Nhạc sĩ Thuận Yến - ca sĩ Thanh Lam: Cha, con và những bản tình ca nồng cháy

02/10/2007 15:04 GMT+7

Người ta nhận thấy một điều, trong bất kỳ cuộc phỏng vấn hay trò chuyện nào với báo chí, nhạc sĩ Thuận Yến đều dành tình cảm tốt đẹp cho cô con gái yêu. Và dù Thanh Lam năm nay đã xấp xỉ 40, nhưng chị vẫn là cô con gái bé nhỏ trong mắt ông.

Tình yêu không lời

Thuận Yến - Thanh Lam, hai cái tên ấy từ lâu đã không còn xa lạ đối với công chúng yêu âm nhạc. Tên người cha được nhắc đến trong vai trò nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc trữ tình sâu lắng: Chia tay hoàng hôn, Hương tràm, Tình yêu không lời... Còn cô con gái là người dệt nên những khoảnh khắc không thể nào quên nơi người nghe, khi chị đắm mình trong các bài hát được sáng tác bởi người cha thân yêu của mình.

Tình yêu của nhạc sĩ Thuận Yến một phần gắn bó với thời bom đạn chiến trường. Và hôm nay, dường như những kỷ niệm về ngày chia tay của hai vợ chồng ông tại tuyến lửa Quảng Bình vẫn nguyên vẹn trong ký ức người nhạc sĩ: Bà ấy bị khớp, lâu ngày bệnh cứ nặng thêm nên không thể tiếp tục ở lại chiến trường. Trước khi chia tay, đoàn thể tổ chức đám cưới cho hai vợ chồng, ông kể. Trong giờ phút biệt ly gần như được xem là không hẹn ngày gặp lại, bởi chiến tranh không ai nói trước được bất cứ điều gì và chính ông cũng không dám chắc có thể trở lại, người nhạc sĩ ấy cũng chưa biết mình được làm cha. Từ chiến trường miền Nam, nhạc sĩ Thuận Yến mới hay tin này. Và ông coi sự hiện hình của Thanh Lam trong rừng Trường Sơn là một kỷ niệm không bao giờ quên.


Ca sĩ Thanh Lam hồi còn nhỏ

"Với đồng lương ít ỏi, bà ấy (nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương) nghĩ chắc không thể đủ nuôi con nên đã tính chuyện nạo thai, nhưng mọi người khuyên rằng, không biết tôi có còn sống để trở về không nữa nên giữ Lam lại". Năm 1971, nhạc sĩ Thuận Yến ra Bắc, cô con gái Thanh Lam tròn 2 tuổi và đã kịp trải qua một biến cố nhỏ nữa trong đời. Một lần do bị trúng gió độc, nên buổi tối ngủ Thanh Lam cứ một mắt nhắm, một mắt mở rồi bị méo miệng. Vậy là chị phải trở thành bệnh nhân của biết bao thầy thuốc xa, gần. Sau này mẹ Lam kể lại tôi mới biết, bà đã đưa Lam đến nhiều nơi mới chữa khỏi. Có lúc, bác sĩ châm lên mặt Lam tới 80 chiếc kim châm cứu. Đến bây giờ, nếu ai tinh mắt nhìn Lam sẽ thấy di chứng, nhạc sĩ Thuận Yến đùa vui.

Nhưng tự đáy lòng ông rất tự hào bởi một điều mà ai cũng nhận ra: Thanh Lam thật sự là một phụ nữ xinh đẹp. Tấm hình chụp chị ngày bé là minh chứng cho điều này. Với nhạc sĩ Thuận Yến, được trở lại Hà Nội thân yêu, được gần gũi gia đình là niềm vui vô bờ bến của ông. Bao nhiêu tình thương mến bấy lâu bị dồn nén, ông dành trọn cho con gái Thanh Lam. "Khi máy bay Mỹ ném bom ở miền Bắc, mẹ của Thanh Lam lúc bấy giờ đang đi học xa nhà, tôi đèo con cùng lỉnh kỉnh xoong, nồi, gạo, nước lên Phổ Yên sơ tán. Phà ra đến giữa sông Hồng thì có báo động, cũng chả biết làm cách nào nên cứ quyết định đi, phó mặt cho số phận. Nhưng rồi trời thương cho cả hai bố con còn sống cả", Nhạc sĩ Thuận Yến ngậm ngùi.

