Bài: Đà Thư, ảnh: Nguyễn Đình Toán
Một chương trình rất ý nghĩa với đạo diễn Đinh Anh Dũng. Anh là đạo diễn gắn bó nhất với nhạc sĩ lúc sinh thời, từng làm 2 cuốn phim ca nhạc đầu tiên và cuối cùng về cây đại thụ của nhạc Việt. Nên cũng dễ hiểu vì sao anh lại nâng niu từng chi tiết nhỏ khi thực hiện đêm nhạc và quyết không cho ai can thiệp vào vì bất cứ lý do gì. Hai mươi năm sau ngày mất của cố nhạc sĩ Văn Cao, con trai thứ của ông là nhạc sĩ Nguyễn Nghiêm Bằng đã cung cấp cho truyền thông một số hình ảnh ít người biết của cha mình. Và lần giở những kỷ niệm khó quên về người cha tài hoa của mình.
Một người cha nghiêm khắc
Người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã mất cách đây hai mươi năm, ngoài những tác phẩm âm nhạc, hội họa và thơ ca để lại cho đời, ông còn để lại một hình ảnh đẹp về tấm lòng của một người cha thương yêu con hết mực. Nhạc sĩ Văn Cao kết hôn cùng bà Nghiêm Thúy Băng năm 1947, có với nhau 5 người con, 3 trai, 2 gái. Trong kí ức của nhạc sĩ Nguyễn Nghiêm Bằng, con trai thứ, thì tác giả Buồn tàn thu là một người cha vừa nghiêm khắc, vừa hiền từ.
Thương con vô bờ bến nhưng nhạc sĩ Văn Cao dạy con khá nghiêm khắc. Khi mới có hai người con trai đầu, hàng ngày ông dạy hai con đánh đàn, Nguyễn Văn Thao - con trai lớn học violon, Nguyễn Nghiêm Bằng học piano. “Đánh sai một nốt là cụ cốc vào đầu rất đau!”, nhạc sĩ Nguyễn Nghiêm Bằng kể. Có những hôm hai anh em mải chơi quên học hoặc đánh nhau thì bị cha cầm roi đánh vào mông, đánh xong thấy con đau thì người cha Văn Cao lại lấy dầu xoa cho con.
Sau này khi hai con lớn hơn thì hình phạt của Văn Cao là phạt con quỳ ở một góc nhà. “Hôm nào cụ nhớ thì nửa tiếng cụ tha, hôm nào cụ quên thì cả tiếng mới được tha!”, nhạc sĩ Nghiêm Bằng nhớ lại. Đến khi nhạc sĩ Văn Cao sinh được con gái thì tính tình ông dịu hẳn lại và từ đó các cậu con trai nghịch ngợm không bị đánh nữa.
Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...
Trịnh Công Sơn
Văn Cao luôn muốn các con theo nghiệp âm nhạc. Ngay từ bé, ông đều dạy dỗ các con về âm nhạc. Có khi nhà có mỗi cây đàn mà mấy cha con đều giành nhau đánh. Ông cũng chia sẻ với các con về quan niệm nghệ thuật, sáng tác của mình. Sau này, 5 người con của cố nhạc sĩ Tiến quân ca đều theo con đường nghệ thuật ở các lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, thi ca.
Một người cha hết mực thương con
Nhạc sĩ Nghiêm Bằng kể: “Cụ rất thương tôi, vì tôi gầy gò, tôi luôn ốm đau vặt vẹo, hầu như không năm nào không ốm, còn ông anh tôi thì béo tốt hơn...”. Khi lên 2 tuổi, trong một lần nghịch ngợm, Nguyễn Nghiêm Bằng bị bỏng nặng. Thời đó thuốc men thiếu thốn, cậu bé bị vết bỏng hành hạ hàng đêm, người cha gầy gò phải thức suốt 3 tháng liền quạt cho con ngủ, cho đến khi vết bỏng lành hẳn.
Sau này, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Nghiêm Bằng đã sáng tác bài thơ Nốt nhạc cha để tưởng nhớ người cha đáng kính: “…Rời bản nhạc trên tay/ Cha trong đêm thức trắng/ ba tháng liền tay quạt/ lành vết sẹo thân tôi/ ngày êm trôi/ tôi lớn thân đầy căng vết sẹo/ ân tình sâu năm tháng/ vang lòng Nốt nhạc Cha”.
Trong kí ức của Hương Hương, người con thứ 3 trong gia đình thì cô rất được nhạc sĩ Văn Cao cưng chiều vì cô là con gái đầu, lại theo nghiệp cha. Cô kể, những năm 1965-1966, chiến tranh rất ác liệt tại miền Bắc, hai anh trai đều đi sơ tán theo trường, hai em theo mẹ sơ tán theo cơ quan, còn Hương Hương sơ tán theo trường nhạc ở Hà Bắc.
Cứ mỗi thứ 7 là nhạc sĩ Văn Cao đạp xe tận 50 cây số lên thăm con gái. Ông thường mang lên cho con gái nước mắm cô đặc và ít muối vừng. Thời đó đói khổ, toàn ăn cơm độn sắn, độn khoai, thương con gái bị đau dạ dày, người cha già dành những gì ngon lành nhất cho con.
Những năm con trai Nguyễn Nghiêm Bằng học đại học là những năm người nhạc sĩ tài hoa hầu như không sáng tác, gia cảnh rất khốn khó. Khi nghe con trai kể mùa đông lạnh không có chăn đắp, phải đắp nhờ với người bạn, tác giả Tiến quân ca đã ôm mặt khóc rưng rức.
Và kỷ niệm một tấm hình
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao rất được nhiều nhiếp ảnh giả xin được chụp ông và nhạc sĩ cũng tạo điều kiện để các nhà nhiếp ảnh được toại ý. Những tấm ảnh chẳng cần viện đến diễn xuất hoặc sắp đặt, vì nó vốn là không gian sống, là khung cảnh quen thuộc của người nhạc sĩ. Năm 1989, tạp chí National Geographic đã đăng một bức ảnh của nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm của ông. Bức ảnh nhạc sĩ Văn Cao bên cây đàn piano quen thuộc này do nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu chụp. Đây là bức ảnh đoạt giải nhất Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cuối thập niên 80. Chính tấm hình này sau đó đã tạo cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ Robert Ashley sáng tác nên bản solo cho piano mang tên Van Cao's Meditation vào năm 1992, dù rằng cho đến tận khi Văn Cao qua đời (1995) thì Robert Ashley vẫn chưa một lần gặp mặt tác giả của Tiến quân ca.
Bức ảnh Văn Cao do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp vào khoảng năm 1990-1991. Đây là một trong 27 bức ảnh chụp Văn Cao được Nguyễn Đình Toán trưng bày trong cuộc triển lãm ảnh đầu tiên của ông. Nguyễn Đình Toán kể “Rất nhiều buổi sáng, tôi đến nhà ông. Ông cứ ngồi như vậy với ly rượu và điếu thuốc trên tay. Im lặng. Tôi chụp ông nhiều lắm, chụp không biết bao nhiêu phim. Những bức ảnh ông ngồi bên cây đàn dương cầm, tay cầm ly hoặc có khi cầm điếu thuốc. Mọi suy nghĩ của ông như ngưng đọng lại. Chúng tôi cứ im lặng như thế. Tôi gần như không thấy ông cười bao giờ. Đời tôi chưa thấy ai buồn như Văn Cao dù ông không bao giờ nói về nó”, nhà nhiếp ảnh tâm sự.