng sự chuyển dịch giữa các thái cực đó khá tinh tế, phù hợp với những chuyển động tâm trạng của con người. Đối diện với những phân mảnh của cuộc sống, nhiều khi bị xói mòn, dẫn đến nhấn chìm, tuyệt vọng, song lại câu thúc con người, không ngừng vật lộn, đấu tranh chống lại những bất toàn, khẳng định bản lĩnh. Trong sai lầm, nhân vật của anh có chiều sâu hơn khi phô bày những day dứt, tự vấn với chính bản thân mình. Lợi đã nhận ra những nghiệt ngã, đớn đau của số phận từ chính hoàn cảnh gia đình mình: “Bi kịch của người nghèo không ác liệt bằng bi kịch của… nhà giàu". Càng rơi vào bi kịch, con người càng khó tìm điểm tựa. Những mảnh vỡ của cuộc sống cho Hân bài học lớn lên: “… cuộc sống này có những khoảng trống không thể lấp đầy. Kể cả những ước vọng, không thể lấy tiền tài để trải lên những bước đi đến với hạnh phúc". Nếu hiện tại thử thách lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng của con người thì quá khứ, truyền thống tốt đẹp cho con người sợi dây để nắm vào đó mà bắt đầu làm lại cuộc đời hoặc tiếp thêm năng lượng cho hành trình còn lắm nỗi truân chuyên: “Kí ức vì thế xứng là một loài hoa được chơi phổ biến và tôn sùng". Gửi gắm triết lý đời sống thông qua những cuộc day dứt tâm thức của các nhân vật, một mặt Nguyễn Văn Học gia tăng sức nặng, cái nhìn đa chiều cho tập truyện, mặt khác, mượn triết lý làm chỗ dựa, giúp con người tự ứng biến, tự thích nghi, tự điều chỉnh chính mình cho phù hợp với cuộc sống.

3.

Nguyễn Văn Học đặt tên cho tập sách của mình là Miền thánh đợi, đó là một dụng ý nghệ thuật. Khi con người tự làm nhạt mình vì sức mạnh của đồng tiền, các mối quan hệ, diễn đủ các vai, đeo đủ các mặt nạ... thì cái nghèo, ký ức, quê nhà, trở thành món hàng xa xỉ. Lúc này, đức tin có nhiệm vụ cứu rỗi tâm hồn. Chúa vẫn ở phía trước, lộng lẫy, ban thêm sức mạnh giúp con người chiến đấu con quỷ sa tăng bên trong mình. Miền thánh ấy là thiên đường để con người sống với nhau bao dung, nhân ái hơn. Nhưng, liệu tình yêu thương và sự hy sinh của Chúa có thể hoán cải trái tim đầy toan tính của con người, trong khi thực tế cuộc sống là “thời của đĩ điếm, rượu chè và trộm cắp”, thời của “nịnh hót, đểu giả, cạnh tranh, khóc mếu, cười cợt, vô nhân tính…”, thời luân lý luôn thuộc về tay kẻ mạnh? Nguyễn Văn Học phơi bày những bất trắc xung quanh con người rồi mượn miền thánh, tình yêu của Chúa làm điểm tựa cho con người, giúp con người bớt đi những chống chếnh, trống trải. Dẫu chỉ là niềm tin, nhưng chí ít, cho con người cảm giác an toàn, thanh thản.

4.

Nhiều truyện của Nguyễn Văn Học lấy thiên nhiên làm nhân vật chính, làm người kể chuyện, và kiểu đặt nhan đề gắn với một sinh mệnh của thiên nhiên như Tiệc xuân, Nhạc cây, Nhẫn hoa, Vịn vào ngọn lúa bay lên, Ngã lên cỏ thơm… đã xác tín vai trò quan trọng của thiên nhiên đối với con người, nhờ có thiên nhiên mà con người ngẫm suy về vị trí, trách nhiệm của mình. Mang những chấn thương tinh thần, các nhân vật của anh tìm về với thiên nhiên mong xoa dịu nỗi cô đơn, buồn đau, đồng thời nhận ra sự bé nhỏ, ích kỷ, hẹp hòi của mình. Đặt con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, đan cài giữa gìn giữ, bảo vệ và hủy diệt, tàn phá, trân quý và coi thường, cũng là giải pháp để các nhân vật tự hóa giải bi kịch của chính mình, làm đẹp bản ngã và suy ngẫm về đời sống. Thiên nhiên vì thế trở thành chất liệu nghệ thuật, là biểu tượng về cái đẹp, sự thanh sạch trong văn của Nguyễn Văn Học.
Nhìn vào sự bất an, nhiễu nhương, hỗn loạn của cuộc sống, Nguyễn Văn Học đặt ra những vấn đề mang tính thời đại: thân phận con người, giá trị văn hóa truyền thống, chỗ đứng của thiên nhiên… Những tầng bậc này trỗi lên, làm mờ một số truyện còn nhẹ, thiếu đầu tư, kết cấu cũ, lối kể truyền thống cho tập sách. 40 truyện ngắn tuyển chọn trong Miền thánh đợi đủ để người đọc nhận ra sự hài hòa giữa giọng văn riêng, ấm áp, mượt mà, đậm chất thơ với giọng văn chua chát, đắng đót, lạnh lùng của anh. Nhiệt huyết, táo bạo với các đề tài nhạy cảm, những vấn đề nhức nhối của xã hội, không chỉ ở tuyển này mà còn ở những tập sách khác của anh, cùng với ý thức “giữ lấy vị muối của tâm hồn”, ít nhiều đã ghi nhận, khẳng định tâm huyết của Nguyễn Văn Học đối với văn chương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.