Nhà thơ Thanh Thảo Hát giữa gió mưa

22/07/2022 06:41 GMT+7

Đây là tập thơ thứ 20 của nhà thơ Thanh Thảo , được ông hoàn thành trong quãng thời gian hơn một năm - sức làm việc hiếm thấy ở một nhà thơ nay đã 76 tuổi.

Tôi lật trang cuối cùng của tập thơ Hát giữa gió mưa của Thanh Thảo (NXB Hội Nhà văn 2021) và… đếm ở phần mục lục, cả thảy có 39 bài thơ. Lại tỉ mẩn xem bên dưới từng bài thơ, chỗ ghi ngày tháng hoàn thành tác phẩm, thì thấy tác giả chỉ viết chủ yếu trong năm 2020. Có những lúc, cả một series thơ đến trên 10 bài, được nhà thơ viết trong vài ngày! Tôi phải kể lể những chuyện ngoài văn bản thơ như trên để thấy rằng Thanh Thảo luôn chạy marathon cùng thơ, không một phút giây ngừng nghỉ.

Bìa tập thơ Hát giữa gió mưa

T.Đ

Thanh Thảo chia con người mình thành hai nửa, rất rành rọt, một cho báo và một cho thơ, mà có lần ông nói vui rằng thơ và báo nó quần cho bở hơi tai, nên có lúc cũng… tháo bơ luôn. Là cách ông bắt chước kiểu nói lái của dân miền Trung: thơ báo - tháo bơ. Thế đấy, Thanh Thảo luôn bỡn cợt mọi lúc mọi nơi. Riêng với thơ, ông như một con chiên ngoan đạo:

“Tôi thế nào giờ vẫn thế thôi

Cây đâm chồi chính nơi cây trụi lá”

(Tôi đi qua)

Cuộc đời ông có nhiều lần “trụi lá”, hoặc là bị kẻ khác vặt cho trụi, hoặc ông “tự trụi”. Nhưng từ nơi đau đớn ấy, những câu thơ cứ bật lên như chồi như nụ. Dám dấn thân đến tận cùng khổ hạnh, Thanh Thảo đã nhập vào nhân dân mình, vào đất nước mình để vui cùng vui, khổ cùng khổ, không kêu ca trách cứ, “không vuốt ve đầu lưỡi một ai”. Hát giữa gió mưa vẫn trung thành với những gì mà cả đời ông chọn lựa để dấn thân.

Tập Hát giữa gió mưa được Thanh Thảo lấy tên từ một bài thơ viết tặng ca sĩ Thủy Tiên lúc cô không phải đang hát trên các sân khấu lung linh đèn màu mà là “hát giữa gió mưa” khi miền Trung chìm trong biển nước với bao đau thương tang tóc của mùa mưa bão năm 2020. Thủy Tiên hát lần này không phải bằng âm thanh mà bằng nghĩa cử cao đẹp. Đó là cô mang những thứ mà người dân vùng lũ đang cần để tặng cho họ. Trong lúc có bao người soi mói, cả những bêu riếu kiện cáo về sự vô tư của cô ca sĩ này, thì Thanh Thảo đứng lùi lại phía sau tất cả những ồn ào thị phi ấy. Ông luôn nghĩ tốt cho những nghĩa cử đẹp, cả những người hay “diễn”. Nhưng Thủy Tiên hát giữa gió mưa năm 2020 là thật. Thanh Thảo đã đúng, linh cảm của một nhà thơ đầy tính dự báo như Thanh Thảo rất hiếm khi sai số.

“Cúi đầu trước bao câu ngợi khen

Ngẩng đầu trước những lời khó thở”

(Hát giữa gió mưa)

Nói về Thủy Tiên cũng là nói về mình. Cũng như khi nói về diễn viên điện ảnh Trà Giang cũng là nói về chính ông vậy:

“Có thể đóng nhiều vai, còn một vai để ngỏ

Là vai chính phận mình”

(Thơ tặng chị Trà Giang)

Thanh Thảo kể nhà văn Tô Hoài đã có lần nhận xét: “Thanh Thảo làm thơ như viết nhật ký” sau khi đọc một số bài thơ của ông ngay sau ngày hòa bình 1975. Một nhận xét hoàn toàn chính xác của lão nhà văn không làm thơ nhưng rất tinh tế khi đọc thơ này. Không khó để nhận biết Thanh Thảo làm gì, nghĩ gì trong một khoảng không gian, thời gian cụ thể nào đó khi đọc thơ ông. Mỗi ngày, ông giương hết cần ăng ten để thu nạp tất cả mọi âm thanh của đời sống vào mình rồi bắt đầu chưng cất. Một trái mít bất chợt tỏa mùi thơm gợi nhớ tuổi thơ, một tiếng rao bán xôi của bà cụ mà ông quen hằng ngày chợt vắng mặt trong một buổi mai trong lành, một mùi rau càng cua xa ngái thuở chiến tranh, một trận lở đất kinh hoàng vùi lấp hàng chục số phận, một cú nín thở của hàng triệu người chờ cơn bão đến… tất cả đều được Thanh Thảo ghi lại theo cách của ông - cái cách đã làm nên tên tuổi Thanh Thảo ngay khi ông xuất hiện những bài thơ đầu tiên trên thi đàn gần 50 năm trước. Xin được nhắc lại nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người bạn thân thiết gần nửa thế kỷ của ông, khi đọc Hát giữa gió mưa: Đó là một tập “thơ ngoài thơ”.

Thanh Thảo sắp bước vào tuổi bát tuần mà vẫn marathon với “thơ ngoài thơ” và “báo trong báo” mỗi ngày như thế, bấy nhiêu đó đủ để những ai còn gõ bàn phím được đều phải ngả mũ trước ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.