Nhà văn Thy Ngọc và những câu chuyện kể cảm động về Bác Hồ

03/06/2022 12:53 GMT+7

Nhân kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911- 5.6.2022), NXB Trẻ ấn hành tác phẩm Học sinh kể chuyện Bác Hồ của cố nhà văn Thy Ngọc với nhiều câu chuyện xúc động về Bác kính yêu và gia đình.

Học sinh kể chuyện Bác Hồ là tác phẩm của cố nhà văn Thy Ngọc (tên thật là Nguyễn Ngọc, 1925-2012) – một người chuyên viết về thiếu nhi được kính trọng. Lúc sinh thời, nhà văn Thy Ngọc cho rằng: "Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn".

Bến Nhà Rồng xưa

T.L

Về tên, bí danh, bút danh, cùng những sáng tác thơ văn của Bác

Học sinh kể chuyện Bác Hồ cung cấp những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ qua lời kể của học sinh nên phù hợp với cách giảng dạy, đào tạo của nhà trường hiện nay. Tác phẩm gồm có 7 phần, bao gồm những câu chuyện từ thời niên thiếu của Bác cho đến khi Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp qua lời kể của các bạn học sinh tên là Thủy, Sơn, Hòa và Huỳnh. Bên cạnh đó còn có thêm hai phần nội dung nhỏ tiếp tục mở ra nhiều điều thú vị cho bạn đọc hiểu thêm về Bác Hồ:

“Trưa ngày 2.6.1911, Tất Thành ra cảng Sài Gòn. Tàu của hãng Năm Sao vừa cập bến. Anh lên thẳng tàu Amiral Latouche Tréville xin việc làm. Anh gặp ba người Việt Nam làm việc ở phòng ăn. Anh thấy họ cười và nói nhỏ với nhau điều gì đó. Anh đoán họ nghĩ: 'Một người mảnh khảnh như thế thì có thể làm được công việc gì trên tàu?'. Nhưng một người đã ân cần vỗ vai anh và bảo: 'Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn cậu đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho cậu làm'.

Thấy anh, chủ tàu tên là Louis E. Michell hơi ngần ngại vì đứng trước mặt ông là một chàng trai cao gầy, có dáng học trò hơn là một người lao động, nhưng vẻ mặt rất khôi ngô. Ông ta hỏi:

- Anh có thể làm việc gì?

- Tôi có thể làm bất cứ việc gì!

Nghe câu trả lời dứt khoát, cả quyết, đầy tự tin của chàng trai, chủ tàu hứa:

- Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp, sáng mai anh đến đây nhận việc.

Sáng hôm sau, ngày 3.6.1911, Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba được nhận vào làm việc trên tàu. Viên chủ tàu đã giữ lời hứa, giao cho Văn Ba làm phụ bếp.

Là phụ bếp, mỗi ngày anh phải thức dậy trước 4 giờ sáng và từ đó đến 9 giờ tối, anh phải làm quần quật hết công việc này đến công việc khác; suốt ngày, người đẫm mồ hôi và bụi than. Tuy làm việc quá sức nhưng anh vẫn ôn tồn, nhẫn nại và vui vẻ. Sau chín giờ tối, công việc xong, mọi người túm tụm đánh bài, còn anh Ba lại miệt mài đọc và viết đến khuya...

Ngày 5.6.1911, sau khi điểm danh đủ 72 thủy thủ, nhân viên trên tàu và xin dấu chứng nhận vào sổ tàu, con tàu Amiral Latouche Tréville được phép kéo một hồi còi dài, rời cảng Sài Gòn đi Singapore rồi sang Pháp.

Nguyễn Tất Thành nhìn đăm đắm vào bờ như muốn khắc sâu vào tâm trí hình ảnh cuối cùng trước giây phút tạm biệt quê hương muôn vàn yêu dấu!” (trích từ sách).

Học sinh kể chuyện Bác Hồ của cố nhà văn Thy Ngọc với nhiều câu chuyện xúc động về Bác kính yêu

NXB

“Tên, bí danh, bút danh, cùng những sáng tác thơ văn của Bác” cũng là những tài liệu được tác giả góp nhặt lại và trình bày ngắn gọn về các tên, giải thích các bí danh Bác dùng, cùng những sáng tác của Bác.

“Trong cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng nhiều tên, bí danh và bút danh khác nhau. Thủy tạm liệt kê theo thứ tự A, B, C đã và sẽ từ đó trình bày thêm một vài chi tiết của từng tên, từng bí danh, từng bút danh đó. Có thể bữa nay việc tra cứu này chưa đầy đủ, lúc nào tìm thêm được Thủy sẽ bổ sung sau.

