Nhà Trắng giữa đời thực

17/02/2015 17:55 GMT+7

(TN Xuân) Không chỉ là tầng tầng lớp lớp lực lượng an ninh như phim ảnh mô tả, quanh Nhà Trắng còn là dãy hàng quán của những người Việt tha hương.

(TN Xuân) Không chỉ là tầng tầng lớp lớp lực lượng an ninh như phim ảnh mô tả, quanh Nhà Trắng còn là dãy hàng quán của những người Việt tha hương.
 
Du khách đến trước cổng chính của Nhà Trắng - Ảnh: N.M.TDu khách đến trước cổng chính của Nhà Trắng - Ảnh: N.M.T
Ầm! Chiếc Toyota Camry đâm sầm vào một xe taxi trên đường 15, ở vị trí rất gần số 1600 đại lộ Pennsylvania - nơi Nhà Trắng tọa lạc. Khi những người gần đó chưa kịp chạy đến xem nạn nhân trong xe có bị thương hay không, cảnh sát cùng lực lượng công vụ từ bốn phía đã lao tới. Xe cứu thương, xe thang của lính cứu hỏa và gần 10 chiếc xe hơi của cảnh sát cũng có mặt gần như cùng lúc. Số cảnh sát khác thì thoăn thoắt đạp xe đạp, chạy bộ để đổ về hiện trường. Đoạn đường lập tức bị phong tỏa.
Tất cả diễn ra nhanh chóng và nhịp nhàng hơn cả những gì Hollywood mô tả trong phim ảnh. Đó là vì một lực lượng an ninh hùng hậu gồm cảnh sát và mật vụ luôn túc trực xung quanh Nhà Trắng, bên trên thì máy bay trực thăng liên tục quần thảo. Phía ngoài hàng rào Nhà Trắng, những khối bê tông nối nhau, tạo thành nhiều tầng lớp rào cản với những khoảng hở rất giới hạn. Chỉ xe hơi của lực lượng công vụ hoặc khách mời của chính phủ mới được vượt qua. Thậm chí, những xe được phép vào trong cũng phải di chuyển theo hình dích dắc, vượt qua nhiều rào cản bê tông. Bởi vậy, thật khó hiểu khi năm 2014, Nhà Trắng liên tục bị đột nhập khiến bà Julia Pierson, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ, phải từ chức.
 
Máy bay trực thăng quần thảo gần Nhà tưởng niệm Lincoln - Ảnh: N.M.TMáy bay trực thăng quần thảo gần Nhà tưởng niệm Lincoln - Ảnh: N.M.T
Tham quan… hàng rào
An ninh được thắt chặt như thế, nhưng giữa cái nắng của một buổi trưa tháng 7, dòng người từ khắp nơi vẫn ùn ùn kéo đến khu vực trước cửa nam và cửa bắc của nơi người quyền lực nhất hành tinh trú ngụ.
Tuy nhiên, Nhà Trắng dù luôn mở cửa để đón khách tham quan, nhưng điều kiện lại rất gắt gao. Nếu là công dân Mỹ, muốn vào thăm Nhà Trắng phải có sự đề xuất từ một nghị sĩ đại diện cho khu vực công dân đó sinh sống. Sau đó, người xin tham quan còn phải cung cấp một loạt thông tin và chờ cơ quan mật vụ thẩm tra. Trường hợp đặc biệt cũng phải mất ít nhất 21 ngày để nhận hồi đáp có được tham quan Nhà Trắng hay không. Còn lại, trường hợp thông thường thì thời gian chờ hồi đáp có thể phải mất đến 6 tháng. Chương trình tham quan được ấn định rất chi tiết ngày giờ, và có thể bị hủy vào phút cuối.
Công dân nước khác muốn vào tham quan Nhà Trắng thì phải có sự bảo lãnh từ đại sứ quán của nước đó đóng tại Washington D.C. Thời gian chờ hồi đáp cũng mất nhiều tháng. Bởi thế, công dân những nước có quan chức thuộc loại lười biếng, thì đừng mong bước chân vào đây.
Một nhân viên của Cơ quan Quản lý công viên quốc gia (NPS), đơn vị quản lý mảnh đất mà Nhà Trắng tọa lạc, hài hước trả lời tôi rằng: “Mày viết thư cho Ông già Noel nhờ chuyển cho Obama (Tổng thống Mỹ Barack Obama - NV) còn dễ được vào hơn”. Quả thực, trừ trường hợp là khách mời của Tổng thống Mỹ, còn lại đều không đơn giản. Cứ thế, mỗi ngày, hàng ngàn người đổ về số 1600 đại lộ Pennsylvania chỉ tham quan… hàng rào.
 
