Nhạc xưa thắng thế

04/01/2015 05:30 GMT+7

Các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hà Trần, Tùng Dương, Quang Dũng, Quốc Thiên, Thanh Thảo… đều đang nhờ đến nhạc xưa để mở rộng đối tượng khán giả.

Các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hà Trần, Tùng Dương, Quang Dũng, Quốc Thiên, Thanh Thảo… đều đang nhờ đến nhạc xưa để mở rộng đối tượng khán giả.

 
Tự nhận không phải là người hâm mộ nhạc xưa, Hà Trần lý giải việc quay về dòng nhạc này là để “tìm đến số đông công chúng” cả trong nước lẫn hải ngoại. Hiểu theo cách khác, Tình ca qua thế kỷ 2 - album Hà Trần vừa ra mắt, hướng đến mục đích thương mại. Album nhạc xưa đầu tiên của chị Tình ca qua thế kỷ 1 được thực hiện tại Mỹ. Khi ấy, Hà Trần không ngờ rằng album lại có thể ăn khách như thế.
5 năm “trầm cảm trong âm nhạc”
Trái ngược, những sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn thể nghiệm mới của Hà Trần lại kén khán giả. “Không nhiều người biết rằng tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm trong âm nhạc suốt 5 năm trời, khi những sản phẩm tâm huyết, hao tổn nhiều công sức nhưng lại khó đến với công chúng”, Hà Trần tâm sự. Và chị hiểu rằng không thể khư khư chỉ làm những gì mình muốn, mình thích. Hà Trần nói, một album nhạc xưa không tốn công, tốn nhiều thời gian như một album nhạc mới. Thương mại nhưng không bình dân - tôn chỉ này được Hà giữ vững suốt quá trình thực hiện album. Chị mang đến 14 ca khúc nổi tiếng của Y Vân, Lam Phương, Từ Công Phụng, Anh Bằng, Nguyễn Ánh 9… được phối khí với màu sắc của jazz, Latin, bán cổ điển, acoustic dưới bàn tay của ba nhạc sĩ Vũ Quang Trung (Mỹ), Ignace Lai (Canada) và Thanh Phương (VN).
Lý do đưa một ca sĩ luôn tràn đầy nhiệt lượng với âm nhạc thể nghiệm như Tùng Dương đến với nhạc xưa cũng không khác nhiều so với Hà Trần. Cách đây hai năm, không ít người đã bất ngờ khi Tùng Dương tuyên bố sẽ hát… tình ca. Và bất ngờ hơn, live show đã cháy vé khi chỉ vừa được quảng cáo vài ngày. Sau live show này, Tùng Dương tung cả CD lẫn DVD Tùng Dương hát tình ca “đắt như tôm tươi”. Tiếp sau thành công của Tùng Dương hát tình ca 1, Tùng Dương vừa có sản phẩm thứ 2 dành cho những ca khúc đi cùng năm tháng.
Xưa nhưng không cũ
Trong dòng chảy của hoài niệm, ca sĩ Quang Dũng thực hiện album Bài thơ không đoạn kết, làm mới những nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Phạm Đình Chương… “Búp bê” Thanh Thảo có “bộ sưu tập” 4 album Gọi tên bốn mùa, đều là những khúc ca xưa được phối mới: Xuân được hòa âm theo phong cách dance remix nonstop, Hạ dành cho bolero, Thu thì acoustic và Đông là nhạc pop. Hồ Trung Dũng có album đôi Một đời yêu, một là những nhạc phẩm Phạm Duy và một với Trịnh Công Sơn. Lệ Quyên hát 10 Bài không tên của Vũ Thành An trong album Vùng tóc nhớ
Ca sĩ Tùng Dương, sau bao trăn trở, cũng đã nhìn thấy ở nhạc xưa con đường để giới thiệu khán giả đến với những nỗ lực làm mới âm nhạc của mình. Thử nhìn vào live show Áo mùa đông mới đây Tùng Dương sẽ rõ. Anh bày ra bàn tiệc hấp dẫn, đưa ra đầu tiên là những món quen thuộc mà người ta đã quen hoặc đã thích, rồi sau đó mới là những món mới. “Đó không phải là sự thỏa hiệp mà tôi đang kiên trì với khán giả. Tôi để con đường mình đi song hành giữa những bài hát mới và bài hát cũ. Tôi vẫn cố gắng để giữ gìn những thứ xưa cũ ấy một cách tốt nhất, vẫn mang dấu ấn sáng tạo chứ không phải trào lưu nhất thời”, Tùng Dương nói.
Nhạc thị trường “chết” nhanh lắm!
Nhạc xưa, trong đó có nhạc bolero, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ..., đang là xu hướng âm nhạc của nhiều nghệ sĩ. Sau khi tổ chức tại TP.HCM live show Thương hoài ngàn năm với phần lớn các ca khúc bolero, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã đưa tiếp chương trình đến khán giả Hà Nội. “Tôi đo được thị hiếu tâm lý của khán giả. Dòng nhạc thị trường “chết” nhanh lắm, mà tầm 40, 50 tuổi mà cứ hát những bài kiểu lỡ cỡ trên sân khấu thì vô duyên lắm. Tôi có đường đi riêng của mình, mà mình đã làm là phải tới nơi tới chốn”, Đàm Vĩnh Hưng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.