Shipper giả: "Của ít… lòng vòng"
"Lừa đảo nên chịu khó nói nhiều dữ lắm" - anh Nguyễn Thành Vinh (25 tuổi, TP.Thủ Đức) chia sẻ kinh nghiệm bị shipper giả làm phiền đến 5 lần trong tháng.
Theo anh, trong khi shipper "ruột" chỉ gọi một cuộc duy nhất báo có đơn rồi cúp máy ngay không đợi trả lời, shipper giả luôn lòng vòng hơn để nằng nặc đòi chuyển tiền.
"Shipper quen nhiều khi tôi quên chuyển thì đến mấy ngày sau họ mới nhắc. Shipper giả thì hấp tấp hơn hẳn, tìm đủ cách để hối mình. Ban đầu nói chuyện nhẹ nhàng nhưng thấy người mua chần chừ chuyển tiền thì "lên giọng" ngay để chơi bài tâm lý", anh Vinh nói.
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện thông báo, shipper giả sẽ hỏi người mua có nhà không. Nếu có, những kẻ mạo danh sẽ hứa hẹn giờ giao sau đó "đang từ kho ra", "đang sửa xe" để đánh lạc hướng, thậm chí là cúp máy, chặn số.
Ngược lại, nếu khách hàng trả lời không, shipper "giả" "trúng mánh" ngay bằng cách thông báo đã giao trước nhà để hối chuyển khoản.
Chị Lương Ánh Mây (30 tuổi, Q.Bình Thạnh) từng mất 200.000 đồng vì dính bẫy shipper giả dù đã xác thực thông tin rất cẩn thận. Chị Mây kể: "Người đó đọc đúng số tiền, địa chỉ mã đơn hàng, tuy nhiên đến lúc tôi xin hình ảnh giao hàng lại không có, shipper báo quên chụp, lỡ đi giao đơn khác. Tôi gặng hỏi thêm thì bị mắng "Sao khó khăn với shipper vậy?", đành cắn răng gửi rồi về nhà không thấy đơn mới biết bị lừa."
Theo ghi nhận của phóng viên, giá trị các đơn hàng theo hình thức lừa đảo này không lớn nhưng khả năng người mua "mắc bẫy" rất cao. Trường hợp nạn nhân thường là phụ nữ, mua sắm nhiều trên các sàn thương mại điện tử nên đôi khi quên mất mình đã đặt bao nhiêu món hàng, cụ thể món gì.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lợi dụng việc người mua không có ở nhà, không rành công nghệ để thực hiện lừa đảo.
Phòng tránh như thế nào?
Thấy nhiều bạn bè xung quanh bị lừa, chị Phùng Huyền Trân (22 tuổi, Q.Gò Vấp) tìm hiểu những cách thức nhận biết và phòng tránh. Chị tải ứng dụng nhận diện số điện thoại gọi đến, nếu là số đã định danh thì sẽ hiện tên, còn lại thì hiện tiền sử spam hoặc không hiện để giúp khoanh vùng người gọi đáng nghi.
Bên cạnh đó, chị Trân cũng ghi nhớ đơn hàng đã mua của mình. Chị thường xuyên kiểm tra tình trạng giao hàng cũng như đối chiếu thông tin kỹ lưỡng với shipper để phòng tránh lừa đảo.
"Shipper giả thì chỉ liên hệ qua điện thoại chứ không đến trực tiếp địa chỉ. Nếu mình không ở nhà mà họ báo để đơn hàng trước cửa thì tôi hay thử hỏi các đặc điểm nhận dạng của nhà mình là bắt bài được ngay", chị Trân nói.
Một số người dân phản ánh bị shipper giả tìm tới ngay trước khi đơn hàng thật được giao. Đối với trường hợp này, anh Lê Hữu Thịnh (45 tuổi, Q.Tân Bình) ưu tiên thanh toán trước các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, nếu shipper đòi chuyển khoản thì có thể biết là lừa đảo. Anh cũng dặn dò người thân ở nhà, tránh tình trạng nhận hàng rồi thanh toán dùm dù không phải đơn do anh mua.
Với những người không quen mua sắm trực tuyến hoặc thiếu kinh nghiệm, cảm giác áy náy dễ khiến họ quyết định chuyển tiền để "cho xong chuyện".
Anh Nguyễn Minh Tân (29 tuổi, shipper tại TP.HCM) cho biết anh rất bức xúc khi nghe đến các vụ giả danh shipper lừa đảo: "Chúng tôi cũng làm dịch vụ nên rất sợ bị báo cáo thái độ không tốt, do đó sẽ hạn chế việc lớn tiếng hay gây sức ép với khách hàng".
Theo anh Tân, nếu người mua cần kiểm tra, anh luôn sẵn sàng cung cấp thông tin, hình ảnh sản phẩm để xác minh. "Khách hàng càng tỉnh táo, shipper làm việc càng thuận lợi. Thời gian gần đây shipper bị mang "điều tiếng" quá, tôi chỉ mong người mua bình tĩnh xử lý vấn đề, không để kẻ mạo danh làm hoang mang mà mất tiền oan", anh nói.
Bình luận (0)