Nhà đầu tư bất an trước tuần giao dịch mới

Mai Phương
Mai Phương
08/03/2021 06:29 GMT+7

Tình trạng nghẽn lệnh trong các phiên giao dịch gần đây tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày càng trầm trọng và không theo quy luật nào khiến nhà đầu tư cá nhân bị thiệt hại, bất an.

Nơm nớp mua cổ phiếu

Thay vì chỉ nghẽn lệnh trước khi đóng cửa phiên buổi chiều hoặc sát đợt giao dịch định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) thì gần đây, sàn HOSE đã bị lỗi ngay trong buổi sáng. Chẳng hạn trong phiên cuối tuần qua ngày 5.3, chỉ sau khi thị trường mở cửa giao dịch không bao lâu thì bảng điện tử đã bị “đơ”, nhiều cổ phiếu (CP) không hiển thị giá ngay tức thì... khiến các nhà đầu tư (NĐT) không thể theo dõi kịp. Điều này khiến nhiều người lo lắng khi bước vào tuần giao dịch mới.
Anh Nguyên Kha, một NĐT lâu năm tại TP.HCM, chia sẻ khi CP HBC vượt lên trên 18.500 đồng/CP trong phiên ngày 3.3, đã có lãi, anh quyết định bán ra nhưng lệnh bán chỉ khớp nhỏ giọt nên anh chỉ bán thành công chưa được một nửa số CP đang có. Đến ngày 4 - 5.3, HBC quay đầu đi xuống dưới 18.000 đồng/CP, cần tiền anh vẫn phải bán. Nhưng việc bị “kẹt” lại gần 10.000 CP do lệnh bị nghẽn khiến anh bị lỗ gần 1.000 đồng/CP, tương đương gần 10 triệu đồng.
Anh Kha bức xúc cho biết, có những lệnh mua CP cũng không thể nào khớp được vì cứ đến phiên buổi chiều là sàn HOSE bị lỗi, chỉ giao dịch nhỏ giọt. “Thông thường khi theo dõi thị trường thì mình hay mua vào gần cuối đợt khớp lệnh định kỳ để có giá tốt nhất hoặc CP nào có thanh khoản mạnh. Nhưng do không mua được nên đã bỏ mất nhiều cơ hội. Trong lúc thị trường tăng điểm liên tục, chỉ cần mua chậm một phiên là NĐT đã phải bỏ ra thêm hàng chục triệu đồng. Hơn nữa, mua giá cao thì nguy cơ thua lỗ càng tăng vì không ai biết diễn biến thị trường khi CP về đến tài khoản sẽ như thế nào”, anh Kha nói.
Theo anh T.Hải, hiện nay giao dịch CP trên HOSE luôn trong tình trạng bất an. Đặt lệnh rồi không thể an tâm đi làm việc khác mà anh phải “canh” suốt phiên giao dịch để đảm bảo lệnh khớp hay chưa. “Thà rằng HOSE gặp vấn đề và cho ngừng giao dịch hẳn vài hôm để khắc phục xong còn tốt hơn là mua bán trong tình trạng lo lắng như hiện nay”, anh Hải nói.
Cũng vì không yên tâm, nhiều NĐT đã chuyển sang giao dịch trên sàn Hà Nội (HNX) và trên UPCoM khiến cho nhiều CP trên 2 sàn này trong các phiên cuối tuần qua tăng vọt cả về giá lẫn khối lượng giao dịch. Chẳng hạn trong phiên ngày 4.3, sàn UPCoM tổng cộng có khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục 108 triệu CP với giá trị giao dịch 1.700 tỉ đồng, gấp đôi so với giá trị giao dịch bình quân trước đó.

Phải quyết liệt để xử lý giao dịch trên HOSE

Trong tuần qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã hướng dẫn để thực hiện việc chuyển một số CP từ sàn HOSE sang giao dịch trên HNX nhằm giảm tải. Giải pháp này nhận được nhiều sự ủng hộ của NĐT lẫn các chuyên gia tài chính để chờ đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động. Nhưng việc chuyển giao dịch một số CP lại khó thực hiện sớm vì theo hướng dẫn của UBCKNN, các doanh nghiệp niêm yết phải lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này và đây là quy trình cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, để các công ty chứng khoán đáp ứng thay đổi về kỹ thuật nhằm nhận diện thêm CP trên bảng giao dịch mới của HNX; hay đáp ứng việc quản lý luồng giao dịch/thanh toán của nhóm các CP chuyển giao dịch... mất khá nhiều thời gian, từ 1 đến hơn 2 tháng mới hoàn thành. Thậm chí có công ty cần từ 6 - 9 tháng để phát triển, thử nghiệm. Do đó, việc chuyển giao dịch một số CP từ HOSE sang HNX sẽ không thể sớm hơn 2 tháng nữa.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, giải pháp này là ít ảnh hưởng đến NĐT và quyền lợi, nghĩa vụ của các công ty niêm yết nhất. Do đó, UBCKNN nếu muốn thực hiện nhanh hơn thì có thể không cần công ty niêm yết phải lấy ý kiến cổ đông để tránh trường hợp các cổ đông không đồng ý. Thay vào đó, HOSE tự động tách một số CP thành bảng giao dịch riêng sang HNX vì các quy định, điều kiện niêm yết hay giao dịch vẫn giữ nguyên như sàn HOSE. Còn hệ thống xử lý giữa 2 sở giao dịch với các công ty chứng khoán được xem là chuyện nội bộ thì có thể đẩy nhanh hơn. Nhưng TS Thuận cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là NĐT đang cần thấy thiện chí khắc phục từ HOSE cũng như mong chờ Chính phủ có chỉ đạo để các đơn vị liên quan quyết liệt khắc phục sự cố này. Càng kéo dài lâu, không chỉ NĐT bị thua lỗ mà cả thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam cũng bị thiệt hại nặng nề.
“Đây là hệ quả của việc lệ thuộc khi mua hệ thống công nghệ thông tin từ đối tác ngoại. Doanh nghiệp phải tự làm chủ về kỹ thuật và quan trọng nhất là quản lý dữ liệu mới tránh được những rủi ro phát sinh. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ trong nước giờ đã lớn mạnh về quy mô, trình độ kỹ thuật và đã thực hiện cho nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài thì cũng hoàn toàn đảm bảo khả năng cung ứng được các giải pháp, hệ thống giao dịch tài chính cho nhu cầu của công ty trong nước”.

Ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TMA Solutions
Còn dưới góc độ một tập đoàn phần mềm hàng đầu tại Việt Nam, ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TMA Solutions, nhận định do người bên ngoài không tiếp cận được đầy đủ thông tin về hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE nên sẽ khó đánh giá và đưa ra được giải pháp xử lý cụ thể. Quan trọng nhất là bản thân các lãnh đạo HOSE cũng đã có nhận định hệ thống giao dịch từ Thái Lan đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường trong dài hạn nên hơn 10 năm trước đã bắt đầu tìm kiếm một hệ thống mới thay thế. Vì vậy mới có câu chuyện cuối năm 2012 HOSE chính thức ký hợp đồng triển khai hệ thống công nghệ mới với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Nhưng tại sao đến nay hệ thống mới vẫn chưa thể đưa vào hoạt động? Hệ thống giao dịch của Thái Lan cung cấp có chuyển giao để HOSE toàn quyền xử lý hay không? Nếu không được chuyển giao thì hiện nay muốn nâng cấp, chỉnh sửa đều phải chờ đợi đối tác Thái Lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.