Nhà thơ ôm máy ảnh, thong dong ba miền

27/10/2021 17:15 GMT+7

Ba mươi năm, hơn nửa đời xa cách làng quê. Duyên phận cuộc sống, xa mặt nhưng không cách lòng, bước qua lục tuần, cái tuổi hiểu đời biết mình, nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu ôm máy ảnh tìm về nguồn cội và thong dong ru hồn thơ qua ý ảnh...

Về quê xưa Thanh Hóa, rồi bám trụ Quảng Nam, Hội An, nơi mình khôn lớn, sau đó định cư tại TP.HCM, Nguyễn Lương Hiệu đã gói ghém tâm tư làm nên tác phẩm Thong dong 3 vùng đất (NXB Hội nhà văn, 2021), để lại ấn tượng riêng độc đáo với người yêu thơ ca, nhiếp ảnh.

Ngược dòng sông Mã

Nguyễn lương hiệu

Tuổi học trò ở quê thì mê thơ, lớn lên vào Sài Gòn mưu sinh lại thêm yêu… ảnh. Xem tập sách Thong dong 3 vùng đất, trong tôi cứ bật lên câu hỏi: Nguyễn Lương Hiệu chụp ảnh với hồn thơ, hay làm thơ bằng ý ảnh? Hơn sáu mươi năm cuộc đời, bây giờ thong dong chụp ảnh - làm thơ, ai mà không mơ ước. Nhưng họ Nguyễn giờ đây thật ra vẫn còn làm việc kiếm cơm, "thong dong" là nhàn tản, mới cảm ý hồn thơ. Còn với nhiếp ảnh, phải săm soi, nhìn ngắm, phát hiện thời cơ để chớp máy, bởi đó là nghệ thuật của khoảnh khắc. Tưởng như ảnh và thơ khó sống chung trong một con người, vậy mà với Hiệu thì khác. Về sông nước xứ Thanh, anh phát hiện “Sông Mã mây bay như bờm ngựa/ Thuyền em rẽ nắng ngược miền xuôi”. Người chụp ảnh mà ngắm dáng mây ra bờm ngựa, thuyền trong nắng ngược như “rẽ nắng” trên dòng sông Tây tiến! Sông Mã hùng vĩ, lịch sử, ngắm qua ảnh lại càng nên thơ, nhờ nhà thơ biết chụp ảnh chăng?

Nắng lên

Nguyễn lương hiệu

Với bức ảnh phố cổ Hội An soi bóng, anh cảm đề: “Em còn khỏa nước cầu ao/ Xin đừng khỏa bóng tôi vào lãng quên”. Lãng quên ai? Lãng quên tác giả hay lãng quên cổ phố trăm năm, ảo ảnh trên sông Hoài thương nhớ...

Thuyền nào mà chẳng cong cong, nhưng thuyền ghe phố cổ của tác giả thong dong lại là loại “Nghiêng nghiêng mấy chiếc thuyền trăng”. Ai biết nhiếp ảnh, lúc chụp ghe thuyền thường chọn hướng bên, để thấy được vẻ mềm mại lướt sóng, nhưng dáng ghe qua góc nhìn, góc cảm của Hiệu là dáng ghe của vầng trăng khuyết!

Hoa giấy

Nguyễn lương hiệu

Bức ảnh nhà cổ nối tiếp ba căn, nắng ngược chiếu qua sân gạch rộng, hai người cùng phơi bánh tráng truyền thống. Dáng quê mộc mạc, đường ngói cong cong. Bánh tráng mỏng xuyên sáng, bật lên giữa màu ngói sẫm nhuốm màu thời gian. Gặp được cảnh đã mê, lại càng mê hơn, nhờ nhà thơ biết… “ôm máy ảnh”, nhìn ra góc đẹp phóng sự thôn trang.

Với miền đất Sài Gòn, tác giả đã dành nhiều trang hơn, nhưng chỉ xoay quanh một dòng kênh làm chủ đề với ảnh, với thơ, với lời thơ phổ nhạc. Nhiêu Lộc, con kênh cong vòng, qua ảnh của Hiệu như một dòng sông xanh đầy sức sống, ấp ủ bao kỷ niệm. Đó có thể là “Đường về nhà đi theo dòng kênh”, có thể là “Em ơi dòng kênh này/ Nhân chứng chuyện đôi ta”, cũng có thể là “Công trình thỏa ước mơ của Mẹ” mà mẹ nay đã không còn… Có lẽ do quá say với dòng kênh, anh đã dành nhiều công sức tìm kiếm và leo trèo lên nhiều tầng cao để diễn đạt, phần lớn là ảnh chụp về đêm với phố thị đôi bờ lung linh soi bóng.

Xem hết tập sách, tôi đoán anh vẫn còn vấn vương nuối tiếc những gì chưa làm được, nên tự thú “Tôi già nua nên tôi đứng đó/ Tôi phố phường mong ngóng quê hương”. Và trong một lần ôm máy ảnh ngắm dòng nước trôi qua cầu, anh bỗng thốt lên “Gió chiều trôi cụm lục bình/ Tôi còn mắc nợ cuộc tình. Tình ơi!”.

Thong dong 3 vùng đất - thật ra mỗi vùng miền chỉ chọn một tỉnh thành mà nhà thơ từng gắn bó. Vậy nên mỗi vùng miền cũng chưa đủ rộng. Hẹp cũng là một cách nhìn, qua góc hẹp tele máy ảnh, người ta có thể loại ra những rườm thừa không mong đợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.