Nhà cao tầng “đuổi” xe ra đường

14/06/2010 02:16 GMT+7

Đó là thực trạng tại rất nhiều cao ốc văn phòng cho thuê ở khu vực trung tâm TP.HCM, dù quy định đảm bảo số chỗ đậu ô tô tối thiểu đối với các công trình cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng cao cấp... đã được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng...

Vỉa hè thành bãi đậu xe

 

Cao ốc trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM) chiếm dụng vỉa hè làm chỗ đậu xe - ảnh: Lê Nga

Đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3), đoạn từ ngã tư Điện Biên Phủ đến giao lộ Võ Thị Sáu chỉ vài trăm mét nhưng có đến gần cả trăm doanh nghiệp đặt văn phòng tại các tòa nhà cao tầng hai bên đường. Hằng ngày, ô tô và xe máy của các nhân viên, lãnh đạo, cộng với khách hàng ra vào giao dịch tấp nập, trong khi bãi đậu của chục tòa nhà cao tầng tại đây quá khiêm tốn nên đã tạo ra khung cảnh lộn xộn, thường xuyên gây ùn ứ giao thông.

9 giờ sáng, chúng tôi đến tòa nhà Sài Gòn Khánh Nguyên (63 Phạm Ngọc Thạch, Q.3), vừa định đưa xe gắn máy vào gửi ở bãi giữ xe trong tầng hầm, chúng tôi chạm ngay một tấm bảng ghi dòng chữ: “Hết chỗ”. Chúng tôi đành đẩy xe qua gửi ở một bãi giữ xe gắn máy của tòa nhà đối diện lúc này cũng chật kín xe, chiếm trọn vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch. Đó là tòa nhà Green Star (70 Phạm Ngọc Thạch) đang có 33 doanh nghiệp thuê trụ sở hoạt động. Tòa nhà này có tầng hầm để xe nhưng dành hết cho xe gắn máy mà vẫn chưa đủ, tràn hết cả vỉa hè phía trước, nên xe hơi phải ra gửi ở Công viên Lê Văn Tám.

Tiếp xúc với một quản lý của tòa cao ốc, chị này trần tình: “Thiếu chỗ đậu xe là tình trạng chung của toàn thành phố chứ không riêng gì chỗ này. Công an đi tuần tra cũng làm dữ lắm, xe hơi đậu dưới lòng đường là bị phạt vì chỉ đậu một chút là ách tắc giao thông. Chúng tôi mong muốn thành phố sớm xây dựng bãi đậu xe để giải quyết tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe”. Khi được hỏi về việc chuẩn bị chỗ đậu xe khi xây dựng cao ốc, vị này cho biết cơ quan chức năng chỉ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, chất lượng công trình, không yêu cầu chỗ đậu xe. Bản thân doanh nghiệp cũng không thể tính được cần bao nhiêu diện tích để đậu xe nên mới gây nên tình trạng thiếu hụt.

 

Xe đậu 2 hàng, sai quy định trước cửa Central Park trên đường Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM)

Đường Nam Quốc Cang (Q.1) đoạn từ Bùi Thị Xuân đến Nguyễn Trãi lòng đường chỉ vừa hai làn ô tô càng trở nên chật chội hơn khi có các cao ốc cho thuê làm văn phòng xuất hiện. Hầu hết xe hơi của người đến các tòa nhà liên hệ công việc đều đậu chiếm lòng lề đường. Từ cuối năm 2005, khi tòa nhà Central Park được đưa vào sử dụng ở góc Nguyễn Trãi - Nam Quốc Cang, lượng xe đổ về con đường này càng nhiều hơn, thường xuyên đậu kín luôn phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Cộng với việc thành phố chính thức thu phí đậu xe trên nhiều tuyến đường ở trung tâm nên nhiều tài xế, kể cả tài xế taxi khi rảnh rỗi cũng đổ về đây, làm tuyến đường trở nên quá tải nghiêm trọng. Chuyện ùn tắc xảy ra như cơm bữa...

Đường Lê Thị Riêng (Q.1) cũng không khá hơn. Một doanh nhân từng thuê cao ốc ở con đường này làm văn phòng cho biết sau một thời gian ông đành phải chuyển ra quận ven trung tâm vì chỗ để xe máy chật chội, xe hơi thì... “bó tay”.

Vì lợi nhuận, bất chấp quy định?

Nhà đầu tư không bảo đảm quy chuẩn về chỗ đậu xe là vì lợi nhuận. Thường các cao ốc xây tầng hầm để giữ xe, nhằm tận dụng tầng nổi cho thuê, nhưng đầu tư tầng hầm rất tốn kém nên họ chỉ làm cho có. Nếu anh sợ tốn tiền đầu tư tầng hầm thì dành diện tích tầng nổi để xe, chứ không thể “ăn gian” diện tích cho thuê, để xe tràn ra đường gây hệ lụy ùn tắc, kẹt xe cho xã hội. Sở Xây dựng phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra vấn đề này

Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM

Tiêu chuẩn về đảm bảo số chỗ đậu ô tô tối thiểu đối với các công trình cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng cao cấp... đã được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành tháng 4.2008. Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, ngay cả chỗ đậu xe máy tại nhiều tòa cao ốc ở khu vực trung tâm TP còn thiếu, chứ đừng nói đến chỗ đậu ô tô.

