(iHay) Bọn nhóc làng mình hay đọc một cách rập ràng câu 'thơ' của lão ngư Tư phệ bày cho khi nhảy chân sáo xuống bãi biển: Chiều chiều đi bắt rù rì. Đem về cho bố nhâm nhi với rườu (rượu).
>> Huỳnh đế - 'ông trùm' của các loài cua
|
Các ông bố cười tít mắt nhưng các bà mẹ thì la mắng: "Cha bay, mới hơn ba giờ, trời còn nắng chang chang mà đi dang cho nứt đầu hả? Có đi thì đội mũ lên!". Nhưng chẳng đứa nào “chấp hành”. Có… khùng mới đội. Gió biển ngang dọc thế kia, tay khư khư giữ mũ thì làm sao bắt rù rì?
Họ nhà rù rì thật ham chơi. Chúng theo những con sóng phiêu lãng tràn lên bãi. Rồi khi nước rút thật nhanh, rù rì bị mắc cạn, vội vã đùn ngay xuống lớp cát mềm. Tại đây chúng bị tóm bởi những bàn tay nhanh nhẹn của lũ trẻ.
Dưới bóng dương, chúng tụm nhau lại, xổ rù rì ra ngắm nghía rồi “bình loạn” con nào đuôi dài nhất, con nào lớn nhất, con nào càng to nhất. Chẳng có bữa nào ngã ngũ chuyện này. Chúng trương gân búng má cãi nhau ỏm tỏi. Khi một đứa la lên “de”, cả bọn bợ vạt áo đựng rù rì chạy về làng “bán” cho bố. Mỗi đứa chỉ được vài ngàn mua kẹo mút mà mừng hết lớn.
Hiện tại rù rì trở thành món nhâm nhi mùa hè phổ biển của dân chài Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), nhất là khi được các “tửu thủ” ví von là “Tiểu huỳnh đế”, rù rì đã leo lên thang giá 45.000 đồng/kg. Lối ví ấy cũng có “cơ sở”: Rù rì rất giống với cua huỳnh đế thu nhỏ.
Đám trẻ ranh xưa giờ đã cuối cấp 2, biết hồi đó mình “bán hớ” cho bố nên… tiếc hùi hụi. Có đứa nói tính ra tụi mình mỗi đứa “thất thoát” cỡ… vài triệu chớ không ít. Nhưng biết làm sao được khi bài vở ngày một nhiều lên. Với lại cái tuổi bắt rù rì đổi kẹo mút cũng đã lùi xa.
Cuối tuần rồi có mấy đứa bạn trên huyện về chơi. Mình vừa thoáng nghĩ “mồi gì đây” thì lũ nhóc xóm chài đã kéo ngang ngõ với những bọc rù rì vừa bắt được. 90.000 đồng/2kg.
Mồi rù rì làm dễ ợt. Giữ nguyên con. Luộc sơ, để ráo rồi trút vào chảo dầu đang phi tỏi. Cho ớt đường mắm muối hành tiêu vào. Đảo nhẹ và đều để rù rì thẩm thấu gia vị. Nước keo lại là xong.
Rù rì lên mâm có màu nâu đỏ, càng giống với màu cua huỳnh đế. Cứ mỗi đũa một “em”. Răng vừa khởi động đã nghe rù rì vỡ tan, giòn rụm. Cái giòn rào rạo như tiếng mưa nhanh và nhẹ của rù rì cộng hưởng với cái giòn rôm rốp, chắc nụi của bánh tráng phơi đúng nắng làm nên những thanh âm hân hoan. Bạn mình đứa nào cũng khen nức nở.
Với rù rì, khái niệm “to mới ngon” hoàn toàn bị phá sản. Thịt rù rì li ti trong vỏ, trong càng, trong que từ từ tiết ra, nhỏ nhẹ, rủ rỉ, tỉ tê với người ăn về cái chất ngọt ngào, thanh tao, đằm thắm. Cô bạn gái của mình lấy ngón út vén lọn tóc mai, duyên dáng nói: “Em nghe trong rù rì có mùi bọt sóng nữa đó, mấy anh ơi”. Tụi mình bỗng nhao lên, khen câu này hay nhất trong bữa nhậu rù rì.
Ôi chao! Món “tiểu huỳnh đế” mà đãi những người tinh tế như thế thật chẳng bõ công tí nào.
Trần Cao Duyên
>> Đặc sản Quảng Ngãi: Thịt trâu xào lá sưng
>> Ngọt đắng rau huệ Quảng Ngãi
>> Nem chua Quảng Ngãi
Bình luận (0)