Nhà vệ sinh "quá date"

28/10/2007 01:27 GMT+7

Trường Tiểu học Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ - TP.HCM) đang trong thời gian xây dựng, sửa chữa nên cơ sở vật chất khá bộn bề. Nhà vệ sinh (NVS) ở đây tương đối sạch nhưng rất nặng mùi.

Ông Nguyễn Kim Quang - Hiệu trưởng cho biết: "Trường có trên 500 học sinh nhưng chỉ có hai phòng VS cho cả học sinh và thầy cô giáo, trường không có tạp vụ nên các anh bảo vệ phải kiêm luôn dọn VS. Lúc trước NVS của trường rất dơ, năm 2006, Công ty Colgate Palmolive có tặng cho trường 50 triệu đồng để làm phòng răng, nhưng do trường đang có dự án xây trường mới nên chúng tôi đã đề nghị dành số tiền này để sửa chữa làm mới hệ thống NVS và được họ đồng ý. Có tiền, trường đã nhờ một đơn vị thiết kế xây dựng làm lại các hạng mục: nâng nền, lót gạch, lắp bệ tiểu, làm đường nội bộ, quạt, đèn... Đến nay, NVS này đã bắt đầu xuống cấp, hệ thống nước không hoạt động nên NVS có mùi. Cách đây 5 ngày, chúng tôi đã có cuộc họp và quyết định sẽ dùng phí VS lắp đặt lại hệ thống nước".


Bên cạnh đó ở rất nhiều trường có hệ thống NVS sạch sẽ, khá hiện đại. Ngay trên địa bàn Q.Tân Bình TP.HCM, nếu có dịp đến trường dân lập nội trú Thanh Bình với hệ thống NVS được lắp đặt bằng vật liệu inox sáng bóng sạch sẽ; NVS trường Mầm non Bàu Cát hay trường Mầm non quận còn được trang trí khá đẹp mắt, sàn được trải bằng thảm gai, tránh trơn trượt cho bé còn không khí thì sạch sẽ, thoáng mát và khô ráo (ảnh).

Trường THCS An Thới Đông (Cần Giờ) tình hình cũng không khá hơn. Ông Võ Văn Mười - Hiệu trưởng cho biết: "Trường có hơn 600 học sinh, không có lao công, nên dù 3 anh bảo vệ thay nhau 45 phút dọn VS một lần nhưng mùi hôi vẫn xông ra ngoài. Ngoài NVS, trường còn làm thêm bể tiểu ở phía ngoài để học sinh nam đi cho thoáng".  Trường Tiểu học Doi Lầu (Cần Giờ) được xây cất đàng hoàng, nhưng khu vực VS  thì đầy mùi hôi và "bom mìn". Ông Nguyễn Tấn Huyền - Hiệu phó chuyên môn cho biết: "Trước đây cũng có một tổ chức phi chính phủ đến giúp cho trường chương trình vệ sinh cho học sinh nhưng không hiểu vì sao thực hiện được vài năm thì chấm dứt".

Tại trường Công đoàn (khu vực Thanh Đa, TP.HCM), hai dãy toilet bên trái và bên phải căn-tin dành cho sinh viên, nhưng phần lớn đã bị xuống cấp. Đặc biệt, khu VS của nữ phía bên phải căn-tin có 4 phòng luôn bốc mùi hôi. Bồn cầu lẫn bồn nước rửa mặt đóng từng mảng đen lẫn bụi bặm vì lâu ngày không được cọ rửa. Tất cả các cửa phòng đều bị sứt tay nắm, được "chữa cháy" bằng cách dán băng keo chằng chịt. Trong phòng VS, một số người sống gần đấy còn tắm giặt, phơi phóng quần áo... Điều đáng nói, trong khi điều kiện học tập sơ sài, NVS xuống cấp trầm trọng nhưng học phí vẫn không ngừng tăng lên. Cụ thể: lớp 1C Công đoàn học phí từ 2,6 triệu đồng (năm học 2006 - 2007) tăng lên thành 2, 9 triệu đồng (năm học 2007 - 2008); các lớp 1A Công đoàn, 2A Công đoàn từ 2,8 triệu đồng thành 3,1 triệu đồng...  

Dư luận bức xúc,  nhà trường sửa sai

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng tải những thông tin về hiện trạng NVS trong trường học, Phòng Môi trường và Đô thị của một số quận huyện tại TP.HCM như: Q.3, Q.Bình Thạnh...  đã xuống kiểm tra và yêu cầu các trường phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về VS, an toàn trường học. Ông Trần Minh Luân -  Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) khẳng định: "Hiện nay, chúng tôi thường xuyên đôn đốc các lao công thực hiện công việc phải đảm bảo VS  một cách tốt nhất. sau mỗi giờ ra chơi phải quét dọn ngay, tránh để tình trạng rác để lâu trong NVS". Hay như ở trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, cánh cửa NVS đã được thay, không còn tình trạng "trống hoác" như trước... Ở Q.1, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng trường Mầm non thực hành 19.5 cho biết: "Theo quy định của ngành học mầm non, các NVS phải đảm bảo tối thiểu từ  10 - 15 học sinh/bồn cầu/vòi nước nhưng trường có sĩ số 40 học sinh/lớp nên chúng tôi bố trí 4 bồn cầu/NVS/lớp, sàn rửa riêng biệt... Ngoài cô giáo phụ trách, mỗi lớp đều có bảo mẫu, các cô này sẽ chuyên trách lo vấn đề VS cho các em". 

Tuy nhiên, để NVS đảm bảo vệ sinh không chỉ cần sự đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư về nhân công mà phải kể đến ý thức của chính mỗi học sinh. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD - ĐT TP.HCM thì: "NVS cũng là môi trường để giáo dục giới tính, sự kín đáo và thói quen có văn hóa cho học sinh. Chúng ta phải giáo dục ý thức cho các em ngay từ nhỏ". Cùng chung quan điểm trên, tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường thực hiện "Ngày không bảo mẫu" vào ngày cuối mỗi tháng. Trong ngày đó, cho dù các cô bảo mẫu vẫn đến trường làm việc nhưng không tham gia hoạt động mà chỉ quan sát học sinh, còn học sinh thì tự mình thực hiện các công việc như: lấy đồ ăn, bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn NVS sạch sẽ... Do vậy mà sân trường Tiểu học Lê Ngọc Hân không bao giờ có rác, NVS thì rất sạch sẽ.

  Bích Thanh

Thiên Long - Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.