Thực tế, có rất nhiều tuyến đường ở khu trung tâm Q.1 vốn nhỏ hẹp, tập trung nhiều cơ sở dịch vụ thương mại nay cao ốc văn phòng cho thuê mọc lên ồ ạt... khiến ùn tắc càng nghiêm trọng, như: Sương Nguyệt Ánh, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Lê Lai... Có đến 90% số cao ốc văn phòng cho thuê chúng tôi đi khảo sát đều thiếu chỗ đậu xe dù công suất vẫn chưa hết.

Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Minh Triết, Phó ban Quản lý cao ốc Khánh Nguyên, cho biết phía trước cửa cao ốc có chỗ cho ô tô đậu, nhưng chủ yếu ưu tiên cho khách hàng đến liên hệ giao dịch với ngân hàng đang thuê trụ sở hoạt động tại đây. “Cao ốc đủ chỗ đậu xe gắn máy cho nhân viên và khách hàng vì có tầng hầm và tầng lửng”, chị Triết nói. Trong khi đó, anh Linh, nhân viên một công ty thuê trụ sở tại tòa nhà này, than thở: “Bãi đậu xe ô tô đặt trước mặt tiền tòa nhà chỉ đậu vừa đủ 6 chiếc xe du lịch, trong đó có một chỗ cố định cho xe của ông chủ tòa nhà. Thường xe của nhân viên, lãnh đạo hoặc khách đến giao dịch phải đem xe qua Công viên Lê Văn Tám cách đó vài trăm mét để gửi có thu phí. Gửi xe ở đó dù có thu phí nhưng cũng không yên tâm vì họ chỉ thu phí đậu xe chứ không giữ xe, vừa làm vừa nơm nớp lo sợ bị bọn xấu tháo phụ tùng xe như chơi”.

Còn tại cao ốc Central Park trên đường Nguyễn Trãi, chủ doanh nghiệp cũng quả quyết: “Cao ốc của chị đảm bảo chỗ đậu xe cho tất cả các doanh nghiệp thuê ở đây. Xe hơi thì chị thuê thêm bãi đậu xe bên nhà thờ Huyện Sĩ. Chị còn thuê cả bãi xe bên công viên đối diện nên không có chuyện khó khăn về chỗ đậu xe”. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Xe hơi đậu tràn ra cả lề đường, lấn chiếm hết cả vỉa hè của cao ốc”, chủ doanh nghiệp khẳng định: “Xe của chỗ khác đến đậu vì con đường này cho đậu xe, chứ không phải xe của các doanh nghiệp thuê ở đây”. Thế nhưng, ngược lại hoàn toàn với lời khẳng định của chủ cao ốc, một bảo vệ tại đây cho biết: “Tất cả xe hơi đậu chen chúc nhau, chiếm hết mặt tiền và vỉa hè bên phải là xe của các công ty thuê ở đây. Ở bên nhà thờ Huyện Sĩ có chỗ nhưng họ cứ thích đậu ở đây vì có người giữ, nên lúc nào cũng quá tải, rất mệt”.

Anh Nhân, tài xế Công ty Aecom tại tòa nhà Central Park trên đường Nguyễn Du (Q.1) lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi đề cập đến chỗ đậu xe: “Tìm chỗ đậu xe ở khu vực này khổ lắm anh, chị ơi!. Muốn có chỗ đậu xe, tôi thường phải đến công ty sớm, đến trễ là phải lái xe chạy lòng vòng tìm chỗ khác đậu. Phần đường này cho đậu xe nhưng chỉ được một chiếc xe sát lề đường, nhưng anh chị thấy đó, xe hơi đậu thành hai làn, chiếm hết cả đường đi. Gặp công an phạt vài trăm ngàn như chơi”.

Còn chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ Q.Tân Phú) nghe nhắc đến chỗ đậu xe của cao ốc văn phòng đã trợn mắt khiếp hãi: “Nhà báo cứ thử vào vai khách hàng đi mới thấy khổ. Một lần, tôi đến làm việc với khách hàng ở một cao ốc khu vực Q.1, họ không nhận gửi xe gắn máy nên phải chạy vòng vèo khắp các con đường lân cận tìm chỗ gửi vẫn không được. Cuối cùng, đành phải liên lạc hẹn khách hàng ra quán cà phê gần đó giao dịch. Lần khác, tôi phải nhờ đến sự can thiệp của giám đốc doanh nghiệp thuê văn phòng tại một cao ốc trên đường Phạm Ngọc Thạch mới đem được xe vào bãi gửi trong cao ốc, sau hơn 30 phút chạy dưới cái nắng đổ lửa không tìm được nơi nhận giữ xe máy tay ga”...

Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.