Nhà thầu biến mất, cả làng 'khát nước'

11/07/2014 08:45 GMT+7

Gần nửa năm nay, người dân xã Khánh Thượng (H. Yên Mô, Ninh Bình) phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do việc thi công trục đường liên xã làm hỏng hệ thống ống cấp nước sạch.

Gần nửa năm nay, người dân xã Khánh Thượng (H. Yên Mô, Ninh Bình) phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do việc thi công trục đường liên xã làm hỏng hệ thống ống cấp nước sạch.

 Nhà thầu biến mất, cả làng
Tuyến đường thi công bị bỏ dở - Ảnh: Đinh Dụng

Gia đình ông Nguyễn Văn Quốc (thôn Bình Khang) gắn bó với nghề làm đậu phụ đã gần 15 năm nay. Trước đây, gia đình ông chủ yếu sử dụng nước giếng khơi phục vụ sinh hoạt và làm nghề. Đầu năm 2013, ông Quốc lấp giếng khơi, chuyển qua sử dụng nước sạch sau khi dự án nước sạch được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, cuối năm 2013, việc thi công đoạn đường liên xã đã phá hỏng tuyến ống khiến gia đình ông Quốc cũng như nhiều hộ dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện tại, ông Quốc thường xuyên phải mua từng téc nước sạch với giá 70.000 đồng/m3 để ăn uống, giặt quần áo...

“Lúc nhà máy nước cung cấp nước sạch đến tận nhà, mỗi tháng cả gia đình sử dụng thoải mái cũng chỉ hết khoảng 100 ngàn đồng. Bây giờ mỗi tháng phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua nước nhưng chúng tôi phải dùng tằn tiện lắm mới đủ. Cả ngày bán được vài mẻ đậu phụ, trừ các chi phí, nay lại thêm tiền mua nước, lời lãi chẳng còn là bao. Cũng may dạo này trời mưa nhiều nên ít phải bỏ tiền mua nước hơn”, ông Quốc giãi bày.

Việc phải mua từng téc nước để sử dụng cũng là tình trạng phổ biến với người dân một số thôn ở xã Khánh Thượng từ đầu năm 2014 đến nay. Nhiều gia đình đã xây bể để hứng nước mưa nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Các hộ kinh tế khó khăn, không có bể chứa nước mưa, chỉ dám mua nước sạch để ăn uống và chấp nhận bơm nước trực tiếp từ ngoài mương về phục vụ các sinh hoạt khác.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (thôn Đồng Phú), cho biết gia đình chị chỉ dám mua nước sạch về để ăn và tắm cho 2 đứa nhỏ, còn vợ chồng chị phải tắm “nước bẩn”, vậy mà mỗi tháng cũng tiêu tốn tới 400-500 ngàn đồng. “Biết là tắm, giặt bằng nước bơm từ ngoài mương về là không đảm bảo vệ sinh, nhiều lúc cũng ngứa ngáy khó chịu nhưng biết sao được, còn bao nhiêu việc phải chi tiêu, chỉ mong sớm có nước sạch trở lại”, chị Vân Anh nói.

Không chỉ làm hỏng hệ thống ống cấp nước sạch, việc thi công đoạn đường còn gây ra rất nhiều khó khăn, phiền phức cho người dân nơi đây. Mỗi khi trời mưa lớn, đường sá lầy lội khiến học sinh phải ngồi trên thùng xe công nông để đi học hoặc bố mẹ phải cõng đến trường. Người dân ra đường đều phải đi ủng, hoạt động buôn bán bị đình trệ…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, cho biết trục đường này nằm trong gói dự án xây dựng nông thôn mới dành cho 4 xã của huyện Yên Mô, trong đó đoạn qua xã Khánh Thượng có chiều dài 2 km, được khởi công từ tháng 9.2013.

“Cuối năm 2013, nhà thầu đã hoàn thành phần san lấp, rải đất đá và lu mặt đường nhưng sau khi nghỉ tết thì cũng…bẵng đi luôn, đến tận tháng 3 vừa rồi do dân kêu ca nhiều quá, họ quay lại rải thêm một lớp đá cho đỡ lầy lội rồi tiếp tục “mất tích” cho đến nay, khi xã có hỏi thì họ bảo do trời mưa nhiều nên khó khăn cho việc thi công sau đó họ cứ khất lần”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, nhà máy nước sạch đang chờ tuyến đường được thi công xong mới lắp đặt lại hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân nhưng cũng không biết sẽ phải chờ đến khi nào.

Đinh Dụng

>> 7.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
>> Gần 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
>> Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
>> Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
>> Hàng nghìn hộ dân ở La Gi thiếu nước sinh hoạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.