Nhà bền tại người

02/09/2011 08:36 GMT+7

(TNTS) Nhà bền bởi cấu trúc và nội thất chắc chắn, ít phải thay đổi theo thời gian. Nhà bền còn do yếu tố phong thủy được giữ gìn để nội khí trong nhà không hao tán, không suy thoái trong quá trình sử dụng. Ở đây vai trò của gia chủ luôn quan trọng, bởi vì họ là người khởi đầu ý tưởng làm nhà và trực tiếp sử dụng công trình, nhà chuyên môn chỉ hỗ trợ khi cần thiết bảo trì.

* Bao nhiêu là đủ bền?

Khác với ngôi nhà truyền thống theo lối "ăn chắc mặc bền", ngôi nhà hiện đại có đặc điểm là bị biến đổi nhanh theo thời gian. Một phần là do sự biến đổi của môi trường xung quanh (ngoại cảnh) như cư dân ngày càng đông đúc, xây chen kín mít, đường sá ồn ào, hạ tầng kém… một phần là do chính bản thân gia chủ còn dễ dãi, tùy tiện trong quá trình sử dụng và bảo trì .Vì thế, lúc gia chủ dọn vào ở và sử dụng ngôi nhà - xét về phong thủy - chính là lúc họ bắt đầu thích ứng và tự điều chỉnh, kiềm chế bản thân, giảm xa hoa phung phí trong mua sắm vật dụng. Bao nhiêu là đủ? Tinh thần kiệm trong kiến trúc truyền thống Việt Nam cho ta câu trả lời: những không gian thuần khiết, thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, tiết chế về màu sắc và vật liệu, ít ngăn chia... luôn đem lại một môi trường sống hài hòa (hình 1, 2).

 

Ta biết tuổi thọ công trình luôn có giới hạn nhất định. Công trình sau quá trình sử dụng sẽ biết nhược điểm của ngôi nhà ở đâu, vào thời điểm nào để khắc phục. Ví dụ, nhà chống thấm kỹ lưỡng, nhưng ở vị trí gặp hướng nắng gắt, mưa nhiều, sau một thời gian vẫn bị ngấm dột. Lúc này, điều kiện và cảnh quan thực tế sẽ giúp gia chủ xem xét cần phải làm thêm mảng che chắn, chống thấm ở đâu sao cho không ảnh hưởng đến cấu trúc nhà.

* Khéo giữ nội khí bền lâu

Ngay từ xưa khi chưa có các kỹ thuật hiện đại, cha ông ta đã truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm về chỉnh trang - bảo trì nhà cửa qua một số đúc kết sau:

- Tránh không ảnh hưởng đến hệ kết cấu của ngôi nhà. Có thể sơn phết, thay đổi màu sắc, gia cố hoặc thay mới các chi tiết bị cũ hay bị hư hỏng. Nếu có nhu cầu lên tầng hay mở rộng thì cần phải nghiên cứu kỹ hệ kết cấu hiện hữu, hoặc dùng kết cấu nhẹ. Ví dụ như hệ thống khung trần, vách bằng thạch cao hiện nay đem lại hiệu quả hơn là dùng tường xây gạch đối với các ngăn chia nhẹ nhàng (hình 3).

 
Ảnh: Nguyễn Hưng

- Khi nhà có khuôn viên, cần hoạch định đất dự trữ phát triển sau này (ở, kinh doanh, con cái ra riêng…) để tránh tình trạng "đất rộng mà nhà chật" do phải cơi nới, ảnh hưởng đến bố cục và việc Phân Cung - Điểm Hướng vốn có.

- Khi sửa chữa bảo trì, cần lưu ý những phần trên cao và đằng sau (Tu Sơn) làm trước để bình ổn chỗ dựa. Căn cứ theo Trung Cung để biết các khu vực trước sau, từ đó đề ra giải pháp phù hợp. Những hướng thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết (nắng gắt, mưa, ẩm) nên chú ý bảo trì, che chắn nhiều hơn. Ví dụ như sân phơi hay trồng cây cảnh, trồng rau tại nhà không nên để " trơ " ra nắng mưa, mà có thể làm mái vòm, mái che di động sẽ hợp lý hơn.

- Khi gắn thêm thiết bị (máy lạnh, quạt hút…) cần xem xét sự ảnh hưởng của chi tiết đến toàn thể. Tốt nhất là các chi tiết được dự trù từ đầu để khi bảo trì sẽ thuận lợi và giảm bớt tác động vào ngôi nhà (như đục tường, nối đường ống…). Cũng có thể làm thêm các chi tiết phụ để giúp hệ thống trang thiết bị hài hòa hơn với nội khí nhà.

KTS Hà Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.