Hàng quán của người Việt trên đường 15 - Ảnh: N.M.THàng quán của người Việt trên đường 15 - Ảnh: N.M.T
“Chào bà, cháu là người Việt Nam”
Một giọng nói lễ phép chào hỏi hai phụ nữ gốc Việt, ngoài 60 tuổi - bán nước và thức ăn nhẹ ở một ki ốt rất gần Nhà Trắng, mà tôi đang nói chuyện. Câu nói ấy phát ra từ một cậu bé chừng 8 tuổi, đang được bố mẹ dẫn đi tham quan Washington D.C. Gia đình cậu bé là những Việt kiều, sinh sống tại Thái Lan. Người bố cho biết nhận ra 2 người bán hàng đều là đồng hương sau khi nghe nói chuyện bằng tiếng Việt.
Trước đó, cũng nhờ nghe 2 người phụ nữ ấy nói chuyện mà tôi biết họ là người Việt nên bắt chuyện, rồi được biết hầu hết dãy sạp bán nước và thức ăn nhẹ, dọc theo đường 15 gần Nhà Trắng, đều của bà con Việt kiều sống ở các quận Fairfax và Arlington thuộc bang Virginia, nằm sát nách Washington D.C. Về phân vùng địa lý, một phần Virginia, trong đó có Fairfax và Arlington, cùng một phần bang Maryland kết hợp cùng thủ đô Washington D.C tạo thành vùng đô thị Washington.
Không đông như bang California và Texas, nhưng người Việt sinh sống ở Virginia cũng rất nhiều. Theo số liệu do Viện Chính sách nhập cư Mỹ cung cấp hồi tháng 8.2014, gần 50.000 người Việt sinh sống ở vùng đô thị Washington. Đây là vùng đô thị xếp thứ 6 về số lượng người Việt sinh sống, chỉ xếp sau 5 khu vực ở California và Texas.
Cũng tại Virginia, còn có Trung tâm thương mại Eden ở thành phố Falls Church, được xem là trung tâm thương mại người Việt lớn nhất ở vùng đông bắc của Mỹ.
Bức tường đá hoa cương khắc tên binh sĩ Mỹ tử trận ở Việt Nam - Ảnh: N.M.TBức tường đá hoa cương khắc tên binh sĩ Mỹ tử trận ở Việt Nam - Ảnh: N.M.T
“Chợ Việt” gần nhà Obama
Theo lời chỉ dẫn của hai phụ nữ bán hàng trên, tôi tìm đến dãy hàng quán của người Việt nằm trên đường số 15, đoạn giữa Nhà Trắng với Đài tưởng niệm Washington. Một người bán hàng ở khu này nói với tôi: “Các tiệm bán đồ ăn thức uống là của người Việt Nam không đó cậu. Còn những tiệm bán quần áo, đồ lưu niệm là của người Hàn Quốc”.
Cả một dãy hàng quán kéo dài, luôn tập trung đông du khách đang tìm đến nghỉ chân. Nói là quán nhưng thực ra là những ki ốt được thiết kế từ các thùng xe tải nhỏ hoặc rơ moóc nhỏ có thể được kéo bởi xe van, xe bán tải. Bảng hiệu được tô vẽ khá đơn giản, tựa như những bảng hiệu của các hàng ăn ở trung tâm Sài Gòn trước năm 1975 mà tôi vẫn thường thấy qua các hình ảnh tư liệu. Ki ốt nào cũng giống ki ốt nào, chỉ có vài món nước giải khát hay kem cây quen thuộc. Thức ăn nhanh thì cũng chỉ pizza, hotdog hoặc bánh ngọt. Giá cả như nhau và không hề đắt so với mức giá chung ở Washington D.C.
Kinh doanh đơn giản thế, và như lời tâm sự của một chú Việt kiều, thì chỉ đủ cho nhiều gia đình kiếm sống qua ngày. Không ít người mưu sinh quần quật ở đây suốt hàng chục năm trời nhưng vẫn không đủ điều kiện để về thăm quê cha đất tổ. Cách dãy hàng quán này không xa, khu vực tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, nằm bên cạnh Nhà tưởng niệm Lincoln - thuộc quần thể National Mall, với bức tường đá hoa cương đen rộng hơn 8.100 m2 khắc tên khoảng 58.000 binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.