'Nhá máy' công an - Kỳ 2: Liên tục quấy rối 113

18/09/2013 11:00 GMT+7

Trong khi trực ban hình sự ở công an phường bất an vì bị “nhá máy” quấy rối thì tổng đài của lực lượng phản ứng nhanh Công an TP.HCM cũng không thể yên tâm tiếp nhận thông tin phục vụ công tác từ các cuộc gọi đến.

'Nhá máy' công an - Kỳ 2: Liên tục quấy rối 113

Tổng đài cảnh sát 113 thường xuyên bị quậy phá - Ảnh: Đàm Huy

Tại tổng đài Cảnh sát (CS) 113 - Công an TP.HCM có hàng chục điện thoại (ĐT) bàn, trong đó nhiều ĐT chuông reng liên hồi. Khi chúng tôi đến, đại úy Lê Trung Trực, cán bộ Tổ thông tin thuộc Đội tham mưu thậm chí không còn thời gian để tiếp xúc báo chí.

Tin “vịt” và những lời rủ rê

 

9 tháng nhận 6.684 tin quậy phá  

Từ tháng 11.2012 - 7.2013, tổng đài 113 của Phòng Cảnh sát 113 Công an TP.HCM đã tiếp nhận 13.818 cuộc gọi đến báo tin; trong đó có 7.134 tin liên quan đến an ninh trật tự, 2.831 tin tai nạn giao thông, 3.275 tin đánh nhau gây rối trật tự công cộng, 140 tin cướp giật, 5 tin cướp xe, 288 tin trộm cắp tài sản, 137 tin cháy, 22 tin phát hiện người chết... và 6.684 tin quậy phá, không nội dung.

“Trung bình mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi ĐT đến số 113 quậy phá làm ảnh hưởng đến công tác trực ban, chiến đấu của chúng tôi”, đại úy Trực nói. Trong hàng ngàn cuộc gọi chọc phá, có nhiều cuộc gọi đến báo tin giả đã khiến CS 113 phóng “bạt mạng” đến hiện trường nhưng cuối cùng xác minh, đó chỉ là tin “vịt”.

Cách đây vài ngày, lúc nửa đêm, anh Trực bỗng nhận được cuộc ĐT ở đầu dây bên kia với giọng hốt hoảng: “Có phải Cảnh sát 113? Ở quán nhậu gần cầu Phạm Văn Chí (Q.6), có 2 nhóm thanh niên cầm dao, mã tấu chém nhau làm một người bị thương nặng nằm bất tỉnh cần phải đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng có nhóm người vẫn cầm mã tấu hung hăng đòi chém nạn nhân nữa...”. Trong tình thế cấp thiết này, anh Trực đã điều động 4 CS 113 của Đội 2 đến hiện trường. Nhưng khi lực lượng này có mặt thì không thấy dấu vết gì cho thấy mới xảy ra đánh nhau. Hỏi người dân, tổ công tác mới hay tin “vịt”. Khi anh Trực truy hỏi lại nơi báo tin thì họ cũng tắt máy.

Chiều 17.9, chúng tôi chứng kiến trong vòng 15 phút đã có đến 5 cuộc gọi mà khi CS 113 nhấc máy thì... chỉ nghe đầu dây bên kia phát ra tiếng cười, điệu nhạc rồi cúp máy. “Từ đầu năm đến giờ, chỉ riêng tôi đã phải tiếp hàng trăm cuộc quậy phá, từ chửi bới, đe dọa đến rủ đi uống cà phê, đi nhậu...”, một trực ban tên H. cho biết.

Cần xử lý nghiêm

Tiếp xúc với Thanh Niên, đại úy Nguyễn Trần Ngọc Hòa, Đội trưởng tham mưu, cho biết những năm trước đây, trung bình mỗi năm có từ 50.000 - 60.000 cuộc gọi quậy phá, báo tin giả, tin không có nội dung… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác trực ban, chiến đấu của CS 113. Thời điểm đó do hầu hết các cuộc gọi đều sử dụng sim rác (không sử dụng giấy CMND đăng ký để mua sim đúng theo quy định) nên gây không ít khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Trước tình hình đó, cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, Công an TP.HCM đã đề nghị Bộ Công an trang bị cho Tổng đài CS 113 hệ thống quản lý các cuộc gọi. Hệ thống này có chức năng ghi âm nội dung cuộc gọi, lưu giữ số điện thoại, ngăn chặn các số ĐT nhiều lần gọi đến quậy phá và một số biện pháp nghiệp vụ khác để truy tìm xử lý người quậy phá, nhờ vậy đã giảm được đáng kể. Tuy nhiên, theo thống kê, từ đầu năm đến nay CS 113 vẫn phải “tiếp” gần 7.000 cuộc chửi bới, báo tin giả, nhá máy... Trong đó đa số là các cuộc gọi từ sim rác.

“Những người quậy phá phần lớn đều là người ít hiểu biết pháp luật, nhận thức xã hội chưa cao. Tuy nhiên hành vi quậy phá này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thi hành nhiệm vụ của cơ quan công an nên cần phải được xử lý thật nghiêm mới đủ sức răn đe”, một cán bộ Công an TP.HCM đề nghị.

Đàm Huy 

>> ‘Nhá máy’ công an  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.