Nhưng trong lúc DTW “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện đúng các thỏa thuận đã ký với nhà đầu tư” thì ngược lại, UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo: “Hợp đồng giữa UBND tỉnh và DTW không phù hợp với quy định của pháp luật... Đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh Tiền Giang được tạm ngưng thực hiện hợp đồng”.
|
Có nước nhưng thiếu đường ống
Theo hợp đồng đã ký với UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2009 DTW khởi công xây dựng một nhà máy cấp nước và hệ thống chuyển tải với công suất 90.000m3/ngày theo hình thức xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO), với tổng vốn đầu tư lúc bấy giờ là 1.412 tỉ đồng. Theo thỏa thuận giữa hai bên, khi nhà máy vận hành, tỉnh sẽ bao tiêu toàn bộ nước sạch của DTW với khối lượng 50.000m3/ngày, giá bán sỉ trong 2 năm đầu tiên là 6.000 đồng/m3. Mỗi 2 năm tiếp theo sẽ tăng giá một lần, đến năm thứ 20 thì đạt khối lượng 90.000m3/ngày với giá bán sỉ là 9.308 đồng/m3.
Với lý do giá cả tăng, ngày 25.9.2008, UBND tỉnh Tiền Giang lại ký thêm với DTW một phụ lục hợp đồng để điều chỉnh giá nước trong 2 năm đầu tiên lên 8.000 đồng/m3 và tăng dần mỗi 2 năm. Đến năm thứ 20 thì đạt mức 16.761 đồng/m3, tức là tăng gần gấp đôi so với hợp đồng trước đó.
Để chuyển tải nước sạch từ nhà máy DTW (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) qua chặng đường hơn 45 km về Gò Công, giữa năm 2009 UBND tỉnh Tiền Giang ký tiếp hợp đồng trị giá 328 tỉ đồng với Công ty Great Lead International Limited (Hồng Kông) xây dựng hệ thống đường ống cấp 2 để tiếp nhận, phân phối nước sạch của DTW từ thị xã Gò Công đi các khu, cụm công nghiệp và các vùng dân cư lân cận. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 dự kiến là một năm. Thế nhưng, cho đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai, vì vậy nhà máy nước ngàn tỉ rơi vào tình trạng có nước mà chưa có... đường ống.
“Chữa cháy” không xong...
Trong khi đó, từ đầu năm 2010, DTW đã liên tục ra “tối hậu thư” về thời hạn phát nước. Có lúc DTW còn chốt thời hạn chót là 1.8.2010 “vẫn sẽ phát nước và tỉnh vẫn phải trả tiền đúng theo hợp đồng”, bất kể là có đường ống phân phối nước hay không. Nhưng rồi thực tế nhà máy vẫn tiếp tục bị “trùm mền” cho đến bây giờ, trong lúc nhà đầu tư phải “gồng mình” để trả lãi tiền vay.
Để cứu nguy cho dự án gần 1.500 tỉ đồng khỏi bị phá sản, có lúc tỉnh đã đề xuất phương án “chữa cháy” bằng cách cho đấu nối nguồn nước của DTW vào hệ thống nước sinh hoạt của dân cư, nhưng lại không giải được bài toán về giá. Theo tính toán lúc đó thì trong khi người dân đang sử dụng nước sinh hoạt với đơn giá bình quân là 5.086 đồng/m3, giá bán sỉ của DTW năm đầu tiên là 8.000 đồng/m3 rồi tăng dần lên đến 16.761 đồng/m3. Do vậy, nếu tỉnh phải cấp bù phần chênh lệch này thì mức bù lỗ sẽ lên đến hơn 145 triệu đồng/ngày, tương đương khoảng 4,3 tỉ đồng/tháng và hơn 52 tỉ đồng/năm. Nhưng đây chỉ là mức bù lỗ cho năm đầu tiên, trong khi theo hợp đồng thì cứ 2 năm giá nước được điều chỉnh một lần và khối lượng nước cũng tăng dần cho đến khi đạt công suất 90.000m3/ngày.
Ngày 18.6.2010, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản báo cáo với Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, theo hướng sẽ đàm phán với DTW để tạm dừng đầu tư giai đoạn 2 của dự án, đồng thời sẽ tiếp nhận nước với công suất 25.000m3/ngày trong năm đầu tiên. Mỗi năm tiếp theo sẽ tăng thêm 5.000m3/ngày cho đến khi đạt công suất 50.000m3/ngày. Nếu thực hiện phương án này thì tỉnh phải mua lại nước của DTW với giá 12.700 đồng/m3. Nhưng sau khi cộng thêm chi phí vận hành và phân phối, tổng chi phí tỉnh phải trả trong năm đầu tiên sẽ là 141,8 tỉ đồng, trong khi tổng số tiền thu được từ việc cung cấp nước cho người dân chỉ có 32,4 tỉ đồng/năm. Vậy là phương án khó thực hiện, vì theo tính toán thì ngay trong năm đầu tiên tỉnh phải bù lỗ hơn 109 tỉ đồng. Mỗi năm tiếp theo khi khối lượng nước tăng thêm 5.000m3/ngày, tính ra trong 20 năm tổng số tiền tỉnh phải bù lỗ lên đến 6.203 tỉ đồng.
Rắc rối hợp đồng
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Bộ Xây dựng đã có báo cáo khẳng định nội dung hợp đồng giữa UBND tỉnh Tiền Giang với DTW là phù hợp các quy định về thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn, theo Nghị định 117 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Nhưng Nghị định 117 không quy định hình thức đầu tư nên cần phải xem xét thêm Nghị định số 78 ngày 11.5.2007 (về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT). Tuy không quy định hình thức hợp đồng BOO, nhưng tại khoản 2, điều 1 của nghị định này nói: “Thủ tướng Chính phủ quyết định các hình thức hợp đồng tương tự khác”. Vì vậy việc UBND tỉnh Tiền Giang ký hợp đồng BOO khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp. Nhưng DTW đã hoàn thành nhà máy nước nên trong quá trình Chính phủ xem xét, quyết định về hình thức hợp đồng BOO này, Bộ Xây dựng “đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng với DTW”. Đối với hợp đồng mua bán sỉ nước sạch giữa Công ty cấp nước Tiền Giang với DTW, Bộ Xây dựng cho rằng “đây là hợp đồng đủ tính pháp lý, vì vậy Công ty cấp nước Tiền Giang có trách nhiệm tiếp nhận nguồn nước sạch và thanh toán tiền nước cho DTW đúng như cam kết của hợp đồng”. |
Hoàng Phương
Bình luận (0)