Nhà sư trẻ Minh Giải nặng lòng với văn hóa truyền thống Huế

28/09/2021 15:27 GMT+7

Trước khi xuất gia, sư Minh Giải làm việc tại Hà Nội gần 10 năm. Sau khi trở thành tu sĩ vào tháng 8.2018 tại chùa Huyền Không, nhà sư gắn bó, nặng lòng với văn hóa của đất cố đô bằng nhiều nghiên cứu thú vị.

Nói về việc vì sao chọn chuyên sâu về lịch sử, văn hóa xứ Huế để nghiên cứu, sư Minh Giải - hiện đang là học viên Cao học chuyên ngành Quản lý Văn hóa (khoa Lịch sử, trường ĐHKH - Đại học Huế) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh. Ngay từ nhỏ đã đam mê về lịch sử nước nhà, đó là những câu chuyện tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, có thể giúp cho người trẻ hiểu được nguồn gốc từ đâu ta sinh ra, giữ gìn nét đẹp văn hóa và thông qua đó ứng dụng vào hiện thực đời sống. Vì vậy, để giới trẻ hiểu biết lịch sử sâu sắc chính là một trong những ưu tiên mà những nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, các bậc cha mẹ nên làm”.

Bước chân nhà sư trẻ luôn đi khắp các công trình văn hóa, di tích ở Huế để thực hiện những công trình nghiên cứu rất đam mê của mình

Ảnh: NVCC

Theo sư Minh Giải, lịch sử không chỉ là dữ kiện, không chỉ những con số khô khan trong quá khứ. Và, văn hóa không chỉ là trên những trang giấy mà là những câu chuyện sống động, lý thú, giá trị. Hiểu được điều này, tự thân những người trẻ cũng cần phải nâng cao nhận thức của mình, chủ động học hỏi, tìm hiểu thì mới có được những hiểu biết đúng đắn và phù hợp trong quá trình học lịch sử cũng như bảo tồn, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của lịch sử, văn hóa đất nước.
Từ khi còn là sinh viên cho đến khi xuất gia, vị sư này tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện, từ thiện, văn hóa - văn nghệ. Sư Minh Giải có khoảng thời gian là MC của một số chương trình truyền hình. Năm 2015, sư được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Sao tháng Giêng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Tháng 5.2022, sư Minh Giải sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh cũng về đề tài văn hóa cố đô, đó là đề tài Sự du nhập và phát triển của Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam tông) tại Huế, cũng như ảnh hưởng của Phật giáo Nguyên thủy tới đời sống, nếp sống, văn hóa của con người đất thần kinh. Sư Minh Giải nói: “Để lớp trẻ yêu lịch sử, giữ gìn và kế thừa được nền văn hóa của cha ông, di sản của tổ tiên để lại, trước hết tôi nghĩ chính gia đình, nhà trường là nơi dạy dỗ các bạn từ ban đầu cần chia sẻ, định hướng có phương pháp và hiệu quả về lòng yêu nước, biết tôn trọng lịch sử đất nước, biết nâng niu, gìn giữ những giá trị tốt đẹp về văn hóa mà các thế hệ ông cha đã dày công xây dựng và truyền trao lại cho chúng ta”.

Văn hóa Huế luôn trong tim mỗi người

“Huế trong tôi là một nơi có phong cảnh đẹp, một địa danh nhiều chứng tích văn hóa, lịch sử - nơi ghi dấu vàng son một thưở của các vua chúa. Chẳng có ở nơi đâu ngoài Huế, khi muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa lại dễ dàng đến vậy, không chỉ là qua những trang sách mà còn có thể đến thực tế những nơi mình muốn đến”, sư Minh Giải chia sẻ. Theo nhà sư, con người của xứ Huế cũng thật đặc biệt. Trong mắt sư, họ vất vả, cần mẫn, chịu thương, chịu khó, họ có nghị lực vượt qua khó khăn một cách phi thường nhưng vẫn luôn cố gắng giữ gìn nét đẹp trong nhân cách sống và cách họ giáo dục cho thế hệ sau - “đó là điều mà tôi vô cùng trân trọng”.

Sư Minh Giải mong thời gian tới sẽ có nhiều bạn trẻ tìm về với lịch sử, văn hóa cung đình Huế

Ảnh: NVCC

Thực ra, khi bắt tay vào việc tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xứ Huế, sư Minh Giải có nền tảng là một học sinh chuyên Sử. Ước mơ lớn nhất của vị sư trẻ thời điểm đó là được trở thành một giáo viên dạy Sử hoặc trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Sư Minh Giải tự tin: “Với tâm cầu học và với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những giảng viên đang dạy tôi, những nhà nghiên cứu, những học giả nghiên cứu về Huế mà tôi biết, tôi sẽ có thể làm thật tốt công việc này”.
Hiện sư Minh Giải vui mừng khi thấy nhiều bạn trẻ quay về với lịch sử, văn hóa cung đình và đây là một trong những động lực mạnh mẽ để hồi sinh những nét đẹp văn hóa cố đô trước sự khắc nghiệt của thời gian.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.