Cả một thế hệ của ông, chắc sẽ không ai quên những ngày tháng gian khổ ấy. Nhưng chính đó lại là nguồn cảm hứng để ông tiếp tục cho ra đời những bản tình ca vượt thời gian: Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Khát vọng... được nhiều thế hệ trẻ yêu thích. Nhưng ca khúc được hát ở mọi lúc, mọi nơi, từ khán phòng sang trọng đến những quán karaoke bình dân đã chứng minh cho một sức sống trường tồn của âm nhạc Thuận Yến.

Đặc biệt, đa phần các tác phẩm được thể hiện bởi giọng ca Thanh Lam, người mà sau này được phong danh hiệu Nữ hoàng nhạc nhẹ, danh hiệu đầu tiên trong làng âm nhạc nước nhà mà chị có và giữ mãi đến tận lúc này. Và bài hát được nhắc đến nhiều nhất Chia tay hoàng hôn, tác phẩm phản phất không khí ngày chia tay của hai vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến cũng chính là bệ phóng đưa Lam đến với giải Nhất của cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ năm 1991. Thanh Lam đã sống trong tình yêu của bố và mẹ để có được sức mạnh làm nên thành công trong âm nhạc. Có lẽ nào chất lửa trong âm nhạc mà Thanh Lam chuyển tới người nghe được chị hun đúc bằng hơi ấm tấm áo mẹ đan được gỡ ra từ chiếc áo len cũ của cha, từ tình thương con không bao giờ vơi của người cha lúc nào cũng nghĩ Lam là người thiệt thòi!

Mặt trời và ánh lửa


Ca sĩ Thanh Lam và mẹ

Thanh Lam có gương mặt giống mẹ và thừa hưởng gen âm nhạc của cha. Cuộc sống tại vùng sơ tán nơi nhạc sĩ Thuận Yến vừa làm cha vừa làm mẹ của Thanh Lam là điểm khởi đầu ông phát hiện khả năng cảm thụ âm nhạc của con gái mình. "Bà con cô bác ăn thế nào thì nó ăn thế vậy. Tôi lên lớp dẫn con theo cùng, các cô bảo Lam múa, nó làm ngay. Tôi đánh nốt nhạc nào, nó đọc được nốt đó". Hẳn là trong giây phút ấy, nhạc sĩ Thuận Yến đã hạnh phúc vô bờ khi nhận thấy con gái yêu đã có thể là người nối nghiệp thành công của mình.

Về Hà Nội, ông cho Thanh Lam tham gia các chương trình biểu diễn của đội văn nghệ thiếu nhi Chim sơn ca - Đài tiếng nói Việt Nam và sau đó làm đơn cho Thanh Lam thi vào nhạc viện Hà Nội. Người nghệ sĩ bước vào tuổi 70 bồi hồi: Ngày ấy, thực lòng tôi chưa nghĩ Lam sẽ có thể sáng tác nên chỉ cho con học khoa nhạc cụ dân tộc. Đơn giản một điều là nghề này sẽ lâu bền, có thể đánh đến 55 tuổi. Mỗi bước ngoặc trong đời con gái đều được ông lo lắng và tạo dựng bởi tấm lòng người cha thương con hết mực.

Chính vì thế ông hiểu con gái mình hơn ai hết. Đó cũng là một phần lý do để nhạc sĩ Thuận Yến quyết định làm đơn xin cho Thanh Lam chuyển sang Khoa Thanh nhạc, bất chấp qui định ngặt ngoèo của ban giám đốc: Nếu sau một năm không hát được thì Thanh Lam sẽ phải rời khỏi Nhạc viện. Chỉ có một con đường duy nhất để đi, nhưng có thể nói rằng, người cha ấy đã dẫn con gái mình đi trên con đường của tình yêu với niềm tin tưởng tuyệt đối: Tôi tin là Lam không thể thất bại. Và kết quả thật tuyệt vời. Thanh Lam học ngày càng giỏi. Bảy năm học đàn tỳ bà nhưng cái tên Thanh Lam cuối cùng lại gắn liền với nhạc nhẹ và ở mãi với chị đến bây giờ.

Mười ba tuổi, Thanh Lam một mình đi dự Festival thiếu nhi ở Đức. "Cháu đứng trên sân khấu vừa đánh đàn guitar vừa hát bài Mặt trời và ánh lửa của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Lam không học guitar mà vẫn chơi được". Điều đó, có lẽ một phần là nhờ năng khiếu, nhưng ít ai biết rằng, có những hôm mưa lớn, nước lụt tràn vào nhà, nhưng 4 giờ sáng Thanh Lam vẫn dậy học bài. Hình ảnh cô con gái nhỏ năm xưa phải gác chân lên từng bật ghế cho đỡ ướt để ôn bài đã in sâu vào tâm trí người nhạc sĩ giàu tình thương con: "Cháu thông minh và yêu nghề như vậy, nên khi con gái đã chọn con đường này rồi thì tôi luôn ủng hộ và tôn trọng sự lựa chọn của Lam.