Thủy xin đọc tổng thể trước:

- A.G, Ba (Văn Ba), Bác Hồ, C.B., C.K., Chen Vang, Chiến Sĩ, Chín (Thầu Chín), D.X., Đin, đồng chí Trần, G., Già Thu, Hồ Chí Minh, Hồ Quang, L.M. Wang, L.T., La Lập, Lê Nhân, Lê Nông, Lê Quyết Thắng, Lê Thanh Long, Lin, Line, Linốp, Lý Thụy, N., N.A.Q., N.K., Ng.A.Q., Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q., Ng. Ái Quốc, Nguyễn Ái Kbak, Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nilopxki, P.C. Line, Paul, Quac E. Wen, T.L., Tân Sinh, Thanh Lan, Thu Sơn, Tống Văn Sơ, Trần Lực, U.L., V. Victor, Vương (đồng chí Vương), Wang, X., X.Y.Z.

Có bạn vừa hỏi tại sao Bác Hồ phải dùng nhiều tên như vậy? Theo Thủy, có thể do chặng đường hoạt động của Bác là rất dài, trải qua nhiều nước trên thế giới, ở nhiều môi trường khác nhau, Bác cần đề phòng mọi sự bất trắc để đánh lạc hướng bọn mật thám luôn rình bắt bớ, giam cầm, sự đổi tên chỉ là một cách bảo đảm bí mật để hoạt động cách mạng. Ngoài ra, Bác có viết văn, viết báo, Bác ký nhiều tên khác nhau ở nhiều bài báo, dù rất nhiều bài đăng sau này khi Cách mạng tháng Tám đã thành công cho tới những ngày Bác viết xong di chúc... Bác ký nhiều tên khác nhau ở các bài báo đó, cũng là một cách “giữ bí mật” với độc giả chăng? Nhưng qua đó, chúng ta mới thấm thía sức làm việc phi thường của Bác. Dù việc nước, việc dân, việc trong nước, việc ngoài nước, trăm công nghìn việc mà lại tuổi già, sức yếu, Bác vẫn dành thời gian chăm chút từng bài báo, để lại cho các thế hệ chúng ta và mai sau cả một kho tàng văn hóa quý báu”.

Câu chuyện gặp gỡ của hai vị thân sinh Bác Hồ cũng được kể lại theo cách rất thơ và trữ tình: “Ngày xưa ở làng Chùa có thầy giáo Hoàng Đường hay qua lại thăm bạn là Vương Thúc Mậu ở làng Sen. Vào dịp xuân Mậu Thìn (1878) trên đường qua làng Sen, thầy chợt thấy một cậu bé đang say sưa đọc sách trên lưng trâu, trong khi các đám trẻ thì reo hò, chạy nhảy. Sau khi hỏi tên tuổi và gia cảnh cậu bé, thầy động lòng thương và nảy ra ý định xin Sinh Sắc về nuôi dạy. Người anh cùng cha khác mẹ của Sinh Sắc là Nguyễn Sinh Trợ cảm động trước lòng cao cả của thầy, đã đồng ý. Từ đấy Sinh Sắc được gia đình thầy Hoàng Đường nuôi cho ăn học.

Sinh Sắc ngày càng được mọi người yêu mến, vì anh vừa học giỏi, vừa có lễ độ. Đối với Sắc, làng Chùa là quê hương thứ hai và cụ Hoàng Đường là người cha đỡ đầu vô vàn kính yêu.

Gia đình cụ Hoàng Đường cũng vào hạng trung lưu. Cụ bà cùng hai người con gái là Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An làm ruộng, dệt vải. Ngôi nhà gỗ năm gian, hai chái, lợp tranh. Hai gian ngoài được dành làm nơi dạy học của cụ ông. Do có lớp học trong nhà, cụ bà và hai con gái cũng biết ít chữ nghĩa.

Năm, sáu năm sau ngày về làng Chùa, Nguyễn Sinh Sắc trở thành một chàng trai khôi ngô, Hoàng Thị Loan, cô gái đầu lòng của cụ Hoàng Đường cũng đã khôn lớn. Cụ Hoàng bàn với cụ bà chọn Sắc làm con rể. Năm 1883, lễ thành hôn cho đôi trẻ được tổ chức lại làng Chùa. Đôi vợ chồng trẻ được ở riêng trong ngôi nhà tranh ba gian xinh xắn mới dựng bên cạnh nhà cha mẹ. Căn nhà đơn sơ nhưng bao giờ cũng ngăn nắp nhờ bàn tay chăm chỉ của người vợ trẻ. Hai người chung sống ở đây những ngày đầm ấm, với cảnh:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng,

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

Hoàng Thị Loan kế thừa được những đức tính quý báu của cha mẹ. Cô siêng năng, giản dị, chăm lo làm tròn phận sự người con, người vợ”.

Tàu Amiral Latouche-Tréville, nơi Bác Hồ làm phụ bếp và bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước năm 1911

t.l bảo tàng lịch sử quốc gia việt nam

Với tác phẩm Học sinh kể chuyện Bác Hồ, tác giả đã khéo kéo lồng ghép những nét chính về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ qua từng giai đoạn lịch sử theo lối diễn đạt của thanh thiếu niên. Điểm độc đáo trong tác phẩm này là thông qua hình thức trò chuyện giữa các bạn học sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện một cách thú vị, giúp độc giả nhiều độ tuổi, thế hệ đều dễ dàng ôn lại và tìm hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.