Ở thời điểm hiện tại, tôi chỉ nói với Lam rằng: Bây giờ đã có ấn tượng đẹp với công chúng rồi, thì khi đứng trước khán giả lúc nào cũng phải trang trọng. Độ tuổi này nên hát ở góc độ mềm mại hơn... "Ngoài mối quan hệ gắn bó với âm nhạc, lúc nào ông cũng đi sau cô con gái của mình "để ai nói gì về cháu tôi cũng quan tâm". Bây giờ không lo chuyện con đói bụng, nhà dột nữa mà chỉ lo cuộc sống thế nào cho đúng!


Thanh Lam và Thuận Yến - Ảnh: Tintuconline

Cuộc sống của người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng ngập tràn những giây phút vinh quang. Đằng sau ánh đèn sân khấu là đời sống thường nhật với bao lo toan như mọi người. Ai cũng có số phận và phải chấp nhận sự sắp đặt may rủi của cuộc đời. Thanh Lam đã sống, đã yêu và đã buồn vì hôn nhân tan vỡ. Những giai đoạn khó khăn này, nhạc sĩ Thuận Yến lại càng thương con hơn. Bù lại, cô con gái cũng dành sự quan tâm lớn tới cha như cho một người đàn ông đích thực và duy nhất của đời mình - Người đàn ông vốn là nhạc sĩ lớn đã viết lên bài hát để chính con gái mình đặt tên là Khát vọng. Và với Thanh Lam, được hát đã, luôn và sẽ là khát vọng của chị. Bù lại tấm chân tình đó là tình cảm yêu thương mà khán giả gửi đến cho Thanh Lam.

Hai mươi năm làm ca sĩ tự do, Thanh Lam đã ghi nhận giải thưởng NSƯT. Nhưng quan trọng hơn cả là tiếng hát cuả chị vẫn được nhiều người yêu mến. Khán giả luôn chấm những điểm 10 cho tiếng hát Thanh Lam, như BGK năm xưa tại cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc từng dành cho chị tới 16 điểm 10.

Điểm tựa vững vàng

Đó là thành công của gia đình họ trong lĩnh vực nghệ thuật. Thanh Lam ít nói về các con của mình trên báo chí. Chị cũng luôn dặn bố là đừng nói nhiều về chuyện riêng tư của mình. Nhưng rồi mọi người cũng biết từ chuyện chị góp tiền mở quán ăn, có những dự án âm nhạc với Lê Minh Sơn, đến một Thanh Lam đã nhận của ai bài nào thì tập rất kỹ, hát cho đến khi bằng lòng thì thôi. Rồi con gái lớn của Lam đang học Lý luận âm nhạc - Nhạc viện Hà Nội. Người ta cũng biết đến nhạc sĩ Thuận Yến có vợ là nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương và Thanh Lam là chị gái của Trí Minh - một cái tên cũng khá quen thuộc tại phòng ca của VTV3. Trong một vài album của Thanh Lam, em trai chị cũng đứng tên nhà sản xuất... Đó là một gia đình nghệ sĩ thành đạt, nổi tiếng và họ luôn là điểm tựa cho nhau trong cuộc sống.

Từ bao giờ Thanh Lam e ngại giới truyền trông dù tính cách của chị rất khoáng đạt và năng động. Có lẽ điều này đã được chị dồn hết cho âm nhạc. Những lúc khó khăn,Thanh Lam tìm đến âm nhạc để chia sẻ như là cách thổ lộ lòng mình. u cũng là sự công bằng mà số phận đã dành cho chị. Dẫu vậy, xin gửi tặng Thanh Lam lời chúc như chính nguyện ước của cha chị: Mong sao Lam có gia đình để có thể chia sẻ nỗi cô đơn khi tôi mất đi rồi. Tôi còn sống sẽ tiếp tục là điểm tựa cho Lam về tình cảm, nhưng cũng đã đến lúc phải chuẩn bị cho bước tiếp theo trong cuộc đời... Hy vọng điều ước ấy của nhạc sĩ Thuận Yến thành hiện thực để những ca khúc trữ tình lãng mạn do ông sáng tác luôn cháy mãi với thời gian, như chính tình thương mà ông dành cho Thanh Lam vậy.

Theo Lưu Vân - Thế giới điện ảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.